Một số thông tin đáng chú ý của phiên họp Quốc hội ngày 23/10
Trong buổi làm việc ngày 23/10, đã có 37 đại biểu Quốc hội phát biểu về các vấn đề liên quan đến Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
- 12-02-2014Tăng thời gian sở hữu nhà ở cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
- 21-08-2013Nới lỏng chính sách nhà ở cho người nước ngoài: Nguồn tiền lớn đổ vào BĐS?
Trong ngày làm việc thứ 4 (23/10) Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe các các tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, tờ trình về chống tra tấn và các hình thức đối xử trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo…và tờ trình về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Cụ thể, Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
( Quốc hội xem xét phê chuẩn Công ước chống tra tấn của LHQ)
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội cũng đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Trong buổi làm việc, đã có 37 đại biểu Quốc hội phát biểu.
(Hoá giải nỗi lo “vỡ” Quỹ Bảo hiểm xã hội)
Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (đối với người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội); chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Về chế độ hưu chí và cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội (tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng; điều chỉnh mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội);
- Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Bảo hiểm xã hội; việc giao thẩm quyền thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội;
- Quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội và hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội;
- Về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và một số nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp…
Ngày 24/10/2014, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.