MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất để trả cho NLĐ

01-04-2015 - 11:06 AM | Xã hội

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Nai, Sơn La, An Giang, Lai Châu, TP. Hà Nội kiến nghị một số vấn đề liên quan đến tiền lương tối thiểu, việc xây dựng thang lương, bảng lương.

Cử tri tỉnh Bạc Liêu đề nghị quy định mức lương khởi điểm chung (cùng hệ số ngạch, bậc) cho tất cả các ngành nghề; còn đối với phụ cấp thì theo ngành, nghề, đối tượng phục vụ. Mức lương tối thiểu không nên quy định theo vùng như hiện nay mà nên quy định theo ngành, nghề, nên đưa quy định lương tối thiểu vào Luật, không nên quy định hàng năm.

Cử tri TP Hà Nội đề nghị nghiên cứu sớm ban hành Luật Tiền lương để đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao đời sống của người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị xã hội. Đồng thời đề nghị sửa đổi Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định mức lương tối thiểu vùng theo hướng một số huyện ngoại thành Hà Nội được áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng II.

Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét có quy định cụ thể đối với doanh nghiệp khi xây dựng bảng lương, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cần quan tâm đến đối tượng có thâm niên để tránh thiệt thòi cho đối tượng này.

Cử tri tỉnh Sơn La đề nghị hướng dẫn thực hiện Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định mức lương tối thiểu vùng; đề nghị áp dụng mức lương tối thiểu vùng tính chi phí đầu vào làm cơ sở thanh quyết toán chương trình, dự án.

Cử tri tỉnh An Giang cho rằng việc quy định mức lương tối thiểu thành 4 vùng theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã như hiện nay là chưa phù hợp và đề nghị chỉ nên phân thành 2 vùng.

Cử tri tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến cử tri các tỉnh như sau:

Về mức lương tối thiểu

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Như vậy, hằng năm trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia Chính phủ sẽ xem xét việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng mà không bắt buộc hàng năm phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất để thương lượng, thỏa thuận và trả lương cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Khi thương lượng, thỏa thuận tiền lương, người lao động có thể đưa yếu tố thâm niên là một trong những yếu tố để thương lượng với người sử dụng lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu.

Về phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu

Thực hiện quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động, Chính phủ đã quy định địa bàn áp dụng tiền lương tối thiểu thành 4 vùng theo địa giới hành chính cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Việc phân vùng dựa vào điều kiện kinh tế xã hội, mức sống dân cư, thị trường lao động và mức tiền lương trên thị trường lao động của từng vùng. Đồng thời, hằng năm khi xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản đề nghị các địa phương rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp.

Qua quá trình thực hiện, nhìn chung việc phân vùng các địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng về cơ bản phù hợp với thực tế của các địa phương. Vì vậy, trường hợp cử tri thấy địa bàn áp dụng tiền lương tối thiểu nào không hợp lý thì kiến nghị với Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát và gửi ý kiến đề xuất điều chỉnh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Chính phủ điều chỉnh trong thời gian tới.

Về xây dựng thang lương, bảng lương

Theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động và Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ thì người sử dụng lao động (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước) có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định  làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

Khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Vì vậy, trong quá trình người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương người lao động có thể thông qua tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở để góp ý kiến với người sử dụng lao động xem xét đến yếu tố thâm niên trong việc xây dựng thang lương, bảng lương.

Riêng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, các tổ chức, đơn vị của Nhà nước, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hiện đang xếp lương theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì Chính phủ đang giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và khi xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương các doanh nghiệp phải bảo đảm quan hệ hợp lý về tiền lương giữa các loại lao động trong công ty và các ngành nghề để bảo đảm cân đối chung.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang khẩn trương hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu để doanh nghiệp thực hiện.

>>>Lương tối thiểu vùng phải tăng từ 18- 19% mỗi năm

 

PV

Theo Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên