MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy Điện hạt nhân trong kịch bản động đất, sóng thần Việt Nam

05-08-2014 - 07:15 AM | Xã hội

Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) nói về kịch bản động đất, sóng thần tại Việt Nam.

Các nhà khoa học ở Trung Quốc, Đài Loan và Philippines vừa cảnh báo về nguy cơ xảy ra động đất, sóng thần lớn từ rãnh Manila ở Biển Đông là rất nghiêm trọng. Ông nghĩ gì về nhận định của các nhà khoa học quốc tế?

TS Nguyễn Hồng Phương: Các nhà khoa học quốc tế cảnh báo hoàn toàn đúng và Việt Nam cũng đã có những kết quả công bố mô phỏng các kịch bản sóng thần xảy ra trên Manila Trench (rãnh Manila) và đăng tải trên các tạp chí quốc tế có tên tuổi.

Theo đó, sau hơn 2 tiếng đồng hồ đi qua Biển Đông, sóng thần sẽ tấn công vào bờ biển miền Trung và các vị trí khác nhau trên toàn bộ dải đất liền. Chúng ta đã tính được thời điểm sóng thần tới, độ cao sóng và có những kết quả rất định lượng về độ nguy hiểm của sóng thần.

PV:Nếu xảy ra động đất, sóng thần ở Biển Đông, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hồng Phương: Cái này phụ thuộc vào độ lớn của kịch bản động đất mà Việt Nam xây dựng. Nếu xây dựng kịch bản có độ lớn càng cao thì độ cao sóng khi tới bờ biển Việt Nam càng cao. Người ta đã tính đủ các kịch bản với độ lớn động đất khác nhau.

Ví dụ, động đất từ 8-8,8 độ richter, 9,3 độ richter thì những độ cao sóng khi đến bờ biển Việt Nam sẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo kịch bản viễn tưởng, nhiều nhà khoa học trong khu vực dự đoán động đất có khả năng xảy ra trên đới đứt gãy của rãnh Manila là 9,3 độ richter, từ đó tính toán khi sóng thần đến Việt Nam cao nhất là bao nhiêu.

Có hàng chục điểm khác nhau bị ảnh hưởng, nhưng bờ biển miền Trung sẽ bị sóng thần tấn công sớm nhất và gây ngập lụt. Sau khoảng 2-2,5 tiếng đồng hồ, các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Tuy Hòa... sẽ bị tấn công bởi sóng thần. Các thành phố này phải lập kế hoạch ứng phó sóng thần, sơ tán dân thế nào, đi đâu... đều phải lường trước hết.

PV: Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ ra sao theo kịch bản động đất, sóng thần?

TS Nguyễn Hồng Phương: Những kịch bản khủng nhất đã tính toán và đưa ra kết quả: ở 2 địa điểm lân cận với nơi dự kiến xây dựng nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có sự khác nhau. Độ lớn của sóng thần tại vùng bờ biển sẽ lên tới 6-7m tại địa điểm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Tại địa điểm nhà máy điện Ninh Thuận 1, sóng thần cao khoảng 8-9m.

Như vậy, người ta cũng lường trước được khả năng cao nhất, cận trên của độ cao sóng thần là bao nhiêu và đã có kế hoạch để nâng nền xây dựng nhà máy lên, đảm bảoan toàn cho 2 nhà máy hạt nhân trong tương lai khi vận hành.

PV: Hiện hệ thống cảnh báo sóng thần của Việt Nam đang hoạt động như thế nào?Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó với sóng thần của Việt Nam?

TS Nguyễn Hồng Phương: Hiện nay hệ thống cảnh báo sóng thần của Việt Nam hoạt động tốt. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu là thành viên chính thức của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS), với 43 nước thành viên. Có sự chia sẻ thông tin và cảnh báo giữa các trung tâm quốc gia với nhau.

Nếu có sóng thần xuất hiện ở khu vực biển Đông, Việt Nam sẽ được thông báo sớm. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm Tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng thủy văn Nhật Bản là hai trung tâm lớn, có máy móc thiết bị đặt dưới đáy đại dương có thể biết trước khi nào sóng thần truyền qua. 

Trung tâm sẽ ra các cảnh báo gửi tới các trung tâm vệ tinh. Việt Nam cũng sẽ nhận được những thông tin như vậy. Vì thế, có thể nói, hệ thống cảnh báo sóng thần của Việt Nam hoàn toàn hội nhập được với trình độ khu vực Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khả năng ứng phó của Việt Nam thế nào lại phụ thuộc vào nội lực của đất nước. Ví dụ, từ khi được cảnh báo có sóng thần, cơ quan chức năng sẽ bố trí lực lượng thế nào, có kế hoạch chuẩn bị ra sao, dẫn dăt người dân đi sơ tán hay tổ chức lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn... để ứng phó với sóng thần tại các địa phương cụ thể.

Người ta hay ví toàn bộ quy trình này là đầu nguồn và cuối nguồn. Đầu nguồn là cảnh báo, cuối nguồn là ứng phó. Đối với Việt Nam, cho đến nay đầu nguồn rất ổn. Chúng ta có thể phát hiện ra động đất, sóng thần rất nhanh và tổ chức thông báo tới các địa phương, nhưng cuối nguồn như thế thì không thuộc phạm vi của Viện Vật lý địa cầu, mà là hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

>>>Thành phố của Trung Quốc tan hoang sau động đất

Theo Thành Luân

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên