MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương cho giáo viên: Ai xứng đáng được tăng?

02-04-2016 - 09:23 AM | Xã hội

Tăng lương cho giáo viên cần được đặt trong bối cảnh về trình độ giáo viên, chất lượng dạy học…

Câu chuyện lương và tiền lương ở bất kỳ ngành nào cũng là chủ đề “nóng”. Bởi lâu nay, lương của chúng ta nói chung là thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Nghị quyết Trung ương 2, khóa 8 năm 1996 nêu rõ: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, bên cạnh đó là các quy định về phụ cấp, ưu đãi nghề nghiệp. Nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập. Hiện nay, lương giáo viên đứng thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều nhà giáo không đảm bảo được mức sống hợp lí cho bản thân và gia đình. Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ các thầy cô đã phải đi dạy thêm hoặc kèm học sinh ngoài giờ lên lớp, có giáo viên phải làm thêm nhiều việc khác để trang trải cuộc sống. Lương thấp nên ngành giáo dục cũng khó thu hút người tài.

Vì sao lại có chuyện, một ngành quan trọng, đào tạo con người, nhân lực cho tất cả các ngành nghề trong xã hội mà lương lại thấp? Khó khăn của ngành giáo dục cũng nằm trong khó khăn chung của toàn hệ thống. Để sắp xếp lại lương, Việt Nam cần 1 triệu rưỡi tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách có 1 triệu tỷ đồng. Chưa kể hệ thống tiền lương vô cùng phức tạp, rối rắm, giờ “sờ” vào đâu cũng thấy khó, dễ nảy sinh tình trạng mất công bằng, thắc mắc, kiện tụng.

Đơn cử như ngành giáo dục: Khi nói đến tiền lương thì ai cũng thấy mình cần được tăng lương. Nhưng có ý kiến lại cho rằng chỉ nên tăng cho những người đang công tác ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Thế nhưng, những người làm nghề được 3-5 năm ở các thành phố lớn lại cũng thấy không ổn, vì họ đã đi làm vài năm rồi mà lương không đủ trang trải cho chính bản thân. Rồi những người làm công tác hành chính, phục vụ trong các trường học cũng lên tiếng phải tăng lương cho tôi. Biết tăng cho ai bây giờ? Nguồn lực thì không cho phép chúng ta làm hẳn một cuộc cách mạng về lương nên đành sống với sự nhùng nhằng và lời hứa cải cách tiền lương suốt nhiều năm.

Tăng lương cho giáo viên thì lấy nguồn ở đâu? Nguồn đầu tiên dễ thấy nhất là “tăng học phí”. Nhưng nếu tăng học phí thì lại ảnh hưởng đến những học sinh nghèo, học sinh khó khăn. Các em sẽ không có tiền đóng học và có thể phải bỏ học. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều phụ huynh, cũng giống như các ngành dịch vụ khác, khi anh cung cấp hàng tốt thì người mua sẵn sàng trả tiền cao hơn mức học phí hiện nay. Còn các đối tượng chính sách sẽ có cách giải quyết riêng.

Nhân nói về lương của giáo viên thì lại ngẫm đến câu chuyện chất lượng dạy học. Nhiều người băn khoăn với chất lượng dạy học hiện nay của nhiều giáo viên thì họ không xứng đáng được tăng lương!Câu chuyện tăng lương cần được đặt trong bối cảnh về trình độ giáo viên, chất lượng dạy học.

Thực tế hiện nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhiều câu chuyện đau xót xảy ra trong ngành giáo dục khiến dư luận bất bình, gần đây nhất là trường hợp một cô giáo đánh thâm tím học trò 7 tuổi ở Lào Cai. Bạo lực xuất hiện ngang nhiên trong môi trường sư phạm khiến nhiều người lo lắng. Ai muốn nộp học phí để con mình phải chịu cảnh bạo lực này?

Những bất cập trong đổi mới giáo dục và cả sự thay đổi liên tục, không ổn định khiến người thầy không còn chú tâm vào chuyên môn như trước. Vì thành tích này, phong trào kia nên nhiều giáo viên phải dành thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn nhiều hơn.

Một thực tế là người giỏi bây giờ không chọn thi vào sư phạm. Điều này khiến “cái vòng luẩn quẩn” của ngành giáo dục khó tìm ra lối thoát: lương thấp, không thu hút được người tài. Không có học sinh giỏi vào ngành sư phạm thì lấy đâu ra giáo viên giỏi. Lương thấp, chế độ đãi ngộ không hợp lý, người thầy không còn tâm huyết với nghề. Ngồi ở giảng đường sư phạm 4-5 năm trời để rồi khi ra trường dạy hợp đồng hơn 1 triệu đồng/ tháng thì ai muốn chọn sư phạm? Đấy là chưa kể nhiều gia đình phải mất một khoản tiền “đút nhét” thì con em mình mới được đi dạy học./.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên