“Quốc hội nhận trách nhiệm trước yếu kém của đất nước”
Sáng 22/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá 13 của Quốc hội.
- 14-03-2016Đà Nẵng: Nguyên Phó chủ tịch quận tự ứng cử đại biểu Quốc hội
- 08-03-2016Chủ tịch Quốc hội: “Các Bộ cứ đổ cho nhau thì dân chịu trận hết“
- 08-03-2016Chủ tịch Quốc hội: “Lúc này không tăng thuế được đâu”
- 03-03-2016Chủ tịch nước: Không dồn việc khó cho Quốc hội khóa mới
Bên cạnh kết quả, báo cáo cũng nêu không ít yếu kém, hạn chế trong cả nhiệm kỳ hoạt động.
Ấn tượng lập hiến
Nội dung lớn đầu tiên được đề cập tại bản báo cáo là công tác lập hiến, lập pháp.
Báo cáo nêu rõ, Hiến pháp năm 2013 là bản hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Hiến pháp đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng, niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
“Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa 13 là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công tác lập pháp nói chung, theo Chủ tịch còn không ít hạn chế.
Như, việc thường xuyên phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng trình Quốc hội. Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện.
Nhận rõ phần trách nhiệm
Với nội dung xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch khái quát, Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, lắng nghe, gạn lọc, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các ngành, các cấp và đồng bào, cử tri cả nước, kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Chủ tịch cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước.
Đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, tái cơ cấu kinh tế chậm, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc.
Yếu kém tiếp theo được nêu tại báo cáo là cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm, tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...
Nguyên nhân của những hạn chế này, theo Chủ tịch một phần do tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Phần khác, do một số chỉ tiêu đặt ra chưa sát với thực tiễn. Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất, việc giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện chưa nghiêm.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu và chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện.
Đã giám sát đến cùng
Nhìn lại cả nhiệm kỳ, Chủ tịch đánh giá Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát. Việc “tái” giám sát được tiến hành thường xuyên, trước hết là xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, kỳ họp sau phải báo cáo kết quả thực hiện những điều đã hứa, những giải pháp đã đưa ra trong lần chất vấn trước.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành “chất vấn toàn khóa” đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Như vậy, có thể nói Quốc hội đã theo dõi, giám sát “đến cùng” việc thực hiện nghị quyết Quốc hội, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này, Chủ tịch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu không ít hạn chế, bất cập của hoạt động giám sát. Như việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu. Giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp.
Bên cạnh đó một số quy định của pháp luật về giám sát như việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chưa có điều kiện thực tế để thực hiện.