Nhìn lại những vụ "vỡ nợ" lớn nhất trong năm 2013
Gần đây, có nhiều vụ vỡ nợ tiền tỷ khiến dư luận xôn xao, nhưng vụ vỡ nợ gần 600 tỷ ở Lạng Sơn được cho là lớn… kỷ lục.
Hàng vàng lớn nhất Đồng Nai vỡ nợ 300 tỷ đồng
Vào ngày 12.12.2013 vừa qua, bà Nguyễn Thị Loan, một trong những chủ nợ lớn của tiệm vàng Ý Loan (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang bị vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng
Theo thỏa thuận với chủ tiệm vàng, Ban đại diện chủ nợ vừa bán tất cả số vàng còn lại của tiệm vàng Ý Loan thu được 4,89 tỉ đồng.
Ban đại diện chủ nợ đã đem 4 tỉ đồng ra ngân hàng để giải chấp căn nhà trong chợ Hòa Bình (phường Tân Hòa) mà bà Đinh Thị Loan, chủ tiệm vàng Ý Loan, đang thế chấp. Sau khi lấy “giấy hồng” về, căn nhà đang được Ban đại diện chủ nợ rao bán. Hiện đã có người trả giá 11 tỉ đồng.
Số tiền còn lại 890 triệu đồng, Ban đại diện chủ nợ đang cất giữ để sau này tổng hợp, trả cho các chủ nợ khác. Được biết danh sách chủ nợ khoảng hơn 100 người với số tiền cho tiệm vàng Ý Loan vay lên tới khoảng 300 tỉ đồng.
Đêm 28.11, tiệm vàng Ý Loan lớn nhất TP Biên Hòa tuyên bố vỡ nợ. Điều kỳ lạ là trước đó một ngày, tiệm vàng này vẫn huy động vốn của người dân. Mọi việc chỉ vở lỡ khi trong ngày 27.11, có một người mua 100.000 USD của tiệm vàng Ý Loan, tiền thì đã giao đủ nhưng sau bốn lần hẹn vẫn không thấy tiệm vàng giao USD, vì tức giận nên người này đến “quậy” thì lúc đó chủ tiệm vàng tuyên bố vỡ nợ và đưa ra hàng trăm “biên bản thỏa thuận” cùng hàng trăm cây bút bic chuẩn bị sẵn cho các chủ nợ tự kê khai số nợ đã cho tiệm vàng Ý Loan vay.
Theo nhiều chủ nợ, chủ tiệm vàng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì bà Đinh Thị Loan biết mình vỡ nợ mà ngày hôm đó vẫn còn huy động vốn. Rồi tiền đó chạy đi đâu? Thậm chí một chủ nợ khi đến tiệm vàng đòi tiền còn phát hiện chủ tiệm vàng đã chuẩn bị sẵn 4 valy để cùng chồng con bỏ trốn sang Mỹ, nhưng do không xin được visa vào Mỹ nên chưa đi được.
“Dấu hiệu lừa đảo đã rõ, nhưng tới nay Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa khởi tố vụ án mà cho rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự, các bên tự giải quyết”, một chủ nợ cho biết. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc điều tra, làm rõ.
Vụ phó hiệu trưởng bị tố vỡ nợ hàng trăm tỷ
Liên quan đến nghi án phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Phương Nam vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng nhưng đã quá hạn mà không hoàn trả xảy ra ở quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Chiều ngày 24/8/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP. Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trương Thị Hải Yến (Chủ tịch HĐQT - Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Phương Nam, trú tại khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cùng Trương Thị Kim Dung (51 tuổi, ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, em gái bà Yến) và Mai Huy Thành (28 tuổi, trú tại Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, con trai bị can Yến) để điều tra, làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo danh sách "chủ nợ", thì có đến 18 người, tổng số tiền họ cho bà Yến vay là hơn 268 tỷ đồng và nhiều sổ đỏ.
Bà Yến cho biết, phần lớn những trường hợp trên là những người mang sổ đỏ của mình đi "nhờ" bà Yến vay một số tiền thấp hơn giá trị căn nhà rất nhiều. Đổi lại họ được hưởng lãi suất thấp tương đương với lãi suất ngân hàng. Chỉ 1 vài trường hợp cho bà Yến tiền trực tiếp bằng tiền mặt để hưởng lãi suất cao.
Sau khi nắm được thông tin, ngày 23.8, cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã có mặt tại trường THPT Dân lập Phương Nam để mời bà Trương Thị Hải Yến tới công an phường Định Công làm việc nhằm làm rõ về nghi án vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng.
Vụ vỡ gần 600 tỷ ở Lạng Sơn
Gần đây, nhiều người dân ở TP.Lạng Sơn đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, việc vợ chồng Nguyễn Văn Trung (46 tuổi) và Tạ Bích Liên (40 tuổi, trú đường Bà Triệu, TP.Lạng Sơn) đã vay của họ hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Theo Công an TP.Lạng Sơn, tính đến ngày 26/7/2013 đã có 14 người ở TP.Lạng Sơn gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo vợ chồng Trung - Liên vay của họ hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của những “chủ nợ” thì số tiền chồng Trung – Liên vay nợ còn cao hơn thế.
Qua truy xét, Công an TP.Lạng Sơn đã bắt giữ Trung và Liên để phục vụ điều tra. Theo đơn tố cáo, Trung và Liên huy động vốn từ năm 2010 để đáo hạn ngân hàng, lấy vốn đầu tư. Do trả lãi suất cao (từ 2.000 - 9.000 đồng/1 triệu đồng/ngày) nên nhiều người đã cầm cố đất đai, nhà cửa lấy tiền cho cặp vợ chồng này vay. Từ đầu năm 2013, Trung - Liên có biểu hiện chây ì, trốn nợ.
Ngày 28/7, Công an TP.Lạng Sơn cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên (trú tại đường Bà Triệu, TP.Lạng Sơn) để điều tra về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vụ vỡ nợ làm nhiều tiểu thương điêu đứng
Vào ngày 17/7/2013 vừa qua, tại chợ Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cũng diễn ra vụ vỡ nợ lớn khiến nhiều tiểu thương điêu đứng. Thậm chí, có người tử vong do uất ức vì không đòi được nợ.
Theo đó, trong quá trình kinh doanh thịt bò tại chợ Thủ Dầu Một, với thủ đoạn khoe nhà có gần 20 hecta cao su, nhiều biệt thự, nhà đất ở thành phố Mới (Bình Dương) và vợ chồng, con cái đều có ôtô riêng…, bà Nguyễn Thị Oanh (40 tuổi, ngụ phường Phú Cường) đã tạo lòng tin khiến nhiều người tham gia chơi hụi do bà Oanh làm chủ. Đồng thời cũng có không ít người huy động tiền của mình và người thân để cho bà Oanh vay với lãi suất “hấp dẫn”.
Bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một) cho biết, đã nhận được 20 đơn trình báo của các nạn nhân với số tiền khoảng 9 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo bà Ánh, có thể đây chưa phải là con số cuối cùng vì có khả năng còn nhiều nạn nhân khác do họ chưa trình báo.
Ngoài những vụ vỡ nợ hàng chục, hàng trăm tỷ kể tên, còn rất nhiều những vụ vỡ nợ hàng tỷ đồng ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ vì “hám lãi cao”, không ít người trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chỉ trong phút chốc vì tin và cho vay số tiền quá lớn.
Vụ vỡ nợ trăm tỷ ở Hải Phòng gây náo loạn
Trước đó, vào ngày 25/4/2013, lãnh đạo công an quận Lê Chân - Hải Phòng cho biết, đã vào cuộc điều tra vụ vỡ tín dụng đen hàng trăm tỉ dẫn đến việc hàng trăm người dân tập trung gây náo loạn đường phố.
Sự việc xảy ra vào tối ngày 22/4, tại trước cửa số nhà 158 phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân - Hải Phòng có nhiều người dân đã kéo đến ngôi nhà để đòi nợ. Chủ nhân của ngôi nhà này là vợ chồng ông bà Vũ Ngọc Tính - Đặng Thị Thành.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, vợ chồng Tính - Thành hoạt động kinh doanh trái phép đã được 3 năm với chiêu thức huy động tiền của người dân với lãi suất rất cao. Do được lãi cao, hàng trăm người đã cho vợ chồng Tính - Thành vay số tiền lên tới vài trăm tỉ đồng.
Giữa tháng 4 trở về đây, cặp vợ chồng này bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ”. Kể từ đó, ngày nào cũng có vài chục người đến trước cửa số nhà 158 đường Hai Bà Trưng ngồi đợi, ăn ngủ tại chỗ với mong muốn có thể lấy lại được tiền, gây mất an ninh trật tự, giao thông trên đường Hai Bà Trưng ùn tắc.
Khi nhiều người dân kéo đến đòi nợ tối 22/4, thì vợ chồng bà Thành đã bỏ trốn khỏi căn nhà từ lúc nào không ai biết. Hiện vợ chồng này có 2 người con đang đi học tại nước ngoài. Trước tình hình đó, Công an quận Lê Chân cũng đã niêm phong ngôi nhà bà Thành để phục vụ cho công tác điều tra.
Vỡ nợ gần 70 tỷ đồng, nạn nhân kéo đến đập phá
Ngày 17/4/2013, tại huyện Chư Prông (Gia Lai) cũng xảy ra vụ vỡ nợ với số tiền lớn gần 70 tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Hường (41 tuổi, ngụ tại tổ dân phố 2, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, làm nghề kinh doanh nhà hàng thuộc doanh nghiệp Phúc Vinh) vay của Ngân hàng NNPTNT huyện Chư Prông 5,8 tỷ đồng và vay nợ 28 người với tổng số tiền khoảng 69 tỷ đồng.
Thủ đoạn chiếm đoạt tiền của bà Hường là hứa trả lãi suất cao từ 3-5%/ngày, tức là sau 1 năm, số tiền lãi đã lớn hơn cả tiền gốc. Vì hám lãi cao mà nhiều người dân đã dễ dàng sập bẫy…
Trước tình hình bà Hường mất khả năng thanh toán, nhiều chủ nợ kéo đến đập phá, tranh giành tài sản tại nhà hàng Đại Phúc. Cơ quan chức năng địa phương phải vào cuộc điều tra vụ vỡ nợ nghiêm trọng này.
PV ( tổng hợp)