MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy 8.100 tỉ thành đống sắt gỉ

16-11-2015 - 09:03 AM | Xã hội

Thuê nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy từ năm 2007 với số vốn hơn 8.100 tỉ đồng, nhưng đến nay nhà máy vẫn… “đắp chiếu”.

Hiện nhà thầu Trung Quốc đã rút người về sau khi nhận hơn 90% tiền chủ đầu tư thanh toán phần thiết bị dự án…

Đó là “quả đắng” mà Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng công ty Thép VN) gặp phải khi đầu tư mở rộng giai đoạn hai Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã đi vào lịch sử như một cánh chim đầu đàn ngành thép. Thế nhưng ở giai đoạn đầu tư mở rộng nhà máy, sau khi ký hợp đồng tổng thầu EPC (E - thiết kế, P - cung cấp thiết bị, C - xây dựng công trình) với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), chủ đầu tư liên tiếp gặp khó khăn. Đến nay gần 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng, nhà máy vẫn chỉ là... đống sắt nằm im.

Nhà thầu chưa giao phần quan trọng nhất

Có mặt tại tổ hợp gang thép Thái Nguyên của TISCO ngày 13-11, chúng tôi ghi nhận dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai nằm ngay sau khu vực nhà máy cũ. Mặc dù hơn 4.500 tỉ đồng đã được đổ vào đây nhưng cỏ dại mọc xung quanh nhà máy.

Khắp nơi là ống thép, khung nhà, thiết bị... làm dở dang trơ gan cùng mưa nắng. Thời điểm này, các thiết bị đắt tiền, bằng thép... như lò cao luyện gang nay đã bắt đầu gỉ sét...

Trước đó vào tháng 7-2007, TISCO ký hợp đồng tổng thầu với MCC xây dựng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai công suất 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn 3.843 tỉ đồng.

Ký hợp đồng xong, nhà thầu được TISCO tạm ứng trên 35 triệu USD (khoảng 600 tỉ đồng, tỉ giá thời điểm đó) trong tổng giá trị hợp đồng khoảng 160,8 triệu USD. Tuy nhiên chỉ sau một năm, vào tháng 8-2008 MCC yêu cầu tăng giá hợp đồng thêm hơn 298 triệu USD (khoảng 5.000 tỉ đồng, tỉ giá thời điểm đó).

Chủ đầu tư sau đó báo cáo lên cấp trên và được đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tức hơn gấp đôi so với tính toán ban đầu. Theo nguồn tin từ Bộ Công thương, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng nhà máy chậm tiến độ, trong đó có khâu thương thảo với nhà thầu MCC không chặt chẽ.

Cụ thể, theo văn bản của Kiểm toán Nhà nước gửi bộ trưởng Bộ Công thương thông báo kiến nghị kiểm toán, nhiều tồn tại đã được chỉ ra như phần nền móng đáng ra phải tuân thủ điều kiện của hồ sơ mời thầu, nhưng khi ký hợp đồng với MCC chủ đầu tư lại chấp nhận “phương thức thanh toán hợp đồng không cố định (tức giá tăng sẽ thanh toán theo mức giá 
tăng - PV)”.

“Điều này đã gây bất lợi cho chủ đầu tư” - Kiểm toán Nhà nước nhận định. Và thực tế rà soát đến tháng 6-2014, riêng chi phí xây dựng công trình dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai tăng tới 2.581 tỉ đồng, chi phí phần thiết bị tăng 382 tỉ đồng...

Chưa hết, một trong những yếu tố rất bất ngờ là chủ đầu tư rất “nhiệt tình” trong việc... trả tiền cho nhà thầu. Trong văn bản gửi Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước nêu trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu MCC chỉ yêu cầu thanh toán 90% giá trị thiết bị sau khi nhà thầu đã giao hàng cho chủ đầu tư. Thế nhưng trong hợp đồng, chủ đầu tư lại đồng ý thanh toán tới... 95% giá trị thiết bị khi đã giao hàng. Và thực tế TISCO đã thanh toán cho MCC 93% giá trị thiết bị.

Đến năm 2012, khi phía VN gặp khó khăn về vốn, nhà thầu Trung Quốc đã quyết định... rút nhân viên về nước. Thế là dù đã giải ngân hàng ngàn tỉ đồng, hàng ngàn tấn thiết bị của Gang thép Thái Nguyên phải nằm phơi mưa nắng.

Chủ đầu tư khi đó cũng khó thuê nhà thầu khác vì phía nhà thầu Trung Quốc chưa chuyển giao phần quan trọng nhất là... thiết bị điều khiển. Ngay các thiết bị đem sang họ cũng mới lắp một phần, còn lại cất trong kho và tự... quản lý kho, chưa giao phía VN (VN quản lý an ninh vòng ngoài).

Văn bản thông báo kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước gửi bộ trưởng Bộ Công thương cũng xác định rõ: tới thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu phần thiết bị tới... 93% giá trị hợp đồng trong khi còn một số thiết bị quan trọng như thiết bị điều khiển chưa được nhà thầu bàn giao.

Đồ họa: Tấn Đạt

TISCO đã rút 
kinh nghiệm?

Giải thích nguyên nhân dự án đội vốn hơn gấp đôi lên mức 8.104 tỉ đồng, ông Trịnh Khôi Nguyên, trưởng ban quản lý xây dựng Tổng công ty Thép VN, cho biết chủ yếu do dự án chậm tiến độ dẫn đến phát sinh chi phí và thiếu vốn. “Do tiến độ thi công chậm nên đến năm 2012 chủ đầu tư đã hết phần vốn được duyệt và không có nguồn vốn bổ sung. Nhà thầu phụ không được thanh toán tiếp nên dự án bị ngừng từ năm 2012 
đến nay”.

Về lý do trả tiền nhiều hơn cả mức nhà thầu yêu cầu trong hồ sơ dự thầu, ông Đỗ Trung Kiên - phó tổng giám đốc TISCO, người vừa được bổ nhiệm làm trưởng ban quản lý dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai - “trấn an” thực tế TISCO không phải trả 93% trên tổng vốn đầu tư (8.104 tỉ đồng) mà đã trả 93% giá trị thiết bị nhà thầu Trung Quốc đã chuyển đến công trường.

Việc nhà thầu Trung Quốc giữ lại phần có giá trị, quan trọng nhất, ông Kiên khẳng định: phần điện và phần điều khiển phía Trung Quốc sẽ chuyển sang cho TISCO sau khi hai bên ký phụ lục hợp đồng lần thứ 9. “Việc này chủ đầu tư đã đàm phán với nhà thầu MCC” - ông Kiên nói.

Về việc TISCO ký hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, ông Kiên thừa nhận đúng là điều này có nghĩa phía VN lúc đó đã chấp nhận nguyên tắc: nếu giá vật tư, thiết bị lên hay xuống thì giá trị thanh toán sẽ theo mức biến động đó. Không may sau đó giá vật tư, thiết bị và tỉ giá USD tăng chóng mặt nên tổng mức đầu tư tăng nhiều.

Ông Kiên công nhận cách thanh toán này không tạo áp lực buộc nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ vì làm xong lúc nào, giá lúc đó bao nhiêu họ sẽ được thanh toán mức ấy. Song ông Kiên nêu đến nay TISCO đã rút kinh nghiệm và hướng ký hợp đồng lần này là tổng giá cố định.

Giải quyết như thế nào trước tình trạng “đắp chiếu” của nhà máy? Ông Kiên cho biết TISCO đang tích cực đàm phán với phía Trung Quốc và dự kiến trong tháng 12-2015 sẽ ký kết được để tiếp tục dự án. Lần này TISCO đã mời những nhà thầu, đơn vị tư vấn kinh nghiệm và có năng lực nhất. Hiện phía MCC đã có nhiều nhượng bộ, thể hiện muốn tham gia tiếp hợp đồng.

Nhiều vật liệu xây dựng đã bị gỉ sét tại dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chủ đầu tư báo cáo sai

Tình trạng khó khăn của dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã tốn không biết bao nhiêu thời gian họp hành của các bộ, ngành, Chính phủ.

Cụ thể tháng 7-2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp và Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận yêu cầu Tổng công ty Thép và TISCO phải báo cáo các nguyên nhân làm tăng tổng vốn đầu tư, rà soát chi phí, tính lại hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của TISCO.

Tại thông báo này, phó thủ tướng yêu cầu những giải pháp đầy quyết tâm để hỗ trợ dự án của TISCO. Cụ thể, yêu cầu Bộ Công thương chủ trì làm việc với Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về khả năng SCIC đầu tư vốn vào TISCO. Bộ Tài chính được giao làm phương án bổ sung vốn cho TISCO...

Đáng lưu ý, phó thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Phát triển VN và Ngân hàng Công thương làm phương án cơ cấu lại các khoản nợ cho TISCO và phương án tiếp tục cho công ty này vay bổ sung để tiếp tục thực hiện dự án...

Có điều văn bản của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ khi MCC đòi tăng giá trị hợp đồng, TISCO phải báo cáo Chính phủ thì khi chờ cấp thẩm quyền phê duyệt những vướng mắc, chủ đầu tư lại... nhượng bộ cho MCC. Cụ thể, chủ đầu tư đã gia hạn thời gian hoàn thành và các mốc tiến độ cần phải hoàn thành cho nhà thầu.

“Việc nhượng bộ này làm mất lợi thế của chủ đầu tư trong phạt hợp đồng, thu hồi các khoản bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng với số tiền 45 triệu USD (khoảng 700 tỉ đồng theo tỉ giá lúc đó)” - văn bản viết.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước khẳng định khi đề nghị điều chỉnh chi phí xây dựng công trình, chủ đầu tư đã báo cáo... chưa chính xác. Trong đó không tính đủ các yếu tố trượt giá, đơn giá lại không tính thuế giá trị gia tăng...

Điều này dẫn đến trong báo cáo cơ quan có thẩm quyền, chi phí phần xây dựng công trình chỉ tăng 15,5 triệu USD, nhưng thực tế đến tháng 6-2014 nếu tính đầy đủ cả yếu tố trượt giá thì chủ đầu tư đã báo cáo thiếu tới... 108 triệu USD (khoảng 2.000 tỉ đồng).

Nhà máy 7.000 tỉ “đắp chiếu” 
vẫn khó khăn

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) trị giá gần 7.000 tỉ đồng của PVTex (đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí VN) đến thời điểm hiện tại vẫn khó khăn. Do các chi phí đầu vào như điện, nước, nhân công… tăng, không như tính toán ban đầu, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên tính đến ngày 31- 3-2015, tổng lỗ của PVTex lên tới 1.732 tỉ đồng.

Số lỗ trên khiến vốn chủ sở hữu giảm khoảng 4 lần, chỉ còn 520 tỉ/2.165 tỉ đồng. Dự kiến nguồn vốn này sẽ tiếp tục giảm và âm vốn tại thời điểm 31-12-2015 nếu không có giải pháp đột phá. Nhà máy này vẫn đang trong trạng thái kiến nghị và chờ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như: giảm chi phí điện, nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải…

Mỗi tháng mất 20 - 30 tỉ đồng tiền lãi

Sau những chỉ đạo của Chính phủ, đến nay SCIC đã đầu tư 1.000 tỉ đồng vào TISCO. Tuy nhiên, dự án vẫn đang... nằm im do chưa đàm phán xong với MCC, chủ yếu lại là phần C (phần xây, lắp trong hợp đồng tổng thầu EPC). Ông Kiên cam kết VN sẽ đàm phán để tổng vốn đầu tư không vượt mức 8.104 tỉ đồng đã được duyệt.

Chưa có kết quả cuối cùng của việc đàm phán, chỉ biết theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư của dự án vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục... tăng. Vì MCC đòi chủ đầu tư phải chịu các chi phí như: lưu kho, bảo dưỡng thiết bị, tổn thất do để thiết bị lâu ngày hư hỏng... Nhà máy vẫn im lìm trong sương gió. Trong khi đó, riêng chi phí lãi vay mỗi tháng phía VN sẽ mất thêm 20 - 30 tỉ đồng...

Theo CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên