Ngành y tế... thật đáng thương
Trong mắt tôi, ngành y tế là ngành đáng thương nhất. Có người sẽ bảo tôi lẩm cẩm, hay thiên vị gì ngành y tế. Tại sao lại đáng thương nhất mà không phải là đáng lên án nhất?
Năm nay ngành y tế có khá nhiều sự cố. Cứ độ 2-3 tháng lại có một vụ việc, từ bớt xén phim X-quang,nhân bản xét nghiệm máu, cho đến tiêm nhầm vắc-xin và đỉnh điểm là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.
Thậm chí con số hơn 30 người chết trong một ngày vìtai nạn giao thônglại không gây phẫn nộ, bức xúc bằng vài vụ việc của ngành y tế.
Thử nhìn sang các lĩnh vực. Ở xứ ta, ra đường nơm nớp lo tai nạn. VTV1 buổi sáng từ nhiều năm nay đều dành khá nhiều phút nói câu chuyện tai nạn giao thông, hiến kế này kế nọ.. Nhưng con số thống kê vẫn là hàng chục sinh mạng chết hàng ngày. Phải chăng ngày nào cũng nghe, nghe mãi thành quen, quen đâm ra thấy bình thường?
Sĩ quan dùng súng bắn đồng nghiệp tại nơi làm việc, đánh người trong quán nhậu, việc xử phạt vi phạm giao thông bàn dân thiên hạ đều rõ.
Xem ra sự bức xúc, phẫn nộ của người dân, xã hội so với ngành y tế vẫn nhẹ hơn!
Thực tế, hầu như ngành nào, lĩnh vực nào cũng có vụ việc tiêu cực, cũng để lại những hậu quả tệ hại.
Nhưng trong vô vàn các vụ việc, sự cố của các ngành, các lĩnh vực, riêng vụ việc, sự cố ở ngành y tế dễ “bục” ra nhất, dễ “trình” ra cho xã hội xem nhất, mà cái chỗ dễ bục ra, dễ trình ra cho xã hội xem lại đụng chạm đến phương châm hành xử rất nhân văn từ xa xưa để lại cho đội ngũ nhân viên y tế, đó là lương y như từ mẫu.
Vì vậy nó bị xã hội, người dân lên án mạnh hơn, gây bức xúc mạnh hơn nhiều so với các ngành, lĩnh vực khác. Nói ngành y tế “đáng thương” nhất là nói theo ý này.
Vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường không chỉ cảnh tỉnh rõ vấn đề xuống cấp của đạo đức trong ngành y tế, mà còn là hồi chuông báo động khẩn vềsự xuống cấp của đạo đứctrong xã hội nói chung.
Bàn về vấn đề này chắc còn tốn nhiều thời gian, tiền bạc, có lẽ cũng phải vài đề tài cấp nhà nước mới hạ hồi phân giải được. Cái có thể nhìn thấy ngay là nếu chúng ta tiếp tục câu chuyện công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục v.v... như vẫn làm từ trước đến nay thì kết quả sẽ không được như mong muốn.
Xa hơn nữa là vấn đề giáo dục. Đạo đức, trách nhiệm, ý thức pháp luật không phải là cái tự nhiên mà có, muốn có phải qua giáo dục ở nhà trường, qua giáo dục ở gia đình, qua đào tạo nghề nghiệp.
Hỏng trong giáo dục sẽ dẫn đến hỏng trong nghề nghiệp sau này của mỗi con người. Mà cái này cũng đáng phải thay đổi mạnh.
Vụ việc xảy ra rồi thì phải có cơ quan nào đó chịu trách nhiệm chính chứ.
Xin nói lại ý của một người ở quán nước vỉa hè là: Ở ngõ tôi ở, ông vừa chuyển về ít xi măng, cát, gạch là ngay sau đó sẽ có người của thanh tra xây dựng, người của phường đến hỏi làm gì, nếu xây, sửa nhà thì giấy phép đâu! Ông mà mở quán nước, bán vài cốc cà phê là người của ngành thuế, của hành chính phường đến ngay.
Cho nên nói không biết thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động là nói lấy được. Nói xem xét trách nhiệm còn bao hàm ý rành mạch hơn trong chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan.
UBND phường có thẩm quyền gì đối với cơ sở thẩm mỹ viện nói riêng và với các loại cơ sở sản xuất, kinh doanh nói chung hoạt động tại địa bàn phường. Phòng Y tế, UBND quận và Sở Y tế có trách nhiệm gì, phải làm gì đối với các cơ sở hành nghề.
Qua đợt này phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, không thể nói chính quyền cơ sở, mà đây là UBND phường phải chịu trách nhiệm về mọi thứ trên địa bàn.
Vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường cũng buộc phải suy nghĩ lại giá trị của đồng tiền trong cơ chế thị trường hiện nay. Chưa bao giờ tiền lại chi phối mạnh các mối quan hệ xã hội, quan hệ hành chính như bây giờ.
Một bên là sự cám dỗ, sức hấp dẫn của đồng tiền, một bên là đồng lương ít ỏi của công chức, viên chức. Lương không đủ sốngbuộc con người phải toan tính, mưu cầu cuộc sống. Hiếm có nước nào cho phép công chức, viên chức làm thêm, hành nghề tư nhân rộng rãi, thoải mái như nước ta.
Sự toàn tâm, toàn ý cho việc công làm sao có được khi việc tư chi phối mà cái việc tư, làm thêm này lại là cái nuôi sống gia đình công chức, viên chức. Công tư nhập nhằng, lẫn lộn, các vụ việc kiểu thế này sẽ vẫn còn xảy ra. Bên cạnh câu chuyện lương đủ sống là câu chuyện pháp trị, lấy pháp luật, tuân thủ pháp luật trong công vụ, trách nhiệm công vụ làm chủ đạo.
Ngày qua ngày, xe quá tải vẫn cứ chạy. Giả sử có chế tài, cứ trong phạm vi một tỉnh, một tháng phát hiện có X vụ quá tải thì người đứng đầu 2 ngành giao thông và công an chịu trách nhiệm, lần thứ nhất phê bình, lần thứ hai cảnh cáo, lần ba thì thôi chức chuyển làm việc khác. Làm nghiêm như vậy chắc chắn 2 vị này sẽ chỉ đạo đôn đốc cấp dưới khác hẳn như hiện nay, đi kèm theo là chế tài cho cấp dưới.
Nếu không thay đổi, thay đổi một cách căn bản thì các vụ việc kiểu như thế này vẫn tiếp diễn. Chúng ta lại bàng hoàng, lại bức xúc, lại đòi quy trách nhiệm người này, cơ quan kia. Sau một thời gian lại rơi vào quên lãng, cuộc sống cứ thế trôi qua, trôi theo kiểu Việt Nam, trong khi các nước trên thế giới trôi theo kiểu khác. Biết đến bao giờ ta mới đuổi kịp và vượt họ đây!
Theo Đinh Duy Hòa