MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm mới: mạn đàm về chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia – GNH”

06-02-2014 - 11:43 AM | Xã hội

Năm mới, ông cha ta từ bao đời nay luôn có nhiều câu chúc hay, trong đó "chúc nhau hạnh phúc" là lời chúc phổ biến và mang ý nghĩa nhất.

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Nhân dịp đầu Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia – GNH” mà nhiều nước hiện nay đang theo đuổi thay cho chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Thuật ngữ “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH - Gross National Happiness) được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1972, đến nay đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Bài viết này tóm tắt những nhược điểm của chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong việc đánh giá phúc lợi và tiến bộ xã hội, giới thiệu khái niệm GNH trên cơ sở những quan niệm về hạnh phúc và một số vấn đề có liên quan đến các cách tiếp cận khác nhau trong việc đo lường phúc lợi.

Chỉ số GDP: những khiếm khuyết

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là một chỉ số hiện vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong việc đo lường tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người ta lại thường đồng nhất GDP với tiến bộ xã hội.

Với tư cách là một chỉ số kinh tế chủ yếu, GDP có nhiều nhược điểm mà các nhà kinh tế từ lâu đã biết. Simon Kuznets, nguyên là Chủ tịch Ủy ban cố vấn kinh tế của Mỹ đã cảnh báo rằng “phúc lợi của một dân tộc” không nên được suy luận từ một chỉ số về thu nhập quốc dân và rằng trên thực tế các thước đo hạch toán quốc gia không có ý định đo lường phúc lợi. GDP không bao gồm yếu tố vốn con người và phát triển xã hội, bảo vệ sinh thái, do vậy không thể bao hàm chất lượng cuộc sống và cũng không phản ánh được sự phân bố bình quân đầu người một cách trung thực ở những quốc gia có mức chênh lệch giàu, nghèo cao. Nhiều nhà kinh tế đã nhấn mạnh rằng một quan niệm phù hợp về phát triển phải vượt lên khái niệm về tích lũy của cải và tăng trưởng GDP.

Vì thế, chiến lược phát triển của một nước nếu chỉ dựa trên việc theo đuổi GDP sẽ dễ bị đi theo mặt trái của áp lực tăng trưởng kinh tế, kết quả là suy thoái môi trường, giá trị tinh thần, văn hóa truyền thống trong xã hội bị chi phối bởi sức mạnh đồng tiền, tiêu dùng và cạnh tranh.

Trên thực tế, các nhà kinh tế đã thể hiện những quan điểm rất khác nhau về chỉ số thu nhập quốc dân và mối quan hệ với phúc lợi. Khi nghiên cứu các chỉ số đo lường của cải và những thay đổi trong của cải, Ngân hàng Thế giới (NHTG) cho rằng việc không tính đến những thay đổi về tài nguyên làm cho các tính toán về tăng trưởng kinh tế không phản ánh được những thay đổi về phúc lợi. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước thu nhập thấp, những nước chủ yếu dựa vào tài nguyên để tăng trưởng kinh tế.

Sử dụng ước tính cách đây 10 năm, nghiên cứu của NHTG cho thấy một số nước (chẳng hạn như Nigieria và Azerbijian) có tỷ lệ tăng truởng cao nhưng lại có tỷ lệ tiết kiệm thực (genuin savings rate) âm. Nói cách khác, mặc dù những nước này có tỷ lệ tăng trưởng cao, tỷ lệ tiết kiệm ròng lại là âm sau khi xem xét giá trị dùng để thay thế khoáng sản, năng lượng và tài nguyên rừng, những thiệt hại từ những ô nhiễm không khí và đầu tư vào vốn con người.

Mặc dù trong các Báo cáo Phát triển Thế giới, NHTG đã lưu ý rằng nhìn chung các nước đã trở nên giàu có hơn, tỷ lệ đói nghèo giảm, và các chỉ số phúc lợi khác như mức giáo dục và y tế bình quân được cải thiện, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù có rất nhiều bằng chứng cho thấy các chỉ số về chất lượng cuộc sống có xu hướng tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân đầu người, nhưng không có một hình mẫu nhất quán về việc cải thiện các chỉ số chất lượng cuộc sống trong quá trình các nước trải qua thời kỳ tăng trưởng.

Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH)

Thuật ngữ này do Vua Bhutan, Jigme Singye Wangchuck, người đã chủ trương mở cửa đất nước Bhutan với thế giới và kỷ nguyên hiện đại hóa, đưa ra vào năm 1972. Lúc đầu, thuật ngữ dường như được nêu ra một cách ngẫu nhiên, tuy nhiên sau đó được xem xét một cách nghiêm túc khi Trung tâm nghiên cứu Bhutan đã phát triển một công cụ điều tra nhằm đo lường mức hạnh phúc nói chung của một dân tộc. Cho đến nay đã có nhiều Hội thảo quốc tế về GNH được tổ chức. Theo Frank Dixon, chuyên gia cố vấn về kinh tế và phát triển bền vững, GNH có thể là một bước tiến quan trọng trong lý thuyết kinh tế trong suốt hơn 150 năm qua, khi mà càng ngày người ta càng nhận ra cái giá phải trả đắt đỏ cho sự suy thoái môi trường và xã hội trước sự thống trị tràn lan của chủ nghĩa vật chất và tiêu thụ.

Khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) được phát triển nhằm đưa ra một chỉ số đo lường được chất lượng cuộc sống hay tiến bộ xã hội dưới giác độ tâm lý và triết học hơn là GDP. Cũng giống như nhiều chỉ số tâm lý và xã hội khác, GNH dường như là dễ dàng trong việc định nghĩa hơn là đo lường nó một cách chính xác. Thay cho việc nỗ lực tìm kiếm một chỉ số đo lường hạnh phúc tổng cộng hay hạnh phúc trung bình, các nhà nghiên cứu tìm cách đo lường mức độ đạt được hay gần đạt được một “mức độ đủ” trong các mảng lĩnh vực hạnh phúc.

Chín yếu tố cấu thành phản ánh hạnh phúc được đưa vào chỉ số GNH: tình trạng về tâm lý, sử dụng thời gian, sức sống của cộng đồng, văn hóa (tính đa dạng và bảo tồn của truyền thống văn hóa), sức khỏe (y tế), giáo dục, môi trường (cảm nhận và hiểu biết về sinh thái), mức sống, và quản trị (cảm nhận về công bằng, chân chính và chất lượng). Những yếu tố này được lựa chọn trên cơ sở nền tảng chuẩn tắc và có trọng số bằng nhau bởi vì mỗi yếu tố được xem là khá như nhau trên phương diện tầm quan trọng thiết yếu cấu thành nên tổng hạnh phúc quốc gia. Khi đo lường chỉ số này, người ta tìm cách gán trọng số lớn hơn đối với yếu tố cấu thành nào không đạt mức “đủ”. Điều này có nghĩa là nếu một yếu tố nào đó không đạt được mức “đủ” sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số GNH. Do vậy, việc xác định ngưỡng được coi là vừa “đủ” của các yếu tố cấu thành sẽ có tác động quan trọng tới kết quả thu được. Tuy nhiên, các ngưỡng “đủ” được xác định trên cơ sở đánh giá về giá trị và phải là sự lựa chọn của công chúng.

Đến nay, sau hơn ba thập niên Bhutan đưa ra chỉ số GNH, ngày càng nhiều nước cũng nhận thấy tăng trưởng và phát triển kinh tế không có nghĩa là phải hi sinh môi trường và hạnh phúc của cộng đồng. Mối quan tâm về hạnh phúc ngày nay cũng ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều nước phát triển.

Adrian White, nhà tâm lý học và xã hội học tại trường đại học Leicester cho rằng các nhà chính trị ngày càng quan tâm đến việc dùng các thước đo hạnh phúc làm chỉ số quốc gia song song với các thước đo về sự giàu có. Một cuộc điều tra do đài BBC tiến hành năm 2006 cho thấy 81% dân chúng Anh muốn chính phủ tập trung hơn vào hạnh phúc cho người dân, thay cho việc chỉ chăm lo sự giàu có. Các nhà kinh tế của Nhật Bản đã tuyên bố trong một hội thảo là nước Nhật phải bớt quan tâm đến mức tăng trưởng GDP để học hỏi quan niệm hạnh phúc của Bhutan. Gần đây, Thái Lan cũng đang chuyển hướng tập trung của mình từ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sang phát triển bền vững và cũng đang phát triển những chỉ số mới để đo mức hạnh phúc của người dân Thái. Mạng lưới Chỉ số hạnh phúc cũng đã được lập ra ở Thái Lan để khai thác cách thức đo “Tổng hạnh phúc quốc gia” và chỉ số GNH song song với chỉ số GDP nhằm duy trì sự cân bằng trong phát triển nền kinh tế quốc gia.

Việt Nam đứng ở đâu trong danh sách hạnh phúc của thế giới

Tùy thuộc vào mục đích và phương pháp khảo sát, danh sách xếp hạng của các nước, trong đó của Việt Nam hiện nay là rất khác nhau. Forbes đã có công bố danh sách những nước hạnh phúc nhất trên thế giới dự

a trên cuộc khảo sát do Viện Gallup World Poll thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi cho người dân từ 155 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khoảng từ năm 2005 đến 2009, về mức độ hài lòng nói chung với cuộc sống của mình, xếp hạng các câu trả lời theo thang điểm từ 1 đến 10, về cảm giác trong ngày hôm trước. Những câu trả lời này cho phép các nhà nghiên cứu chấm điểm về "trải nghiệm trong ngày". Kết quả cho thấy những nước có nền kinh tế phát triển thì người dân cũng hài lòng hơn với cuộc sống: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy là những nước có cuộc sống khiến người dân hài lòng nhất. Việt Nam đứng thứ 96 trong số 155 nước được xếp hạng.

Một cuộc điều tra khác do Hiệp hội kinh tế mới tại Anh công bố chỉ số Happy Planet Index (HPI) vào năm 2009 xếp hạng 143 quốc gia trên thế giới về tuổi thọ, mức độ hạnh phúc của người dân và tác động của mỗi nước đối với môi trường. Kết quả cho thấy Costa Rica là quốc gia xanh nhất và hạnh phúc nhất trên thế giới, các nước Nam Mỹ chiếm 9 vị trí trong Top 10 và Việt Nam là nước còn lại duy nhất đứng ở thứ 5. Theo chỉ số HPI, Costa Rica có tuổi thọ trung bình là 78,5 tuổi, trong đó 85% dân số vui vẻ và hài lòng với cuộc sống của mình. Nước này cũng có dấu ấn tác động với môi trường ít nhất thế giới, với 99% năng lượng lấy từ các nguồn tái tạo. Trong khi đó, Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 73,7 và 65% dân số hài lòng với cuộc sống.

Mặc dù chỉ số GNH là một đóng góp đáng kể trong việc đo lường phúc lợi của con người, tuy nhiên hiện nay cũng có nhiều ý kiến chưa thống nhất về liệu sự xem xét đánh giá này đã phản ánh được sự đồng thuận về những vấn đề liên quan đến các yếu tố cấu thành phúc lợi về mức độ quan trọng và trọng số được gán cho từng yếu tố cấu thành, cũng như việc xác định điểm ranh giới “vừa đủ” của các yếu tố cấu thành.



GS.TS Trần Thọ Đạt

Phó Hiệu trưởng

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên