MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phương án xử lý khối chất độc tại Quảng Ninh: Các bên lúng túng

16-08-2014 - 17:12 PM | Xã hội

Cho đến cuối buổi chiều 15/8, khi chất vấn về trách nhiệm và phương án xử lý khối chất độc tại cảng Cái Lân, phóng viên cũng không nhận được gì ngoài sự lúng túng của các bên liên quan.

Tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay, từ Hải quan, Công an, Cảng vụ, đến cơ quan Tài nguyên Môi trường đang không biết làm sao với một khối chất độc được doanh nghiệp nhập về và bỏ lại ở cảng Cái Lân suốt 7 năm qua. Đó là chiếc máy biến thế cũ chứa 6.700 lít dầu nhiễm chất PCB - chất được các nhà khoa học chứng minh là gây ra ung thư ở động vật và gây ra một số ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng như phá hủy hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản, hệ thống thần kinh, hệ nội tiết và được xếp cùng bảng độc với chất da cam - dioxin.

Tại bãi tập kết hàng nhập khẩu ở cảng Cái Lân, 7 năm qua, trời nắng cũng như trời mưa, chiếc máy biến thế trong lô hàng máy móc nhập khẩu phục vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện sông Hồng, do Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long nhập về từ Hàn Quốc nằm chơ vơ ngoài bãi cảng. Trong máy chứa tới 6.700 lít dầu biến thế. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng chất độc PCB trong dầu là 84,74 ppm, trong khi ngưỡng tối đa được phép chỉ 50 ppm.

Thế nhưng, dầu độc bị phát hiện từ năm 2008, nhưng phải đến cuối năm 2008, cơ quan chức năng mới hút ra khoảng gần 3.000 lít để trữ trong container. Chiếc máy còn chứa dầu vẫn cứ nằm ngoài trời, bất chấp rủi ro thời tiết có thể khiến dầu độc bị rò rỉ ra môi trường.

Dầu độc, máy biến thế được cho là rác thải độc hại thì đã quá cũ, nhưng chiếc kẹp chì niêm phong lại quá mới. Mới là vì đến tháng 5/2014, các cơ quan chức năng mới tiếp tục hút tiếp hơn 3.700 lít dầu còn trong máy, rồi đưa cả dầu và máy vào bảo quản.

Tại vị trí mà chiếc máy biến thế bên trong có dầu độc nằm gần 7 năm, những người làm việc xung quanh khu vực này thì chỉ biết sợ hãi. Đặc biệt khi họ chứng kiến dầu được hút ra, rơi rớt ra ngoài. Cơ quan chức năng biết, nó độc hại đến mức phải bóc bỏ lớp gạch nền cũ để làm lại nền gạch mới.

Yêu cầu doanh nghiệp tái xuất, nhưng không được, sau đó thì họ phó mặc. Thậm chí, phải mất ba tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh mới gặp được đại diện phía doanh nghiệp. Nhưng có gặp thì cũng vẫn bế tắc.

Ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết:“Tỉnh không bao giờ chấp nhận để một đống rác thải ở một nơi tương đối nhạy cảm như vậy, nhưng lô hàng về đó, chủ hàng gần như bỏ chạy. Các lô hàng rác thì chủ hàng thường như thế”.

Theo Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, toàn bộ lô hàng gồm 20 loại máy móc, thiết bị được tháo dỡ ra từ hai nhà máy điện của Hàn Quốc. Nhà máy đã ngưng hoạt động, đắp chiếu từ năm 2004, tính đến thời điểm nhập về Việt Nam, có thiết bị đã có tuổi đời khoảng 40 năm.

Gọi là rác, thế nhưng thật khó hiếu khi người ta vẫn bỏ ra 3 triệu USD để nhập về, riêng máy biến thế chứa dầu độc trị giá 110.000 USD.

Ông Phạm Văn Hải, Chi cục Hải quan cảng Cái Lân cho biết: “Theo quy định tại thời điểm đó, doanh nghiệp không phải khai báo năm tuổi của nó, cơ quan Hải quan cũng không xác định được bao nhiêu năm”.

Với cách lý giải đó, cơ quan Hải quan khẳng định mình làm đúng, khi dựa vào giấy phê duyệt danh mục thiết bị nhập khẩu của Sở Công nghiệp Nam Định, nay là Sở Công Thương Nam Định - nơi có dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hồng. Thế nhưng 7 năm qua, Sở này cũng chẳng có trách nhiệm gì trong việc xử lý khối rác độc.

>>>Cần xử lý triệt để 6.000 lít dầu chứa hóa chất độc hại đe dọa Vịnh Hạ Long

Theo Phạm Hằng

cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên