MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao thủ khoa đi làm thợ mộc, kỹ sư làm xe ôm, cử nhân làm giúp việc?

30-10-2014 - 15:41 PM | Xã hội

Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm.

Trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng ngày 30/10/2014, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đã bày tỏ đồng tình với những đánh giá về KTXH 2014 cũng như mục tiêu phát triển 2015. Song về khách quan, đại biểu cho rằng nền kinh tế của nước ta đang bộc lộ những điểm yếu như bội chi ngân sách lớn, nợ công áp trần, doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp.

Đại biểu nhấn mạnh, vấn đề năng suất lao động thấp là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng. Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào 3 yếu tố chính lao động, năng suất và các nhân tố tổng hợp. Những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng với 2 yếu tố chính là vốn và lao động. Qua các báo cáo, thảo luận đều đã thấy vốn sắp tới rất khó khăn do nợ công sắp tới ngưỡng trần, đi vay khó khăn. Vì vậy, việc làm thế nào để cải thiện nợ công là vấn đề phải bàn.

Về yếu tố lao động, Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, đồng nghĩa với việc đang chuyển dần sang già hóa dân số, tương ứng là quy mô lao động không thể tăng thêm như giai đoạn 2005-2010. Vì vậy đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.

Mặt khác, Việt Nam đang bước chân vào cánh cửa hội nhập sâu hơn với khu vực và quốc tế, cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU… hàng loạt các cam kết đề ra là thách thức to lớn với nền kinh tế, DN Việt Nam.

Đứng trước thách thức, điều đáng lo ngại của Việt Nam là gì? Theo đại biểu, đó là những con số như có đến 50% lao động chưa qua đào tạo, năng suất lao động của VN thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của VN cũng chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 đối với Thái Lan.

Cuối 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép lao động có tay nghề cao của các quốc gia ASEAN có quyền di chuyển tự do, vậy chiến lược của chúng ta khi lộ trình này thực hiện ra sao khi rất có thể giá rẻ của lao động VN không còn đủ sức cạnh tranh trên sân nhà?

“Vì vậy cần nhìn nhận vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc, bởi đây chính là chìa khóa cho phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Ông Thường đặt về việc vấn đề năng suất thấp lao động do đâu? Theo ông, nguyên nhân đầu tiên chính là chất lượng lao động. Lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế, đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm.

Điều này tạo ra hệ lụy là nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Và tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc, kỹ sư làm xe ôm, cử nhân làm giúp việc … bỗng trở nên phổ biến.

Đại biểu này nhấn mạnh, việc tổ chức lao động chưa khoa học, còn nhiều quản trị theo thói quen, tùy tiện, cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến nhiều Doanh nghiệp chỉ cần giảm giá để cạnh tranh thay vì tăng chất lượng.

Một vấn đề nữa là công nghệ. Với công nghệ lạc hậu do không có nhiều sự thay đổi sau 10 năm, hiện nay tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ 12-13%... Con số này này phản ánh rõ rệt sự tụt hậu khá xa về năng lực cạnh tranh công nghệ.

Bên cạnh đó, những câu chuyện cũ về hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư đạt thấp, chủ yếu do đầu tư dàn trải thiếu trọng điểm, thất thoát, lãng phí cũng được đại biểu nhận định là những nút thắt nếu không tháo gỡ sẽ rất khó khăn.

>>> Dòng sự kiện: Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên