MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người không có Tết

12-02-2016 - 10:35 AM | Xã hội

Gác hạnh phúc riêng để bám trụ công trường, nhà máy và vì sinh kế, sự hy sinh thầm lặng của họ xứng đáng được xã hội trân trọng.

Tết là dịp để đoàn viên, sum vầy cùng người thân, gia đình nhưng nhiều người vì cuộc sống đã phải bám trụ công trường hay trụ lại ở thành phố làm thêm xuyên Tết.

Bám công trường

Chiều 29 Tết, công trường thủy điện Lai Châu vắng bóng người, tất tật chỉ còn độ hơn chục công nhân (CN) ở lại trực. “Công trình còn ít khối lượng, CN không phải làm, phần lớn anh em nghỉ và về quê từ hôm 20 tháng Chạp cơ”- anh Thành, CN thuộc Tổng Công ty Sông Đà nói.

Quê ở Hà Nội, đây là năm thứ 2 liên tiếp, vợ chồng anh Thành ở lại công trường đón Tết. Anh Thành cho biết: "Tết cũng muốn về quê nhưng phần vì lương công ty mới chỉ trả hết tháng 11; thưởng Tết được có 2 triệu đồng. Xin ở lại trực, công ty trả 6 triệu đồng. Vì vậy, tôi động viên vợ đành chịu buồn để kiếm một khoản tiền cho con ăn học”.

Nói về chuẩn bị đón Xuân mới, anh Thành bộc bạch: "Thì cũng ra chợ đong vài cân gạo nếp và nấu nồi bánh chưng cho có không khí; rồi mua con gà để cúng đêm giao thừa. Qua quýt rồi cũng xong cái Tết”.

Cũng như anh Thành, chị Hoa, quê ở tận Tây Nguyên, là cấp dưỡng của công ty, Tết này cũng xin ở lại trực bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Lương, thưởng Tết không đủ trang trải chi phí về thăm nhà nên chị quyết định ở lại trực để kiếm ít tiền. Thấy người người nô nức kéo nhau về quê, chị nuốt ngược nước mắt vào lòng nhớ ba mẹ và người thân ở quê. “Ai chẳng muốn đoàn tụ, sum vầy nhưng do hoàn cảnh thì đành chịu"- chị Hoa nghẹn ngào.

Tại công trình giao thông trọng điểm đang thi công của thành phố Hà Nội như dự án cải tạo, mở rộng đường Lê Trọng Tấn kéo dài và dự án xây dựng cầu 361 trên đường Láng bắc qua sông Tô Lịch, trong dịp Tết này, công nhân vẫn phải làm. Đây là hai dự án rất quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực nội thành Thủ đô. Chính vì yêu cầu tiến độ, các nhà thầu thi công đã buộc phải cho CN thi công xuyên Tết. Để động viên tinh thần CN và cán bộ thi công, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã đến công trình tặng quà cho các cán bộ tham gia thi công.

Tất tả làm thêm

Không chỉ CN ở công trường thuỷ điện cách Thủ đô hơn 600km phải đón tết xa nhà, nhiều công nhân hay người lao động (NLĐ) nghèo đang làm việc giữa Thủ đô Hà Nội vẫn phải làm xuyên Tết. Chú Nguyễn Đình Tư, quê ở Thái Bình, hiện là bảo vệ tại một ngôi biệt thự ở khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, cho biết đáng ra có 2 người thay nhau trực 24/24 giờ, ông chỉ phải trực từ 28 đến mùng 2 Tết. Tuy nhiên, hôm 27 Tết, một đồng nghiệp bệnh, công ty không điều ai thay được nên chú phải nhận nhiệm vụ từ 28 đến hết mùng 5 Tết. “Gọi điện về quê, vợ con buồn, tôi cũng buồn nhưng vì công việc, biết làm thế nào. Thôi sau Tết, xin nghỉ bù, về với vợ, con ăn Tết muộn vậy”- giọng ông Tư đượm buồn.

Khi mọi gia đình đang tất tả sắm Tết, chuẩn bị thực phẩm tươi, ngon nhất để làm mâm cơm cúng gia tiên trong đêm giao thừa thì những NLĐ và sinh viên nghèo phải trụ lại thành phố để làm thêm trong dịp Tết cũng đang túi bụi phục vụ người dân tại các khu hội chợ, nhà hàng, quán ăn. Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, quê ở Quảng Bình, phải đón Tết ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) vì công ty không cho nghỉ. “Khách sạn nơi em làm năm nay có nhiều du khách đến nghỉ trong dịp Tết. Vì vậy, công ty không cho nghỉ mà sẽ được nghỉ bù sau ngày 10 tháng Giêng”- chị Hồng cho biết.

Đây không phải là năm đầu tiên Hồng phải đón Tết xa nhà. “Khi gọi điện về cho mẹ và bảo không về ăn Tết được, mẹ khóc và tôi cũng khóc theo”- chị Hồng tâm sự.


Công nhân ở lại công trường thuỷ điện Lai Châu gói bánh chưng để đón Tết

Công nhân ở lại công trường thuỷ điện Lai Châu gói bánh chưng để đón Tết

 

Triệu Thị Nụ ở Bảo Lạc (Cao Bằng), sinh viên trường đại học Luật Hà Nội, lại tự nguyện ở lại Thủ đô để xin làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ở quận Hoàn Kiếm trong những ngày Tết. “Mỗi ngày, họ trả 300.000 đồng, 10 ngày Tết, tôi kiếm được 3 triệu đồng, đủ để tiêu hơn 1 tháng sau Tết. Bố mẹ cứ bảo em về ăn tết cùng gia đình. Cả năm có mấy ngày Tết, không về thì nhớ, tuy nhiên một phần vì muốn kiếm thêm chút tiền để trang trải chi phí ăn, học; một phần cũng muốn trải nghiệm trong cuộc sống” - Nụ tâm sự.

 

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên