MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sửa điều 60 Luật BHXH, Quốc hội phải xin lỗi người lao động

22-05-2015 - 14:43 PM | Xã hội

ĐBQH Võ Thị Dung - Chủ tịch UB MTTQ VN TP.HCM đã đề nghị như vậy trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội sáng nay 22-5 về Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tự cảm thấy có lỗi trong tư cách một đại biểu đã góp ý và biểu quyết Luật BHXH, bà Võ Thị Dung -đã gửi lời xin lỗi đến cử tri về những vướng mắc trong điều 60 Luật BHXH. Đồng thời bà Dung cũng đề nghị: “Quốc hội hãy xin lỗi người lao động. Đừng nhận lỗi cho có”.

“Tôi cảm thấy xấu hổ”

Tại phiên thảo luận sáng nay về điều 60, Luật BHXH năm 2014, tất cả các ý kiến của đoàn ĐBQH TP.HCM đều thống nhất phải sửa điều 60 theo hướng linh hoạt là cho người lao động được nhận trợ cấp một lần. Bà Võ Thị Dung nói: “Khi công nhân thành phố phản ứng như vậy, tôi cảm thấy mình xấu hổ, cảm thấy có lỗi”.

Bà Dung đề nghị: "Bên cạnh việc sửa đổi điều này thì Quốc hội cũng phải nhận lỗi với người lao động chứ không phải chỉ sửa rồi nhận lỗi cho có. Quốc hội phải cầu thị và thật tâm trong lần sửa đổi này”.

Bà Dung cũng cho rằng với quy trình biểu quyết “cả gói” chứ không phải riêng từng điều luật thì nhiều đại biểu cũng ở trong tâm trạng của bà vì đã biểu quyết thông qua cả một dự luật, cho dù trong đó vẫn còn những điều luật mà bản thân đại biểu còn chưa thông.

ĐBQH Nguyễn Thi Quyết Tâm - Ảnh - Việt Dũng

Góp thêm ý kiến về việc công nhân ngừng việc tập thể, phản ứng điều 60 của Luật BHXH năm 2014, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói đó là một sự việc không vui, không ai khuyến khích nhưng cá nhân bà đã tìm thấy được điều tích cực trong đó. “Vì công nhân đã biết phản ứng trước một chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Và sự phản ứng đó đã được Chính phủ lắng nghe”  - bà Tâm nói.

Lương hưu 900.000 đồng, sống được không?

Đó là câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra tại buổi thảo luận. Câu hỏi này do một công nhân may túi xách sau 18 năm làm việc đặt ra với bà trong một buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM. Bà Tâm không trả lời được và các đại biểu nghe xong cũng không ai trả lời được.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm kể, chị công nhân này làm việc suốt 18 năm, phải bỏ tiền đóng thêm 21 tháng BHXH nữa để nhận được lương hưu. Và số tiền hưu hằng tháng chỉ là 943.000 đồng. “Với số tiền như vậy có sống được không? Ai trả lời được câu hỏi này? Làm sao tôi trả lời được câu hỏi đó” - bà Tâm đặt một loạt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng rõ ràng trong trường hợp này người lao động phải chọn giải quyết khó khăn trước mắt là nhận tiền trợ cấp một lần, không thể nghĩ đến chuyện lâu dài với số tiền hưu còm cõi đó.

Có ý kiến cho rằng những vụ ngừng việc tập thể vừa qua ở TP.HCM, Bình Dương phản đối điều 60 của Luật BHXH năm 2014 là do tuyên truyền chưa tốt, do Công đoàn chưa thể hiện vai trò là phiến diện. “Làm sao tổ chức công đoàn tuyên truyền được khi người lao động đưa ra những dẫn chứng cụ thể như vậy?” - bà Tâm đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết hiện nay có nhiều doanh nghiệp sử dụng chính sách khắc nghiệt với người lao động. Ở TP.HCM điều này thể hiện rõ hơn khi người lao động được sử dụng một cách tối đa và sau ba năm có kinh nghiệm là bắt đầu bị sa thải dần. Chủ thường sử dụng lao động theo nguyên tắc không ký hợp đồng với người lao động quá hai lần.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, trong 80% người hưởng BHXH, có đến 72% người hưởng trợ cấp một lần có thời gian làm việc từ 1 đến 3 năm. Điều đó chứng tỏ một lực lượng rất đông người lao động mong muốn được làm việc lâu dài nhưng khả năng là rất thấp.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, trong những tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6.300 doanh nghiệp (9,5%) nhưng số doanh nghiệp giải thể, ngưng làm việc cũng chiếm 4,5%, điều đáng nói là tăng lực lượng lao động chỉ 2%. Rõ ràng khả năng người lao động quay lại làm việc là không cao.

“Do đó, việc người lao động muốn nhận trợ cấp một lần là điều dễ hiểu” - ông Trần Thanh Hải nói.

 

 

 

Theo VIỄN SỰ

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên