MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy 8.100 tỷ thành sắt gỉ: Xử lý nghiêm cán bộ liên quan

17-11-2015 - 10:20 AM | Xã hội

Những cán bộ có trách nhiệm và liên quan đến dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên đã và sẽ tiếp tục bị xử lý nghiêm, nhưng dự án vẫn tiếp tục.

 

Ông Vũ Bá Ổn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép VN (VNSteel) - đơn vị hiện đang nắm giữ hơn 42% vốn tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), chủ dự án, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện “Nhà máy 8.100 tỉ thành đống sắt gỉ”.

Ông Ổn nói: "Việc đội vốn của dự án này có nguyên nhân chủ quan rất lớn, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khách quan như chi phí nguyên vật liệu, lãi suất tăng, huy động vốn khó khăn".

* Vì sao vốn đầu tư của nhà máy này bị đội lên hơn hai lần, từ 3.843 tỉ lên 8.104 tỉ đồng, thưa ông?

- Trước hết, tôi xin nói rõ là vốn đầu tư tăng lên 8.104 tỉ đồng do giá cả nguyên vật liệu (tăng 1.299 tỉ đồng), thay đổi chế độ chính sách (thuế, tiền lương, đền bù... tăng 1.702 tỉ đồng), chi phí tài chính (tăng 1.042 tỉ đồng) và các chi phí khác (tăng 218 tỉ đồng...). Nguyên nhân chính là do chậm tiến độ.

Năm 2008, Tập đoàn MCC (nhà thầu Trung Quốc) từng đề nghị tăng giá trị hợp đồng EPC (E - thiết kế, P - cung cấp thiết bị, C - xây dựng công trình) thêm 137,5 triệu USD, với lý do giá cả vật tư tăng rất cao vì bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý mà giữ nguyên mức 160,88 triệu USD, đồng thời thỏa thuận tách phần C (xây lắp) cho nhà thầu trong nước làm.

Trong khi đó, nhà thầu phụ VN tham gia làm phần xây dựng năng lực yếu, dẫn đến dự án tiếp tục bị chậm trễ, làm phát sinh chi phí tài chính của dự án. Đến năm 2011 - 2012, vốn cho dự án quá khó khăn, thực chất là không có nên nhà thầu phụ VN bỏ và MCC đã rút về.

* Trong hồ sơ dự thầu, phía MCC chỉ yêu cầu thanh toán 90% giá trị hợp đồng nhưng chủ đầu tư đã thanh toán tới 93%, phải chăng đây là lý do nhà thầu không làm nữa?

- Việc TISCO thanh toán vượt tỉ lệ mà MCC khi dự thầu yêu cầu, chúng tôi cho rằng bản chất là do sự yếu kém trong công tác quản lý của chủ đầu tư. Trong khi đó, từ năm 2009 TISCO đã cổ phần hóa nên VNSteel chỉ quản lý qua người đại diện phần vốn, không phê duyệt cụ thể từng hợp đồng, hạng mục.

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng chỉ ra sai phạm, VNSteel đã chỉ đạo chủ đầu tư nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Kết quả, tại đại hội đồng cổ đông bất thường của TISCO tháng 
12-2014 đã miễn nhiệm tổng giám đốc TISCO.

Chúng tôi cũng rất quyết liệt yêu cầu kiện toàn lại bộ máy ban quản lý dự án, thay thế và cho thôi nhiệm vụ hàng chục cán bộ và nhân viên tại ban quản lý này.

* Liệu việc giải ngân này có nhằm đạt mục đích nào đó của một vài lãnh đạo, như được hưởng “hoa hồng”, trong khi lãnh đạo TISCO bị miễn nhiệm hiện đang đảm nhận chức vụ cao hơn?

- Thực tế, chúng tôi cho rằng việc chủ đầu tư đã thanh toán gần hết tiền cho MCC đúng là một yếu tố gây khó khăn cho việc đàm phán tiếp tục với nhà thầu.

Tuy nhiên, kết quả đàm phán hiện nay cho thấy phía nhà thầu MCC đã có những nhượng bộ và có thái độ thiện chí, mong muốn thực hiện nốt hợp đồng.

Ở thời điểm này, chưa có căn cứ để kết luận rằng phía VN bị lừa hay có yếu tố cố tình giải ngân để đạt mục đích nào đó.

Còn trường hợp miễn nhiệm tổng giám đốc TISCO chỉ còn giữ chức phó bí thư đảng ủy TISCO, nhưng hiện giữ chức bí thư đảng ủy Tisco là do đại hội gần đây bầu. Xin khẳng định quan điểm của VNSteel là xử lý nghiêm theo đúng quy định, nhưng trong phạm vi quyền hạn là một cổ đông của TISCO.

* Vì sao dự án vẫn chưa khởi động lại trong khi chỉ đạo phải khởi động lại từ tháng 9-2014, và TISCO sẽ phải lấy nguồn từ đâu để bù đắp khoản chi phí lãi vay từ 20-30 tỉ đồng/tháng?

- Sau khi Chính phủ có nghị quyết 64/NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho dự án, việc triển khai vẫn đòi hỏi thời gian để thực hiện, chưa kể việc bổ sung vốn điều lệ cho TISCO đến tháng 3-2015 mới hoàn thành (SCIC góp 1.000 tỉ đồng) và đến tháng 6-2015 mới hoàn tất việc đàm phán, ký hợp đồng vay vốn bổ sung với các ngân hàng.

Hiện chỉ còn việc đàm phán với MCC, bước đầu đã đạt những thỏa thuận tích cực.

Quả thật, chi phí lãi vay khoảng 30 tỉ đồng/tháng là một gánh nặng rất lớn cho chủ đầu tư, hiện đang phải lấy nguồn tiền từ kết quả sản xuất kinh doanh để chi trả. Điều này dĩ nhiên có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của TISCO và thu nhập của người lao động.

* Với suất đầu tư khá cao, chưa kể MCC còn yêu cầu VN phải chịu thêm một số chi phí (như lưu kho, bảo dưỡng, tổn thất do thiết bị hư hỏng), nhiều ý kiến cho rằng dự án này khó mang lại hiệu quả tích cực. Liệu VNSteel có tính đến khả năng dừng dự án?

- Việc dừng dự án cũng là một trong những phương án mà Chính phủ chỉ đạo cân nhắc trong trường hợp các phương án khác không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ đạo ưu tiên phương án tiếp tục trên cơ sở phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, công ăn việc làm và an sinh xã hội. Theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2014 chủ đầu tư đã tiến hành rà soát và tính toán lại, kết quả cho thấy dự án vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội.

Xin được làm rõ rằng giá trị hợp đồng thuộc phần E, P là không thay đổi. Các nội dung đàm phán sẽ chủ yếu liên quan đến phần xây lắp (phần C). Theo chỉ đạo của Chính phủ, TISCO đang tích cực đàm phán để xác định chính xác tổng mức đầu tư, đồng thời tính toán lại hiệu quả của dự án.

Và với những điều chỉnh mới, chúng tôi tin rằng tổng mức đầu tư của dự án sẽ không vượt con số đã phê duyệt (8.104 tỉ đồng) và hiệu quả của dự án vẫn được bảo đảm.

* Ông Đỗ Trung Kiên (phó tổng giám đốc TISCO): Sẽ tái cơ cấu để tăng hiệu quả

Sắp tới, hàng hóa từ Trung Quốc nhập vào VN sẽ được hưởng thuế thấp theo lộ trình FTA Trung Quốc - ASEAN, liệu thép của dự án này có cạnh tranh được với thép Trung Quốc?

Chúng tôi có tính đến điều đó và chắc chắn hàng trong nước sẽ khó khăn. Thực tế, ngay tại thời điểm này thép Trung Quốc cũng đã được hưởng thuế 0% do có các chất như crom, bo...

Tuy nhiên, giá trị thương hiệu TISCO rất lớn và chúng tôi cũng sẽ kiên quyết hơn trong tái cơ cấu. Chẳng hạn, số lượng cán bộ nhân viên của TISCO hiện chỉ còn 6.000 so với 13.000 lao động trước đây, và sẽ tiếp tục giảm thêm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tính toán tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả.

Càng làm sẽ càng lỗ

Theo một số chuyên gia ngành thép, với thuế suất xuất khẩu quặng hiện nay lên đến 40%, chẳng doanh nghiệp nào khai thác quặng để xuất khẩu. Do đó, việc sử dụng nguồn quặng khai thác trong nước để luyện thành phôi thép, nhà máy này có rất nhiều lợi thế về giá thành.

Tuy nhiên, với suất đầu tư quá lớn, dự án này không những không tận dụng được lợi thế này mà còn đối diện với nhiều khó khăn hơn trong việc thu hồi vốn.

“Với công suất 500.000 tấn phôi và 500.000 tấn thép xây dựng/năm, nhưng vốn đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng là bất thường, bởi đã có một số doanh nghiệp đầu tư dự án thép có công suất tương tự với số vốn chỉ dưới 3.000 tỉ đồng. Do đó, dự án này càng làm sẽ càng lỗ nặng chứ khó có được lợi nhuận” - vị này nói.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng muốn giải quyết được dự án này hoàn toàn không đơn giản chút nào. Ngay cả phương án bán toàn bộ dưới hình thức đấu thầu, thậm chí bán rẻ cũng khó có người mua, vì doanh nghiệp nào mua lại dự án cũng rất khó xử lý do số vốn đội lên quá lớn.

Mặt khác, trong bối cảnh nguồn cung thép đang khủng hoảng thừa như hiện nay, dự án của Tisco sẽ gặp nhiều khó khăn nếu đưa vào hoạt động.

TRẦN VŨ NGHI

* Ông NGUYỄN VĂN PHÚC (phó chủ nhiệm Ủy ban 
Kinh tế của Quốc hội): Đây là điển hình của sự lãng phí

Nếu đúng như báo Tuổi Trẻ phản ánh, một nhà máy đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng thành một đống sắt vụn thì thật xót xa. Đây là điển hình của sự lãng phí, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang eo hẹp. Theo tôi, không loại trừ vấn đề lợi ích cá nhân, ký hợp đồng để hưởng lợi bởi nếu là vốn của nhà đầu tư tư nhân, chắc chắn sẽ được tính toán kỹ lưỡng, không có chuyện lãng phí như vậy.

Theo tôi, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy, phải xem xét trách nhiệm không chỉ chủ đầu tư mà cả Bộ Công thương - đơn vị quản lý và cả người quyết định đầu tư... Đặc biệt, cơ quan chức năng phải xác định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc ký kết hợp đồng với nhà thầu, xem có vi phạm gì về luật đấu thầu hay không, điều chỉnh hợp đồng đúng luật không, chọn nhà thầu có năng lực hay không, có tình trạng thông thầu hay không...

Ngoài ra, nếu Công ty Gang thép Thái Nguyên có trong kế hoạch kiểm toán mà Kiểm toán Nhà nước không phát hiện ra vấn đề của dự án này thì cũng phải trả lời, giải trình.

Tôi đã đăng ký chất vấn trong phiên chất vấn đang diễn ra tại Quốc hội. Nếu có cơ hội được chất vấn và còn thời gian tôi sẽ nêu vụ việc này tại Quốc hội.

VIỄN SỰ ghi

 

 

 

Theo Cầm Văn Kình - Trung Hà

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên