MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua vé “chợ đen” sẽ không được lên tàu

26-01-2016 - 14:48 PM | Xã hội

Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khuyên người dân không nên mua vé tàu ở chợ đen vì sẽ không được lên tàu.

“Trong trường hợp người dân mua phải vé không rõ nguồn gốc, chúng tôi sẽ có hướng dẫn để người dân mua một vé khác. Tuy nhiên, việc hành khách mua phải vé “chợ đen” phải tự chịu trách nhiệm, ngành đường sắt sẽ không phải bồi thường cho khách hàng tổn thất do mua vé chợ đen”, ông Trường nhấn mạnh.

Ông có thể cho biết Bộ Giao thông vận tải đã chuẩn bị gì để đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận lợi trong dịp Tết Bính Thân 2016?

Để phục vụ cho việc đi lại người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, từ tháng 10/2014, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành nhiều chỉ thị để phục vụ tốt việc đi lại cho nhân dân, đặc biệt tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không.

Về đường bộ, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải chủ động tăng cường luồng xe, tuyến xe, bổ sung đội ngũ xe, đảm bảo chất lượng, phối hợp với các bên xe cho người dân đi từ đầu bến với mức giá vé hợp lý.

Để làm được việc này, Bộ đã yêu cầu các Sở giao thông cam kết tiến hành đánh giá đồng bộ hoạt động của các doanh nghiệp đó, phục vụ hành khách cả ngày 30, mồng 1 Tết. Đến nay, các doanh nghiệp cũng đã đăng ký tăng số tuyến vận tải, tăng cường đội ngũ xe cũng như bổ sung dòng xe mới để phục vụ cho dịp đi lại của người dân. Riêng đối với taxi, Bộ yêu cầu doanh nghiệp taxi không tăng giá vé, giảm giá vé trong dịp Tết.

Đối với hoạt động tại bến xe, Bộ chỉ đạo các bến xe đáp ứng dịch vụ bến xe văn minh sạch đẹp, niêm yết giá vé, tuyến công khai. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiên quyết xử lý những bến xe cóc ảnh hưởng đến trật tự văn minh đô thị, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.

Về đường sắt, sau khi có thông tin trục trặc trong việc bán vé điện tử, Bộ đã có yêu cầu kiểm tra toàn bộ việc bán vé tàu bằng điện tử. Đến nay đã khắc phục và công khai việc bán vé tàu Tết cho các tuyến rất sớm, đồng thời công khai tất cả luồng tuyến, kiểm soát giữa người mua vé và người đi tàu, đáp ứng đúng 1 người 1 vé, tránh tình trạng người này mua của người khác.

Bộ cũng khuyến cáo những người mua vé không trình chứng minh thì không được lên tàu, tránh tình trạng người dân mua vé ở chợ đen, không đúng nguồn gốc của vé điện tử. Tất cả các nhân viên bán vé trực đến 10h đêm để phục vụ tốt việc bán vé cho hành khách. Năm nay, ngành đường sắt phục vụ nhiều lượt tàu cho tuyến đường sắt Bắc – Nam để người dân vẫn có thể đi cả đêm 30, thậm chí sáng 1 vẫn có tàu phục vụ.

Đối với lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines cũng như Tổng công ty Cảng hàng không phối hợp để tăng chuyến bay đến sân bay nội địa. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo tăng cường chất lượng dịch vụ cũng như an toàn bay để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Tại các sân bay đều phải có hướng dẫn để khách hàng chủ động lựa chọn đường bay hợp lý nhất. Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines tiến hành bán các gói vé phù hợp, không tăng giá, nếu như đặt vé trước thì giá vé phải giảm nhiều. Đặc biệt, không để tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, không để người dân bức xúc vì chờ đợi. Ngoài ra, Bộ yêu cầu cải thiện dịch vụ ăn uống, dịch vụ đưa đón khách, wifi miễn phí tại các sân bay một cách tốt nhất.

Nói như vậy có nghĩa là tình trạng cháy vé sẽ không xảy ra đối với ngành đường bộ và đường sắt trong dịp Tết năm nay?

Đúng vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường số chuyến, tăng cường các điểm bán vé. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, tất cả các chuyến xe có thể phục vụ đến ngày 30 Tết, và nếu ngày 1 Tết người dân có nhu cầu đi lại thì các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng phục vụ.

Năm nay, Bộ cũng đã phối hợp tốt với các chính quyền các cấp, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu vùng xa để người dân có thể đi lại thuận lợi, đặc biệt là các huyện miền núi, yêu cầu Sở có các tuyến xe để phục vụ cho người dân đi lại trong ngày Tết.

Với ngành đường sắt, từ ngày 25 đến ngày 29 Tết, Bộ xác định đây là giai đoạn đỉnh điểm của việc đi lại. Ngành đường sắt đã huy động tối đa các đuôi tàu để đảm bảo chỗ ngồi cho hành khách. Tuy nhiên, đối với ngành đường sắt, các đuôi tàu chỉ có giới hạn nên không thể tăng thêm được. Vì vậy, Bộ sẽ hướng dẫn người dân chuyển từ đường sắt sang đường bộ một cách phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng đối tượng đi lại.

Vậy trong trường hợp hành khách mua phải vé không rõ nguồn gốc thì có được lên tàu không?

Trong trường hợp người dân mua phải vé không rõ nguồn gốc, chúng tôi sẽ có hướng dẫn để người dân mua một vé khác. Tuy nhiên, việc hành khách mua phải vé “chợ đen” phải tự chịu trách nhiệm. Trước đó, ngành đường sắt đã có khuyến cáo rất rõ việc hành khách phải mua vé tại cơ sở có quy định, đặc biệt khi mua trên mạng, cốt vé đó phải trùng với cốt vé của các đơn vị phát vé chính thức.

Đối với ngành hàng không, tình trạng chậm, hủy chuyến sẽ không diễn ra trong dịp Tết năm nay, thưa Thứ trưởng?

Điều này chúng tôi chưa dám khẳng định. Trong trường hợp chậm, hủy chuyến, hoặc do các yếu tố khách quan khác mà việc đi lại của ngành hàng không không đảm bảo thời gian, ngành hàng không sẽ đảm bảo dịch vụ để người dân chờ trong điều kiện tốt nhất, được ăn, nghỉ phù hợp với sức khỏe của họ. Việc chậm, hủy chuyến cũng sẽ được thông báo trước cho khách hàng, để hành khách có thể chủ động di chuyển, làm việc, ăn nghỉ ở sân bay một cách phù hợp nhất.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Theo Tuyết Nhung

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên