MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau khi được bầu, Thủ tướng phải tuyên thệ

13-03-2014 - 16:49 PM | Xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến nhiều cơ quan và các đoàn đại biểu Quốc hội dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội.

Một trong những lý do cần phải sửa luật được nêu tại tờ trình là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có những quy định mới về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đòi hỏi cần phải cụ thể hóa.

Và, theo quy định tại Hiến pháp mới, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Những hiến định này đều đã được thể hiện tại dự thảo luật, trong mỗi điều về bầu các chức danh nói trên đều có một dòng quy định, sau khi được bầu, các vị “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Thủ tướng và các vị giữ trọng trách cần tuyên thệ khi nhậm chức cũng là góp ý của một số vị đại biểu khi góp ý sửa Hiến pháp.

Với riêng Thủ tướng, ở kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13, ngày 26/7/2011 được Quốc hội bầu, đến ngày 3/8/2011, ông thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ khóa 13 phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.

Bài phát biểu có đoạn: “Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ nguyện trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Người đứng đầu Chính phủ đương nhiệm cũng nguyện “thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”.

Như vậy, sự trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp cũng đã được nói bằng lời. Song, ý nghĩa và sự hiệu ứng xã hội của nó chắc chắn không thể so với lời tuyên thệ mà có lẽ sẽ ngắn hơn bài phát biểu nhậm chức dài 1.241 chữ rất nhiều.

Bên cạnh điểm mới ở quy định bầu các vị giữ trọng trách của đất nước, việc từ chức của người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, theo dự thảo luật cũng đã có điểm mới.

Với việc luật hóa nội dung tại điều 32 của nội quy kỳ họp Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung một khoản quy định cụ thể về việc gửi đơn xin từ chức và tiến hành việc từ chức.

Theo đó, đơn xin từ chức được gửi đến cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ đó. Cơ quan hoặc người đã đề nghị để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Theo Nguyên Hà

cucpth

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên