Lo phá sản quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung
Đại diện các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia lo lắng, quỹ hưu trí bổ sung được phép đem đầu tư sinh lời, nhưng không có quy định rõ ràng để đảm bảo lợi ích người lao động đóng góp khi công ty quản lý quỹ đầu tư thua lỗ, thậm chí phá sản.
Đây là ý kiến các DN sáng 5/11 tại Hội thảo về quy định bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trước đây từng có đơn vị tới mời tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Theo tính toán của đơn vị bảo hiểm, nếu 1 công nhân đóng góp mỗi tháng 1 triệu đồng, sau 30 năm, số tiền trong tài khoản người đó sẽ hơn 1 tỷ đồng; số tiền này sẽ được chi trả hàng tháng cho người lao động khi nghỉ hưu.
Nghe vậy, lãnh đạo TKV rất hào hứng tham gia, nhưng sau đó gặp vướng mắc và phải dừng. “Lo nhất là an toàn quỹ, không ai dám khẳng định 100% đơn vị quản lý quỹ an toàn. Trong khi đó, nếu công ty quản lý quỹ xảy ra rủi ro, DN sẽ là người chịu trách nhiệm sau cùng, lúc đó người lao động sẽ tới đòi DN. Chúng tôi lo nên phải dừng triển khai”, đại diện TKV nói.
Bà Tô Thùy Linh, Phó GĐ Phát triển sản phẩm - Cty TNHH Quản lý quỹ SSI cho biết, DN quản lý quỹ không được cầm tiền, các khoản đầu tư phải thông qua ngân hàng giám sát. Nếu DN quản lý quỹ xảy ra vấn đề, tiền quỹ vẫn được bảo lưu và chuyển cho công ty khác, không được hạch toán vào tài sản DN quản lý.
Đáng lưu ý, hiện Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định quy định về quỹ hưu trí tự nguyện, trong đó có một số điểm trùng với bảo hiểm hưu trí bổ sung đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội cho biết, trước mắt 2 bộ vẫn xây dựng độc lập. Sau này, việc ban hành 2 nghị định song song, hay hợp nhất về một văn bản sẽ do Chính phủ quyết định. Dự kiến nghị định này sẽ được trình Chính phủ cuối năm nay.
Tiền phong