Rối rắm cấp căn cước công dân?
16 địa phương đã triển khai cấp CMND 12 số sẽ dừng cấp và chuyển sang cấp căn cước công dân từ 1-1-2016; 47 tỉnh, thành còn lại vẫn cấp CMND chín số và chậm nhất đến 1-1-2020 phải chuyển sang cấp căn cước côngdân.
- 28-12-2015[Infographic]: Những điều cần biết về thẻ căn cước công dân
- 28-12-2015Thiếu tướng công an lưu ý về thẻ căn cước công dân
- 22-12-201516 địa phương sẵn sàng mọi điều kiện để cấp thẻ căn cước công dân
- 21-12-201516 địa phương cấp thẻ Căn cước công dân từ 1/1/2016
- 09-12-2015Không thu lệ phí cấp Căn cước công dân lần đầu
Bắt đầu từ hôm nay (1-1-2016), Luật Căn cước công dân (CCCD) chính thức có hiệu lực. Theo đó, Bộ Công an sẽ bắt đầu triển khai cấp CCCD. 16 tỉnh, thành sẽ thí điểm triển khai cấp CCCD từ 1-1-2016 bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Bình.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) cho hay Bộ Công an đang tiến hành tổng kết dự án sản xuất, cấp, quản lý CMND giai đoạn 1 (triển khai ở 16 tỉnh, TP trên) và chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan xây dựng dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD để triển khai tại tất cả tỉnh, TP trên toàn quốc.
Thẻ CCCD thay giấy khai sinh, hộ chiếu
Theo Đại tá Thắng, về cơ bản CMND chín số, 12 số và CCCD đều có giá trị giống nhau. Trong đó CCCD và CMND 12 số chỉ khác nhau về tên gọi còn lại cùng được sản xuất từ một loại phôi, công nghệ giống nhau. Như vậy là từ 1-1-2016 sẽ có ba loại giấy tờ có giá trị chứng minh về CCCD của người được cấp gồm CMND chín số, CMND 12 số và CCCD.
Bên cạnh đó, Đại tá Thắng cho biết: “CCCD sẽ thay cho CMND, giấy khai sinh và hộ chiếu. Khi thực hiện thủ tục hành chính, công dân chỉ cần trình CCCD, cơ quan chức năng sẽ lấy số định danh để truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu, sau đó lấy thông tin của công dân. Vì vậy công dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hay những giấy tờ khác”.
Theo ông Thắng, việc cấp, quản lý cả ba loại giấy tờ nêu trên của cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Bộ Công an và công an các địa phương) hoàn toàn không gặp phải trở ngại hay lúng túng gì. Bởi việc quản lý CMND 12 số và CCCD là cùng trên một hệ thống cấp.
Dừng cấp CMND 12 số, chuyển sang cấp thẻ CCCD
Bắt đầu từ 1-1-2016, khi chuyển đổi sang cấp CCCD thì sẽ dừng cấp CMND 12 số ở các địa phương đã được triển khai. Theo đó, hệ thống vẫn lưu trữ được toàn bộ thông tin của trên hai triệu người đã được cấp CMND 12 số, đồng thời đáp ứng được việc đối sánh giữa người được cấp CCCD với những người đã được cấp CMND 12 số trước đó để đảm bảo mỗi người chỉ được cấp một số CCCD duy nhất, không trùng người này với người khác để phục vụ cho công tác quản lý.
Ông Thắng cũng thông tin quá trình chuyển đổi từ cấp CMND 12 số sang cấp CCCD không phải mua sắm thêm máy móc, thiết bị và cũng không phải tăng thêm biên chế để triển khai vì công nghệ và dây chuyền sản xuất CCCD giống với CMND 12 số. Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ ở các địa phương đã triển khai cấp CMND 12 số để phục vụ chuyển đổi sang cấp CCCD.
Trả lời về việc liệu có xảy ra vướng mắc khi tồn tại song song cả ba loại giới tờ trên, Đại tá Thắng cho hay đối với người dân đã được cấp CMND 12 số, khi chuyển đổi sang cấp CCCD thì vẫn giữ nguyên CMND 12 số, người nào chuyển từ CMND chín số sang CCCD thì được cấp giấy xác nhận số CMND cũ, giống như việc xác nhận CMND chín số khi triển khai cấp CMND 12 số trước đây.
“Đối với 47 tỉnh, thành còn lại (chưa triển khai thẻ CCCD - PV) thì vẫn sử dụng CMND chín số. Và theo quy định, chậm nhất từ 1-1-2020 sẽ phải thực hiện cấp CCCD thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy sẽ không có vướng mắc gì khi triển khai cấp CCCD vào ngày 1-1-2016 tới đây” - Đại tá Thắng thông tin.
Những trường hợp được cấp CCCD
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp CCCD và số CCCD là số định danh cá nhân. Tuy nhiên, Luật CCCD cũng quy định những địa phương nào chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất kỹ thuật… để triển khai thi hành Luật CCCD thì vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực. Như vậy thì những địa phương nào chưa triển khai cấp CMND mới 12 số thì chưa cấp được CCCD nhưng chậm nhất là ngày 1-1-2020 phải thực hiện cấp CCCD trên toàn quốc.
Công dân sẽ được miễn phí trong các trường hợp sau: Đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp CCCD lần đầu; đổi CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; đổi CCCD khi có sai sót về thông tin trên CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD. Ngoài ra, những người đã có CMND chín số, 12 số lần đầu đổi sang CCCD cũng không phải trả phí. Công dân chỉ trả phí trong trường hợp đổi thẻ mới khi chưa đến hạn đổi hoặc thay đổi về nội dung trên thẻ.
Để được làm thủ tục đăng ký CCCD, công dân cần đến các đơn vị quản lý hành chính địa phương như công an huyện/quận, công an tỉnh/TP, giống như việc cấp CMND.
Sẽ lưu nhóm máu của công dân vào mã vạch thẻ CCCD
Sau khi mẫu CCCD được công bố, rất nhiều ý kiến cho rằng nên có thêm thông tin nhóm máu trên thẻ vì sẽ rất hữu ích, trả lời vấn đề này, Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục C72, thông tin đây là nội dung thuộc nhóm không bắt buộc phải có. Trong trường hợp công dân có nhu cầu vẫn sẽ được xét nghiệm nhóm máu một cách chính xác, tuy nhiên thông tin này sẽ được lưu vào mã vạch của thẻ chứ không đưa ra ngoài mặt thẻ. Khi tiến hành truy cập thông tin từ thẻ hoàn toàn có thể biết được.
Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh