Lãnh đạo Đà Nẵng đã có một quyết định rất tiến bộ
Việc các lãnh đạo của Đà Nẵng không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa tới, tôi cho rằng đó là một quyết định rất tiến bộ, trách nhiệm với nhân dân Đà Nẵng và xã hội.
- 18-03-2016Con trai ông Nguyễn Bá Thanh ứng cử đại biểu HĐND khóa mới
- 17-03-2016Ông Đinh La Thăng được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội
- 17-03-2016Cả 19 ủy viên Bộ Chính trị ứng cử đại biểu Quốc hội
- 17-03-20162 Phó Thủ tướng được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội
- 14-03-2016Đà Nẵng: Nguyên Phó chủ tịch quận tự ứng cử đại biểu Quốc hội
PGS.TS Đỗ Văn Đại - trưởng khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM - đã nhận xét như vậy xung quanh việc các lãnh đạo Đà Nẵng không ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa tới.
* Tại sao ông lại cho rằng việc các lãnh đạo Đà Nẵng không ứng cử ĐBQH khóa tới là các vị ấy có trách nhiệm với địa phương?
- Bởi, thứ nhất, nếu tự nguyện không ứng cử nghĩa là các vị này đã ý thức rằng mình rất bận rộn và có trách nhiệm lớn lao đối với công việc và trọng trách tại địa phương, việc tập trung sức lực cho địa phương.
Thứ hai, việc không ứng cử đồng nghĩa với việc họ không tham gia vào Quốc hội và để cơ hội lại cho những người khác làm.
Đây cũng là hành động rất trách nhiệm với chính Quốc hội vì khi biết mình không làm được tốt (do bận việc ở địa phương) mà người khác có thể làm tốt được thì để người khác làm sẽ tốt cho Quốc hội (tức cho xã hội hơn).
Trong Quốc hội của ta hiện nay, lượng đại biểu chuyên trách còn ít, mà phần lớn là đại biểu kiêm nhiệm. Không nói về năng lực thì đơn giản, đại biểu kiêm nhiệm không thể nào chuyên tâm hơn đại biểu chuyên trách, có khi đang họp, các đại biểu lại phải “chạy” về nhà để lo việc địa phương, phân tâm với các công việc kiêm nhiệm thì sẽ khó làm tốt trách nhiệm của một đại biểu dân cử.
PGS.TS Đỗ Văn Đại - Ảnh: Hoàng Điệp
* Như vậy, theo ông, càng bớt đi đại biểu kiêm nhiệm thì Quốc hội sẽ làm việc hiệu quả hơn?
- Khi các đại biểu lo việc chạy về nhà để giải quyết việc địa phương hoặc đi họp, thì chức năng của ĐBQH khó được thực hiện. Như vậy, sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân đối với đại biểu ấy trên diễn đàn Quốc hội đã không được thực hiện đầy đủ.
Tôi cũng đã xem những bức ảnh chụp những hội trường vắng ĐBQH hay đã tham gia vào việc chỉnh lý dự thảo tại Quốc hội trong thời gian dài thì thấy việc đại biểu đầu tư vào dự thảo luật không thật sự nhiều.
Tôi không nghĩ tiêu cực rằng các đại biểu “bỏ diễn đàn”, không đầu tư nhiều vào các dự án luật mà họ bấm nút thông qua để làm việc riêng, nhưng quả thực, đại biểu không thể nào chuyên tâm cả tháng trời khi có cả núi công việc đang chờ ở địa phương. Tôi cho rằng nếu là các đại biểu chuyên trách, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn để sâu sát đến từng điều luật, tạo ra những điều luật ổn định cho sự phát triển chung của xã hội.
* Ngoài việc “không được chuyên tâm” tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu kiêm nhiệm là lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước còn phải thực hiện các chức năng khác của một ĐBQH, theo ông họ còn phải thực hiện chức năng chất vấn, ông đánh giá sao về chức năng chất vấn của các đại biểu là lãnh đạo hiện nay?
- Ngoài các chức năng trên, các đại biểu còn thực hiện chức năng chất vấn nữa, mà đôi khi đại biểu kiêm nhiệm đâu dám chất vấn thành viên Chính phủ đối với những vấn đề nóng của đất nước, bởi việc chất vấn có thể được coi là “nhạy cảm” và đôi khi chính các đại biểu cũng ngại ngần. Việc chất vấn không được thực hiện đầy đủ và quyết liệt thì vai trò phản biện đối với các chính sách của ĐBQH cũng không được thực hiện đầy đủ.
Tóm lại, theo cá nhân tôi, khi số lượng đại biểu chuyên trách càng tăng lên, càng chiếm tỉ lệ cao trong Quốc hội thì Quốc hội sẽ hoạt động hiệu quả hơn, và việc các đại biểu là lãnh đạo của các cơ quan càng ít đi bao nhiêu thì việc chất vấn tại Quốc hội hiệu quả hơn bấy nhiêu.
Bởi vậy, việc 3 lãnh đạo của Đà Nẵng không tham gia ứng cử ĐBQH kỳ này, nếu là ý muốn cá nhân của họ, tôi cho rằng đây là tin tốt và đáng hoan nghênh, một hành động rất trách nhiệm và các tỉnh thành khác cũng nên làm theo.