MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho Dương Chí Dũng

11-12-2013 - 12:10 PM | Xã hội

Cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng, tham ô 28 tỉ đồng sẽ ra tòa ngày mai (12-12) để đối mặt với mức án từ 20 năm tù tới tử hình.

Trong 3 luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng có luật sư Trần Đình Triển. Theo lịch, ngày 12-12, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm tại trụ sở TAND TP Hà Nội.

Hội đồng xét xử gồm: chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh, thẩm phán Đào Vĩnh Tường - Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội và 3 hội thẩm nhân dân. Kiểm sát viên là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng.

Được biết, tại phiên xét xử này sẽ có 12 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi của các bên, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và 1 luật sư khác cùng ở Đoàn luật sư Hà Nội.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 4, điều 278 Bộ Luật Hình sự (có khung hình phạt từ 20 năm tù tới tử hình) và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, điều 165 Bộ Luật Hình sự (có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù) gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT; Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Mai Văn Khang, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin thuộc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Kế toán trưởng Vinalines; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên Phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa; Lê Văn Lừng, cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong và Lê Ngọc Triện, nguyên Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong - Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 10 bị can nêu trên. Theo cáo trạng, trong thời gian Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết 2008, Vinalines đã tổ chức khảo sát, thương thảo và quyết định phương án mua, ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam - với Công ty AP (Singapore). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định các việc làm trên là trái nguyên tắc, quy định của nhà nước, gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng, các bị can đã tham ô 28 tỉ đồng. Trong đó, Dương Chí Dũng tham ô 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn 8 tỉ đồng, Trần Hữu Chiều 370 triệu đồng.

Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng và các bị can phải liên đới bồi thường thiệt hại gần 339 tỉ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành có chức năng tham gia cùng các cơ quan khác thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines trong quá trình phê duyệt thực hiện dự án. Trong một thời gian dài, Bộ GTVT đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát, để Vinalines xảy ra nhiều sai phạm gây thiệt hại rất lớn nên phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm các cán bộ liên quan.


Điều 278. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.




Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.





Theo Nguyễn Quyết

cucpth

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên