Làm cầu đường: Chất lượng kém, tự bỏ tiền túi khắc phục
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định việc nâng thời hạn bảo hành các công trình hạ tầng giao thông lên 4 năm nhằm ràng buộc trách nhiệm với nhà thầu.
- 16-02-2015Lời cảm ơn của Bộ trưởng Bộ GTVT
- 28-01-2015Sở GTVT Hà Nội nói gì về kết quả thanh tra cầu vượt?
- 26-01-2015Bộ GTVT: “Bút phê” không phải là căn cứ để ưu tiên xử lý công việc
Từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT đã liên tục triển khai nội dung “Năm chất lượng công trình” với các chủ đề “Kỷ cương, chất lượng, tiến độ, hiệu quả”, “Siết chặt quản lý các Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát…”. Tuy nhiên, tại một vài công trình vẫn còn những sự cố liên quan đến chất lượng như lún nứt trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe” trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 18... Vậy đâu là nguyên nhân?
Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định việc bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng công trình giao thông là nhiệm vụ được Bộ GTVT luôn quan tâm hàng đầu.
“Chúng tôi tăng thời hạn bảo hành lên gấp đôi, từ 2 năm lên 4 năm. Còn một số dự án có thể bị hư hỏng đã có thời hạn bảo hành 4-5 năm và trước khi hết hạn bảo hành 3 tháng, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, nếu có hiện tượng sẽ yêu cầu sửa chữa ngay, chi phí hoàn toàn do nhà thầu chịu,” Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ.
Ràng buộc trách nhiệm với công trình
Mặc dù, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng nguyên nhân khách quan dẫn tới một số công trình vẫn yếu kém về chất lượng như: đặc thù trải dài qua nhiều địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp; công tác khảo sát, thiết kế có khi chưa lường trước được sự biến đổi bất thường, cục bộ về địa chất giữa các lỗ khoan với nhau (ví dụ tại cao tốc Nội Bài-Lào Cai). Vì vậy có khi nền đường đặt trên nền địa chất không ổn định mà không biết, dẫn đến hư hỏng sau khi khai thác.
Nhưng bên cạnh nguyên nhân khách quan, ông Đinh La Thăng vẫn cho rằng nguyên nhân chủ quan phải nói đến là do các chủ thể tham gia dự án không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.
“Việc nâng thời hạn bảo hành lên 4 năm là một trong nhiều giải pháp nhằm ràng buộc trách nhiệm với nhà thầu, các đơn vị thi công ngay từ khi công trình bắt đầu. Mọi người phải ý thức rõ rằng, họ phải có trách nhiệm với chất lượng công trình, rất lâu sau khi hoàn thành. Đối mặt với 4 năm bảo hành, chắc chắn là khắc nghiệt hơn so với 2 năm. Không muốn bỏ tiền ra đền thì phải làm ăn cẩn thận trong mọi công đoạn”, Bộ trưởng thẳng thắn nói.
Làm ăn gian dối phải trả giá đắt
Liên quan đến ý kiến cho rằng, để xảy ra chất lượng công trình kém là do các doanh nghiệp đấu thầu giá thấp,“bán thầu” để được nhận công trình đã dẫn đến chất lượng kém. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ GTVT đã lường đến chuyện này nên đã đưa ra nhiều quy định ngày càng chặt chẽ để bất cứ chủ thể nào cũng phải trả giá đắt nếu làm ăn gian dối.
Việc bắt tay để mua, bán thầu là sự lựa chọn quá mạo hiểm của bất cứ nhà thầu nào. Những quy định được đưa ra là cách ngăn chặn tiêu cực mang tính thể chế và khả thi nhất.
Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối. Vì thế, Bộ GTVT đề nghị mọi người cùng tham gia phát hiện, cung cấp bằng chứng bán thầu để Bộ kịp thời xử lý và rút tiếp những kinh nghiệm trong điều hành.
Không có chuyện “bắt tay nhau” để được thưởng
Bên cạnh những dự án vừa xảy ra sự cố thì có những dự án vượt tiến độ và được Bộ GTVT thưởng “nóng”.
Khi được hỏi về việc liệu có khả năng các bộ phận “bắt tay với nhau” để dự án về đích sớm nhằm lấy phần thưởng mà không quan tâm đến chất lượng công trình hay không, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện đó. Vì nếu có sự “bắt tay” như vậy, thì chỉ là thỏa thuận phối hợp giữa các bộ phận để tiến độ không bị chậm, đỡ bị phạt. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn coi giả thiết này là cảnh báo sớm.
Về nguyên tắc, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thực hiện từng gói thầu đều được tư vấn tính toán chi tiết, khoa học trên cơ sở khối lượng, các biện pháp thi công, công nghệ sử dụng trong gói thầu. Đối với các dự án ODA, thời gian thực hiện các gói thầu còn được các chuyên gia của nhà tài trợ xem xét chấp thuận. Quy trình này thường đặt mục tiêu tối ưu về thời gian thực hiện, nghĩa là các nhà thầu phải nỗ lực hết sức mới có thể hoàn thành tiến độ theo kế hoạch.
Vì thế, việc dự án nào đó hoàn thành vượt tiến độ (Cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 trên cao của Hà Nội giai đoạn II…), ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi, điều kiện thi công như mặt bằng, thiết bị, nguồn vốn... nhà thầu nhất định phải có sáng kiến hoặc giải pháp nào đó. Chẳng hạn với những dự án vượt tiến độ vừa nêu, nhà thầu đã thay đổi biện pháp thi công (sử dụng hơi nước nóng để bảo dưỡng bê tông, lao dầm bằng cẩu long môn chạy trên ray…) và phải chủ động bổ sung chi phí để huy động thêm máy móc thiết bị, nhân lực.
“Việc khen thưởng vượt tiến độ là cách thức ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của nhà thầu, tư vấn giám sát... Số tiền thưởng có vẻ rất lớn, nhưng cũng chỉ bằng phần nhỏ so với lợi ích có được từ việc công trình đưa vào khai thác trước thời hạn. Đó là chưa kể, bản thân đơn vị cũng phải chi ra một số tiền lớn để đẩy nhanh tiến độ, tiền thưởng còn có ý nghĩa như là một sự bù đắp. Nếu không thấy hết mọi khía cạnh của vấn đề, chúng ta có thể sẽ vô tình làm cụt hứng, thậm chí nhụt chí những nỗ lực cá nhân hoặc tập thể nào đó vì lợi ích của cộng đồng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Phan Trang
Chinhphu.vn