MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tan cửa nát nhà vì bán hàng đa cấp: Biết nhưng khó xử lý?

01-03-2016 - 18:10 PM | Xã hội

Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động lừa đảo của các tổ chức bán hàng đa cấp, nhiều nhà quản lý cho rằng rất khó xử lý do thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức này ...

 

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương có gửi cho chúng tôi một tập hồ sơ về việc cho phép bán hàng đa cấp, kèm theo đó là danh mục các sản phẩm, giá bán được đóng dấu đỏ giáp lai.

Dù cơ quan này không công nhận đã “xác nhận giá” nhưng đọc vào ai cũng hiểu là giá đó đã được Cục Quản lý cạnh tranh xác nhận

Ông VÕ XUÂN SƠN (phó giám đốc 
Sở Công thương 
tỉnh Kon Tum)

Trong khi các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động lừa đảo của các tổ chức bán hàng đa cấp, nhiều nhà quản lý cho rằng rất khó xử lý do thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức này tinh vi và... vướng luật.

Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của cơ quan quản lý và các chuyên gia:

* Ông Võ Xuân Sơn 
(phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum):

Nhiều kẽ hở

Điểm bất cập nhất là giá các mặt hàng được các tổ chức đa cấp đưa ra rất cao, nhưng cơ quan chức năng không thể kiểm định được giá trị thật bởi là hàng “độc quyền do các công ty đa cấp tự sản xuất hoặc lấy ở nguồn không xác định nào đó. Đặc biệt, các mặt hàng này cũng đã được Cục Quản lý cạnh tranh cho phép bán nên không có cơ sở để xử lý.

Chúng tôi đã có văn bản báo cáo về việc giá các mặt hàng quá cao và đề nghị xem xét, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết không xác nhận giá mà chỉ cho phép công ty đa cấp bán hàng, kèm theo là các mặt hàng, giá bán, còn giá bao nhiêu là tự công ty đa cấp kê ra! Khi bị cơ quan chức năng kiểm tra và xét hỏi tại sao lại bán giá cao như thế, các công ty đa cấp chìa ra tập hồ sơ có con dấu, mặt hàng được Cục Quản lý cạnh tranh đóng dấu.

Do đó, dù đã tăng cường giám sát, xử lý các đơn vị bán hàng đa cấp có sai phạm, nhưng các cơ quan chức năng trên địa bàn chỉ có thể xử phạt hành chính các sai phạm nhỏ như tổ chức hội thảo không thông báo, lôi kéo dụ dỗ người tham gia...

Mức phạt cho hành vi này chẳng bao nhiêu nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, người dân bị dụ dỗ, lừa mua và chịu thiệt hại nhưng sợ xấu hổ nên không trình báo cơ quan chức năng, vì vậy không có căn cứ để xử lý.

* Ông Lê Tuấn(chi cục trưởng Chi cục Quản lý 
thị trường tỉnh Kon Tum):

Cấm không được, 
bắt cũng không xong

Theo thống kê, hiện có hơn 4.000 người dân Kon Tum tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nhiều người mất tiền, mất của. Các cơ quan chức năng đã nắm sự việc nhưng khó xử lý vì vướng nhiều quy định của pháp luật. Hiện cơ quan quản lý thị trường chỉ có thể kiểm tra nguồn hàng, giấy tờ hóa đơn hàng đa cấp.

Tuy nhiên hầu hết các đơn vị bán hàng đa cấp đều có giấy “thông hành” từ các cơ quan cấp trên nên việc xử lý vô cùng khó. Cấm không cấm được, bắt cũng không bắt được nên chúng tôi chỉ còn cách tuyên truyền, nói rõ cho người dân biết để không tham gia thôi nhưng cũng không hiệu quả.

* Luật sư Võ Đan Mạch (Công ty luật Ta Pha):

Chưa chế tài các cá nhân tham gia

Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia đều tồn tại mô hình bán hàng đa cấp và ở giai đoạn đầu cũng có xảy ra hiện tượng lừa đảo. Tuy nhiên, pháp luật và cơ chế thực thi ở các nước đó rất nghiêm ngặt nên họ đã dẹp bỏ và đi vào ổn định đúng bản chất nhờ ban hành luật kinh doanh đa cấp.

Ở VN, tuy hành lang pháp lý tương đối đầy đủ nhưng vấn đề thực thi còn kém hiệu quả, chưa nghiêm và sâu sát nên các hành vi vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra. Truy cứu trách nhiệm hay xử phạt đối với cá nhân là không khả thi nên không đủ sức răn đe.

VN hiện nay có khoảng 65 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với gần 1,4 triệu người tham gia. Pháp luật xử lý được doanh nghiệp nhưng còn hơn 1,4 triệu cá nhân đó chưa có chế tài hữu hiệu và khả thi. Mà bản thân những người tham gia đó mới là những chủ thể trực tiếp gây ra sai phạm khiến ngành bán hàng đa cấp xấu đi.

Trao đổi với chúng tôi, một quan chức Cục Quản lý cạnh tranh cho biết theo quy định, doanh nghiệp phải đăng ký những mặt hàng cũng như giá bán ra và được cơ quan này đóng dấu vào danh mục đăng ký.

Đây là cơ sở để kiểm tra doanh nghiệp có bán đúng các mặt hàng đã đăng ký không, chứ không phải là bản đăng ký giá. Do đó, không thể coi bản danh mục có dấu là cơ sở để nói Cục Quản lý cạnh tranh đã cho phép bán giá đó.

C.V.KÌNH

Theo Thái Bá Dũng - Như Bình ghi

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên