Quyết liệt loại bỏ công chức 'cắp ô'
Để tinh giản được những công chức “cắp ô” trong nền công vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, cần rất nhiều giải pháp, quan trọng là trong cách đánh giá phải tìm đúng người để tránh chuyện giảm nhầm người trong công cuộc tinh giản biên chế đầy thách thức này.
- 05-03-2016Hà Nội chi gần 2 tỷ đồng trả cho 20 người bị tinh giản biên chế
- 12-02-2016Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra ba trở ngại khi tinh giản biên chế
- 27-01-2016Bộ Công thương tinh giản gần 200 biên chế trong năm 2015
- 20-01-2016Đã tinh giản hơn 9.500 biên chế năm 2015
- 18-01-2016Rà soát kỹ đối tượng tinh giản biên chế
PV: Thưa ông qua hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 về tinh giản biên chế, hẳn đã có những kết quả bước đầu?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đợt tinh giản biên chế này tiến hành chưa lâu nhưng nhìn chung đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Điều đáng mừng là đã không xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến tinh giản biên chế.
Tính đến tháng 2/2016, trên cả nước đã có 28 lượt bộ ngành, 94 lượt địa phương (nhiều địa phương trình kế hoạch tinh giản 2, 3 lần) báo cáo về kế hoạch, kết quả tinh giản biên chế. Theo đó, đã có 10.543 người được tinh giản biên chế. Trong đó, các cơ quan hành chính tinh giản được 1.133 người, cấp xã là 2.307 người, khối doanh nghiệp là 68 người...
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39 và Nghị định 108, Bộ Nội vụ đã theo sát quá trình thực hiện tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương. Tất cả các phương án tinh giản đã được Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thẩm tra một cách chặt chẽ, đảm bảo những người được tinh giản phải đúng đối tượng.
Ý ông là nếu lỏng khâu giám sát có thể sẽ xảy ra tình trạng tinh giản nhầm người?
- Đúng vậy, trong đợt đầu tiên các Bộ, ngành địa phương gửi phương án tinh giản biên chế về Bộ Nội vụ, chúng tôi đã loại ra không ít trường hợp tinh giản không đúng đối tượng, như có địa phương tinh giản cả người hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong khi đó người thuộc diện tinh giản phải là người có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ.
Có trường hợp trình độ đào tạo phù hợp với vị trí công việc đang làm nhưng vì người ta muốn chuyển ra ngoài khu vực khác để có thêm một khoản tiền cũng nằm trong diện tinh giản thế là không đúng. Thông qua hoạt động thẩm tra của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã kịp thời ngăn ngừa được tình trạng này, để nếu những người đó muốn ra khỏi đội ngũ phải thực hiện theo Nghị định 46 thôi việc và nghỉ hưu của Chính phủ chứ không thực hiện theo nghị định 108 đảm bảo tiết kiệm được tiền ngân sách nhà nước phải trả.
Để xảy ra tình trạng cán bộ xuất sắc vẫn thuộc diện tinh giản biên chế có nhiều lý do trong đó có lý do nể nang, vị tình trong đánh giá để nâng mức thi đua của cán bộ lên. Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định 56 hướng dẫn đánh giá cán bộ, nếu việc đánh giá không nghiêm túc, người đứng đầu đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm.
Để đảm bảo việc tinh giản biên chế đúng đối tượng mục tiêu đề ra nâng cao cán bộ công chức Bộ nội vụ đã có công văn đôn đốc các bộ ngành địa phương tinh giản, đảm bảo đúng quy định của pháp luật không để xảy ra trường hợp không thuộc diện tinh giản vẫn đưa vào.
Là cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ thấy khó khăn, vướng mắc nhất trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị?
- Về khó khăn, vướng mắc, tôi cho rằng, quá trình thực hiện quản lý biên chế tất nhiên sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Thứ nhất là sức ép thành lập các tổ chức mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc…
Do đó, việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế cũng gặp khó khăn. Khi có đơn vị sự nghiệp thành lập mới, chúng ta phải xử lý như thế nào? Trước mắt, một là vẫn phải điều hòa trong tổng biên chế mà các Bộ, ngành, địa phương đang có. Thứ hai, không thể không bổ sung biên chế nhưng phải quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ. Đấy cũng là một cái khó.
Cái nữa là chúng tôi thấy trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan đơn vị cũng rất lớn vì vẫn lấy lý do là phải có người để làm việc.
Có khó khăn trong việc bố trí ngân sách cho tinh giản không. Ví dụ như tỉnh Hà Giang có nói rằng, đã phê duyệt biên chế nhưng chưa giảm được biên chế vì thiếu kinh phí?
- Không có chuyện ách tắc về kinh phí dành cho tinh giản biên chế. Sau khi Bộ Nội vụ thẩm tra các danh sách tinh giản của các địa phương trong đó có Hà Giang chúng tôi đồng thời gửi danh sách sang Bộ Tài chính căn cứ vào đó Bộ Tài chính xem xét cấp kinh phí, hoặc giải quyết theo các quy định hiện hành về kinh phí, không có gì ách tắc trong chuyện này.
Cũng liên quan đến câu chuyện ngân sách, hiện ngân sách Trung ương sẽ bố trí 500 tỉ đồng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2016, ông nhìn nhận thế nào về con số này? Làm thế nào để sử dụng khoản tiền này thực sự tiết kiệm, hiệu quả?
- Bên cạnh việc đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc những người ở diện dôi dư do sắp xếp tổ chức… vào diện tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, chúng ta cũng phải có chính sách để đảm bảo quyền lợi, cuộc sống của họ không bị xáo động. Theo đó, ngân sách phải dành một số kinh phí nhất định để phục vụ cho chính sách tinh giản biên chế, tôi nghĩ đấy là cần thiết. Vấn đề là chúng ta kiểm soát chặt chẽ việc tinh giản biên chế để chỉ những người thuộc diện tinh giản biên chế mới được hưởng chính sách đó.
Dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng so với con số 30% công chức “cắp ô” tồn tại trong nền công vụ thì con số hơn 10 nghìn người được tinh giản là ít ỏi, Bộ Nội vụ có giải pháp mạnh như “trảm tướng” để đẩy nhanh công cuộc tinh giản biên chế?
- Kế hoạch đề ra là tinh giản tối thiểu 10% số biên chế từ nay đến năm 2021 theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Hiện Bộ Nội vụ đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, cùng với việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế với các chỉ tiêu tinh giản cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không đạt được chỉ tiêu đề ra thì người đứng đầu đơn vị đó sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ.
Có “trảm tướng” không tôi nghĩ rằng, để nâng cao chất lượng đội ngũ góp phần cải cách chế độ công chức công vụ có nhiều giải pháp trong đó có tinh giản biên chế mà bên cạnh đó rất nhiều giải pháp như, đổi mới phương thức tuyển dụng để chọn người xứng đáng vào trong đội ngũ công chức, đánh giá phân loại cũng phải được tiến hành khách quan, công bằng để phân biệt giữa người làm tốt và làm không tốt, không có riêng một giải pháp nào cả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đại Đoàn Kết