Nộp phạt qua bưu điện: CSGT bớt tiêu cực?
Khi nộp phạt giao thông qua ngân hàng, người dân không mất thời gian đi lại và còn tránh được tiêu cực “thỏa thuận” với CSGT.
“Cá nhân tôi ủng hộ việc áp dụng như ở Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Tất nhiên, hoạt động này cần được quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở cho cán bộ và người dân thực hiện” - Thiếu tướng Trần Thế Quân (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), nói với PV khi đề cập đến việc cho phép nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện.
Cắt cơ hội tiêu cực
. Phóng viên: BR-VT cho phép người dân đóng phạt, nhận lại giấy tờ qua bưu điện và đạt được kết quả tốt. Nhưng các nơi khác, ví dụ TP.HCM cho rằng chưa đủ căn cứ pháp lý thực hiện. Vì sao có sự khác biệt này, thưa ông?
Thiếu tướng Trần Thế Quân: Quá trình nộp phạt hiện nay phát sinh nhiều vấn đề như gây phiền hà cho người dân. Nhiều trường hợp nộp phạt tại chỗ có thể gây hiểu nhầm là đưa tiền cho CSGT. Ngoài ra, hình thức nộp phạt hiện còn dễ tạo cơ hội cho người vi phạm và CSGT “thỏa thuận” với nhau. Khi đó pháp luật vừa không được thực thi, tiền lại vào túi cá nhân. Do đó, hình thức nộp phạt qua tài khoản ngân hàng là phù hợp nhất. Việc “nhờ” bưu điện cũng là hình thức tốt trong trường hợp người dân không có tài khoản.
Tuy nhiên, theo quy định người vi phạm phải trực tiếp nộp phạt. Đây là vướng mắc lớn cần giải quyết. Việc thí điểm tại tỉnh BR-VT cũng là một căn cứ để xem xét thay đổi, đề xuất điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Cái gì có lợi cho dân thì nên làm. Vì vậy, tôi cho rằng ngoài hai hình thức trên thì cần có các hình thức khác nữa, kể cả việc ủy quyền. Miễn sao kết quả cuối cùng là người vi phạm ý thức được sai phạm, khắc phục hậu quả mình gây ra và pháp luật được thực thi.
Không chỉ người vi phạm trả tiền
. Có ý kiến cho rằng người vi phạm đã ủy quyền nên bưu điện được nộp phạt thay, ý kiến của ông như thế nào?
+ Nói ủy quyền cho bưu điện nộp phạt là không phải. Vì chính anh (người vi phạm - NV) phải nộp phạt và anh chỉ nhờ bưu điện chuyển giúp tới cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải bưu điện có quyền đi nộp phạt.
Đây là một hình thức mới, cần điều chỉnh quy định để phù hợp.
. Bộ Công an triển khai yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cung cấp dịch vụ thu, nộp tiền phạt và chuyển phát giấy tờ cho người vi phạm giao thông theo nghị quyết của Chính phủ thế nào, thưa ông?
+ Nếu đã có văn bản của Chính phủ thì phải dứt khoát thực hiện. Thời gian tới Bộ Công an sẽ đẩy mạnh nghiên cứu để xây dựng các quy định, hướng dẫn về vấn đề này. Ở đây không chỉ có CSGT mà nhiều lực lượng xử phạt khác cũng cần tham gia giải quyết.
Mục đích của việc xử phạt qua bưu điện là tốt nhưng có nhiều điểm cần lưu ý, kể cả vấn đề về phí, lệ phí phải áp dụng theo quy định chung và cả cơ quan xử phạt lẫn người vi phạm đều phải chịu một khoản chi phí nhất định cho dịch vụ này…
. Xin cám ơn ông.
Bưu điện được nộp phạt thay
Bưu điện TP.HCM đề xuất được thu, nộp tiền phạt và trả giấy tờ cho người vi phạm giao thông trên địa bàn TP.HCM nhưng chưa được chấp thuận.
Theo Công an TP.HCM, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người vi phạm phải trực tiếp nộp tiền phạt cho người ra quyết định xử phạt (nếu không lập biên bản). Khi lập biên bản thì phải trực tiếp nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại. Trong khi đó, Bưu điện TP không phải đại diện hợp pháp cho người vi phạm nên không có cơ sở pháp lý thực hiện.
Tuy vậy, Sở Tư pháp TP lại cho rằng khi người vi phạm điền vào phiếu yêu cầu Bưu điện TP nhận quyết định xử phạt, đóng tiền phạt và nhận lại các giấy tờ thì Bưu điện TP là đại diện theo ủy quyền của người bị xử phạt. Hình thức ủy quyền này được pháp luật dân sự công nhận.
Xe không chính chủ gây khó việc phạt qua tài khoản
Hình thức nộp phạt qua tài khoản ngân hàng có nhiều ưu điểm. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Khi đó, CSGT có thể phát hiện vi phạm bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, không cần lập biên bản vi phạm mà vẫn được thu tiền phạt từ tài khoản ngân hàng của người vi phạm.
Người vi phạm không bị gây phiền hà, không mất thời gian nộp tiền phạt, nhận lại giấy tờ. Nó còn tránh được tiêu cực bởi nhiều người phạm các lỗi có mức phạt cao tìm cách “thỏa thuận”.
Cục CSGT và một số đơn vị đã kiến nghị thực hiện xử phạt qua tài khoản ngân hàng.
Tuy vậy, thực tế hiện nay còn nhiều trở ngại như việc sử dụng tiền mặt còn phổ biến, nhiều người không có tài khoản. Đặc biệt, nhiều người ở các tỉnh, thành đến Hà Nội, TP.HCM hộ khẩu không có, xe lại mượn… và họ không mở tài khoản thì cũng không thể ép được. Ngoài ra, nhiều người mua xe không sang tên nên có thể dẫn đến chủ mới vi phạm nhưng chủ cũ bị trừ tiền.
Các vướng mắc trên cần khắc phục để có thể áp dụng hình thức xử phạt qua tài khoản ngân hàng.
Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN
Theo Nghị quyết 10/2016 của Chính phủ ngày 4-2, VietnamPost được thu, nộp tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ. Các bộ TT&TT, Công an, Tài chính, GTVT, Tư pháp, UBND các tỉnh, thành… hỗ trợ, hướng dẫn VietnamPost thực hiện. Ngoài ra Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013 (quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính) để VietnamPost có căn cứ thực hiện.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh