MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tách tập đoàn khỏi bộ chủ quản

21-01-2014 - 08:14 AM | Xã hội

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Tuấn - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng việc nhiều tập đoàn nhà nước lãi nhờ chính sách cần cẩn trọng, tránh “lợi ích nhóm”. Ông Tuấn nói:

Việc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lãi là điều đáng mừng. Và khi họ lãi, điều không thể phủ nhận là có công lao của những người lao động tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, từ có lãi trên danh nghĩa đến thật sự hiệu quả còn khoảng cách. Bởi nhiều tập đoàn ở VN có lợi thế rất lớn trong tiếp cận chính sách, trong mối quan hệ với các bộ ngành, trong khả năng tiếp cận vốn ưu đãi, đất đai, rồi được khoanh, giãn nợ khi gặp khó khăn...

* Nhà nước “nới” nhiều chính sách bình ổn khiến nhiều tập đoàn năm 2013 có lãi. Nhưng không nên chỉ để giá theo thị trường?

"Cần tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ chủ quản. Khi có doanh nghiệp trực thuộc, các bộ lại có quyền ra chính sách, kiến nghị, quyết định tăng giảm thuế... thì dễ hình thành lợi ích nhóm"

Ông Vũ Quốc Tuấn

- Thị trường gồm nhiều yếu tố, mà giá thường chỉ là yếu tố hình thành cuối cùng, do thị trường quyết định. Tuy nhiên ở VN, điện chỉ có một mình EVN được bán tới dân, than gần như chỉ có TKV được khai thác những mỏ có trữ lượng công nghiệp...

Hay ở thị trường xăng dầu, viễn thông, chỉ có một vài doanh nghiệp chiếm vai trò thống lĩnh thị trường.

Trong điều kiện như thế, giá thật sự thị trường khó hình thành. Bởi giá thị trường chỉ có khi cạnh tranh quyết liệt, doanh nghiệp buộc phải giảm chi phí, thậm chí nhiều thời điểm phải chịu lỗ để có cơ hội tồn tại, phát triển trong dài hạn. Khi còn khả năng doanh nghiệp nhìn nhau tăng, giảm, giữ giá thì khó có giá thị trường thật.

Vì vậy, theo tôi, việc nhất quán đưa giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường cần phải được thực hiện đồng bộ việc phát triển các yếu tố thị trường khác.

Phải có nhiều doanh nghiệp cùng ngành tham gia thị trường mới có cạnh tranh thật sự. Ít nhất khi Nhà nước cùng những biện pháp “tháo gỡ” về giá cho doanh nghiệp cần đưa ra những điều kiện cụ thể.

Ví dụ, ngành than nói phải có lãi để có vốn đầu tư, đảm bảo nhu cầu than cho điện trong tương lai, thì khi cho giá theo thị trường, cần đặt yêu cầu TKV trong mấy năm, phải đổi mới được công nghệ, giảm được giá thành bao nhiêu, hao hụt giảm bao nhiêu, và phải công khai ra... EVN, Petrolimex cũng vậy. Nếu không, sau một thời gian khi phải cạnh tranh mà gặp khó khăn, họ lại đề nghị tháo gỡ, cho tăng giá...

* Nhiều lĩnh vực giá đã theo thị trường thì người dân vẫn có cảm giác bị thiệt thòi, như viễn thông. Doanh nghiệp lãi rất lớn nhưng vẫn tăng giá...

- Như đã nói, khi giá theo thị trường thì cần tạo lập cơ chế để thị trường vận hành đúng quy luật. Nếu có một vài ông lớn chi phối thị phần, rất có khả năng giá sẽ do một số ông lớn đó quyết định. Những doanh nghiệp khác không loại trừ khả năng “nhìn nhau” để giữ, tăng giá. Bởi doanh nghiệp rất dễ bắt tay nhau để cùng được hưởng lợi nhuận cao, thay vì phải cạnh tranh.

Nên theo tôi, ở VN, cần tạo lập thị trường cạnh tranh tốt hơn. Nhiều thị trường như 3G, xăng dầu... người dân vẫn băn khoăn chưa thật có cạnh tranh thì cần nghiên cứu thực hiện nghiêm Luật cạnh tranh, tiến tới tổng kết, chỉnh sửa luật này để giải quyết được khả năng liên kết làm giá, độc quyền nhóm. Chống độc quyền, chống liên kết làm giá thế giới họ có kinh nghiệm rồi, ta nên theo chuẩn mực đó. Vị nào ở vị thế độc quyền thì nên tách nhỏ ra, tăng cạnh tranh...

Theo C.V.Kình

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên