MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên tiếp lừa đảo kinh doanh đa cấp: Trách nhiệm thuộc về ai?

04-03-2016 - 06:48 AM | Xã hội

Dư luận vẫn đặt câu hỏi vì sao các công ty đa cấp hoạt động suốt một thời gian dài mà không bị xử lý.

Vụ việc Công ty Cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (công ty Liên kết Việt) lôi kéo 45.000 người kinh doanh đa cấp, với số tiền lừa đảo lên đến 1.900 tỷ đồng chưa lắng xuống, thì ngày 2/3, cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố vụ án hình sự đối với lãnh đạo Công ty Vipha Việt Nam dụ dỗ gần 500 người tham gia với số tiền khoảng 20 tỷ đồng.

Mặc dù cơ quan công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi vì sao các công ty đa cấp này hoạt động suốt một thời gian dài mà không bị xử lý. Chỉ đến khi hình thành mạng lưới rộng khắp, thiệt hại lớn, vụ việc mới bị phanh phui, vậy trách nhiệm của sự chậm trễ này thuộc về ai? Những kẽ hở nào tồn tại khiến nhiều công ty đa cấp dễ biến tướng thành lừa đảo?

Mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, làm giả bằng khen Thủ tướng, “vẽ” ra hệ thống kinh doanh lãi suất khủng, chỉ cần đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để mua sản phẩm, khách hàng được hưởng gần 450 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng... là những chiêu thức của Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang thành lập, lôi kéo mọi người tham gia. Cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, Công ty Liên kết Việt đã mở rộng mạng lưới với 45 nghìn người, số tiền lừa đảo lên đến 1.900 tỷ đồng, chỉ sau khoảng 1 năm doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động.

Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý là Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã ở đâu, khi doanh nghiệp này tự tung tự tác lừa đảo kinh doanh đa cấp, mở rộng mạng lưới khắp 21 tỉnh, thành?

Thế nhưng mới đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lại khẳng định, cơ quan quản lý không chậm trễ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm tại hệ thống kinh doanh đa cấp Liên kết Việt: “Tháng 7/2015 thì Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của công ty này. Như vậy, chỉ sau 7 tháng Liên kết Việt hoạt động, chúng tôi đã phát hiện và có cuộc kiểm tra, điều tra hoạt động của công ty. Không thể nói là chúng tôi đã chậm trễ. Qua kiểm tra, điều tra, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 570 triệu đồng. Còn việc công ty này tiếp tục có hành vi vi phạm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý. Với chức năng và quyền hạn của mình, Bộ Công an sẽ đưa ra kết luận điều tra cuối cùng về vụ việc.”

Câu trả lời của ông Đỗ Thắng Hải không nhận được sự đồng tình của dư luận. Công ty Liên kết Việt được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp vào ngày 22/12/2014. Bộ Công Thương đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính công ty Liên kết Việt 570 triệu đồng từ tháng 7/2015 nhưng không cung cấp thông tin và cảnh báo người dân về hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này, chỉ đến khi “tập đoàn lừa đảo” này bị điều tra, thì Bộ mới "hé lộ" chuyện phạt doanh nghiệp.

Rồi bây giờ đợi kết quả điều tra của công an!

Theo một số chuyên gia, Bộ Công Thương chưa đánh giá đúng mức những sai phạm của Công ty Liên Kết Việt thực hiện cũng như những hệ lụy mà công ty này mang lại cho cộng đồng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Phạt nhưng không công bố rộng rãi thì giảm tác dụng. Mức phạt thấp, dựa trên một số sai phạm phát hiện được. Còn sai phạm lớn nhất là việc dấu thông tin, như doanh thu 1.900 tỷ đồng mà chỉ khai 9 tỷ đồng, cho thấy năng lực yếu kém trong quản lý. Bộ Công Thương đã phát hiện và phạt nhưng thông tin kết quả thanh tra, xử phạt cũng chưa tới, chưa đạt yêu cầu quản lý. Khi phát hiện ra thì nói tôi có kiểm tra, nhưng thực ra không đủ sức ngăn chặn. Chẳng khác nào dung túng. Công tác quản lý mà làm hình thức thì như tiếp tay ngầm hoặc buông lơi, tắc trách tạo hệ lụy nghiêm trọng.”

Thực tế, mô hình kinh doanh đa cấp đã có từ lâu trên thế giới. Tại Việt Nam hiện có 66 công ty bán hàng đa cấp đang hoạt động. Bản chất kinh doanh đa cấp không phải là xấu nhưng nhiều mô hình kinh doanh đa cấp ở Việt Nam biến tướng với nhiều chiêu trò lừa đảo và bị cơ quan công an triệt phá như: vụ Công ty MB24 lừa đảo 17 nghìn người, với số tiền hơn 630 tỷ đồng; Công ty Tâm Mặt Trời, 39 nghìn người “mắc bẫy” đa cấp với số tiền 112 tỷ đồng…

Mới đây nhất là vụ lừa đảo của Công ty Vipha Việt Nam, mới chỉ 500 người tham gia mà thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Thực tế, ngay từ năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định 110 để quản lý hoạt động này. Đến tháng 5-2014, Chính phủ ban hành thêm Nghị định 42 giảm bớt doanh nghiệp đa cấp bằng cách tăng số vốn điều lệnh, tăng tiền ký quỹ, quy định nhiều hành vi bị cấm...Tuy nhiên hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn biến phức tạp.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, vẫn còn những kẽ hở khiến các đối tượng dễ dàng lách luật: “Nghị định 42 đưa ra những quy định, liệt kê từng chi tiết từng hành vi không được làm thì các đối tượng có thể lách giữa các dòng chữ, lách giữa hành vi không rõ ràng, không bị cấm. Do đó ngoài liệt kê, phải quy định những nguyên tắc hoặc cách thức quản lý những nguy cơ tương tự để ngăn chặn kịp thời. Còn cứ liệt kê những câu chữ cứng nhắc thì có nhiều kẽ hở. Chẳng hạn quy định bán hàng không được dựa trên kết nạp thành viên, tính trên số đầu người mà dựa trên doanh thu lợi ích từ bán hàng mang lại, thì họ có thể lách bằng cách là có một chút bán hàng nhưng vẫn tính theo số người huy động gọi vào nhiều hơn thì sẽ gây tranh cãi khó xử lý.”

Quay trở lại vụ Liên kết Việt, số tiền mà công ty này lừa đảo lên đến 1.900 tỷ đồng, nhưng nay cơ quan chức năng mới thu hồi được khoảng 45 tỷ đồng. Phần lớn số tiền đã được chi hoa hồng cho các đại lý trong mạng lưới đa cấp. Như vậy, để lấy lại tiền đã đóng vào Liên kết Việt là rất khó khăn. Vụ việc này một lần nữa là lời cảnh báo đến người dân khi tham gia kinh doanh đa cấp. Về phía cơ quan chức năng, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, cho biết thời gian tới cần tăng thêm một số điều kiện để siết chặt hơn việc cấp phép kinh doanh đa cấp như tăng số vốn điều lệnh, vốn ký quỹ, tăng cường giám sát, kiểm tra ở các địa phương…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng vừa yêu cầu mở đợt cao điểm kiểm tra rộng khắp vấn đề kinh doanh đa cấp, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đặc biệt, cần xem xét lại Nghị định 42, cần thiết sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế. Đây là những động thái tích cực, song cần làm triệt để, tránh hình thức, buông lỏng, mới ngăn chặn được các biến tướng của kinh doanh đa cấp./.

Theo Việt Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên