Lương chưa có, lấy đâu thưởng Tết?
Nhiều doanh nghiệp đã công bố mức thưởng cao hơn năm ngoái từ 10-15%. Tuy nhiên còn nhiều nơi, người lao động vẫn đang hồi hộp chờ công bố...
- 10-01-2016Lĩnh vực xăng, dầu, khí đốt thưởng Tết “đậm”, nhu cầu nhảy việc tăng cao
- 09-01-2016Khu vực nào đang dẫn đầu về thưởng Tết?
- 04-01-2016“Phập phồng” chờ thưởng tết
- 03-01-2016Thưởng Tết: Kẻ cười, người mếu
Trong khi nhiều doanh nghiệp có uy tín đảm bảo các khoản lương, thưởng tết được chi trả đầy đủ cho người lao động thì không ít nơi công nhân vẫn đang làm việc trong tâm trạng hồi hộp, không biết có được thưởng tết hay không.
Không dám nghĩ đến thưởng
Chị N.T.T., công nhân Công ty may J. (Q.12), cho biết: “Ông chủ mới hứa sẽ có thưởng trả cho công nhân, nhưng mới chỉ nghe nói chứ chưa chắc vì chỗ này đổi chủ mấy lần rồi. Tụi tôi làm mà cứ hồi hộp, chỉ mong có lương đầy đủ, không dám nghĩ đến thưởng!”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Xuân (quê Thanh Hóa), đang làm việc tại một công ty may ở Q.12, kể công ty thông báo thưởng một tháng lương cơ bản nhưng sẽ “cắt đầu cắt đuôi”.
“Người nào trong năm không nghỉ ngày nào được hưởng trọn tháng, nghỉ ngày nào tiền thưởng trừ đi tiền lương ngày đó. Mình nghỉ vài ngày, tính ra cũng chỉ bằng năm ngoái” - chị Xuân buồn rầu.
Tuy nhiên những trường hợp trên còn may mắn, một số trường hợp khác doanh nghiệp còn nợ lương người lao động nên việc thưởng tết gần như không có.
Tại Công ty TNHH Sự Lựa Chọn Hoàn Hảo (Q.Bình Thạnh), gần 100 lao động từ tháng 9-2015 tới nay vẫn chưa nhận được đồng lương nào.
Ông Đoàn Xuân Cương (50 tuổi) đã làm việc ở công ty trên từ năm 2004 cho biết hiện công ty đang nợ ông gần 60 triệu đồng tiền lương. Trong gần một năm qua, công ty cũng không hề đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nên mọi chế độ như bảo hiểm y tế, thất nghiệp, người lao động trong công ty đều không có. “Lương không biết khi nào được trả, nói chi đến thưởng tết. Mấy ngày nay giám đốc khóa máy luôn, không liên lạc được” - ông Cương bức xúc kể.
Ông cho biết công ty ông đang làm việc trước đây ở trong tốp đầu về bán hàng trên tivi. Nhưng càng ngày càng có nhiều công ty cạnh tranh ra đời nên kinh doanh ngày càng giảm sút. Anh chị em công ty đã gửi đơn lên cơ quan quản lý lao động nhờ can thiệp giải quyết ngay từ tháng đầu tiên bị nợ lương nhưng việc giải quyết, hòa giải chậm chạp nên số nợ cứ kéo dài ra.
Chị Thúy Phương (thứ hai từ phải, quê An Giang), làm việc tại một công ty của Nhật Bản - đi rút tiền tại ATM, Q.7 TP.HCM sáng 10-1, cho biết năm nay được thưởng 1,5 tháng lương, nhiều hơn năm ngoái nên dịp tết năm nay cũng có dư chút đỉnh tiền mua sắm tết - Ảnh: Tự Trung
Không thưởng sẽ “mất người”
Với đặc thù là ngành rất cần người lao động, đặc biệt công nhân có kỹ thuật cao, lành nghề, làm lâu năm, ông Võ Quốc Hào - tổng giám đốc Công ty CP may Bình Minh (TP.HCM), cho rằng ngành may đang đối mặt với rất nhiều thách thức trước nguy cơ người lao động bỏ việc, chuyển nghề hoặc ở lại địa phương thay vì lên thành phố lao động như hiện nay.
“Đâu đâu cũng mở khu công nghiệp, nhà máy mới nên khi họ quyết định bỏ quê lên thành phố làm việc sẽ rất cân nhắc. Nơi nào đáp ứng cho họ mức lương có mức sống ổn định, biết quan tâm chia sẻ thì họ mới gắn bó lâu dài với mình” - ông Hào bộc bạch.
Chính vì vậy ngoài tiền mặt thưởng tết, công nhân của May Bình Minh còn nhận được một phần quà trị giá 500.000 - 600.000 đồng/người kèm sản phẩm của công ty.
“Mình cứ lo cho họ hết lòng, một phần là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, một phần cũng để công nhân thấy chỉ cần họ sát cánh cùng chúng tôi thì không có lý do gì chúng tôi không chăm sóc cho họ” - ông Hào chân thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thuấn, phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) cũng cho rằng thực tế không thiếu chuyện doanh nghiệp “trốn” trả thưởng hay “quỵt” lương, thưởng của người lao động vào dịp cuối năm. “Những doanh nghiệp này chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh và cần được loại trừ ra khỏi cộng đồng doanh nghiệp” - ông Thuấn nhấn mạnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Lefaso, hiện mức thưởng cơ bản mà các doanh nghiệp da giày áp dụng cho người lao động phần lớn ở mức một tháng lương, trong khi khối doanh nghiệp dệt may có phần nhỉnh hơn, từ 1-1,5 tháng/người trở lên.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food:
Nuôi dưỡng niềm tin của người lao động
Dịp tết hằng năm, công ty đều tập trung chăm chút cho người lao động để họ đón những ngày lễ tết đầy đủ, ấm áp. Tùy vào tình hình làm ăn của công ty, lúc còn khó khăn thì 1,18 tháng lương, năm sau lên 1,3 tháng rồi 1,5 tháng. Cứ thế mỗi năm thưởng tết tăng thêm một chút, nhưng đến năm nay là tốt nhất khi công ty lo được cho mỗi công nhân 2 tháng lương thưởng tết theo thu nhập thực tế, không phải là mức lương cơ bản sàn sàn mức lương tối thiểu vùng.
Kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản là chủ yếu, phải sử dụng lao động chân tay rất nhiều nên đối với công ty, người lao động được xem là vốn quý nhất. Không chỉ là lương, thưởng tết, mỗi năm công ty đều tổ chức ít nhất 10 chuyến xe đưa công nhân về quê nhà ăn tết, cán bộ theo xe đưa đón công nhân về tận nơi để giám sát chất lượng xe.
Những năm qua, việc làm ăn của công ty phát triển đều, mỗi năm 15-20%. Công ty kinh doanh hiệu quả thì trích ra chăm lo thêm cho người lao động, từ đó để họ vui vẻ, gắn bó với công ty. Không những thế, trước khi nghỉ tết lãnh đạo công ty đều tổ chức họp theo tổ thông báo kế hoạch sản xuất trong năm tới, từng quý đều có định mức cụ thể khiến người lao động rất yên tâm để trở lại làm việc sau tết. Nhờ vậy mà mặc dù thường xuyên sử dụng đến 2.000 lao động nhưng biến động lao động rất ít, người lao động hết sức gắn bó với công ty.
VŨ THỦY ghi
Tuổi Trẻ