Việc tinh giản biên chế được nói đến nhiều lần nhưng theo đánh giá của nhiều Đại biểu Quốc hội, chúng ta làm chưa được cương quyết. Trong báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến các Đại biểu Quốc hội, Bộ này cũng thừa nhận tình trạng “dậm chân tại chỗ” trong tinh giản biên chế. “Dù thực hiện Đề án tinh giản biên chế nhưng mục tiêu là từ nay đến năm 2016 về cơ bản số biên chế vẫn giữ nguyên” – Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng lương và cải cách tiền lương như hiện nay thì không bao giờ đạt đích. Hiện nay, số người hưởng lương ngày càng tăng lên, trong khi chúng ta lại không có cơ chế quản lý hiệu quả của người làm việc.
Vậy vướng do đâu mà không tinh giản được biên chế? Đại biểu Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai) cho biết: “Trong những năm qua, tinh giản biên chế chúng ta chưa làm được. Đặc biệt, Quốc hội lần này cũng đã nêu và đến giờ phút này chưa có Bộ, ngành, tỉnh thành nào được phê duyệt đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đề án này thì ta mới xác định được giảm ở đâu, cơ quan nào, ở bộ ngành trung ương, ở địa phương giảm ở đâu. Trên cơ sở đó ta mới tiết kiệm được chi phí ngân sách cho hành chính mà đã đầu tư thời gian qua”.
Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất cản trở công tác tinh giản biên chế ở một tỉnh miền núi biên giới như Lào Cai. Đại biểu Phạm Văn Cường (Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai) cho rằng: “Việc tinh giản cán bộ hiện nay khó khăn, vướng mắc nhất là xác định vị trí việc làm. Chúng ta đã có Đề án vị trí việc làm gắn với công việc, trọng trách từng người được giao và hiệu quả công tác của việc làm được giao để sắp xếp, bố trí tuy nhiên khi áp dụng trong thực tế rất khó xác định”.
Có một thực tế đang xảy ra khiến bộ máy hành chính ngày càng “phình” ra là hầu như cơ quan trung ương có bộ phận nào thì bên dưới có như thế. Đã có Hà Tĩnh tinh giản gần 14.000 người nhưng lại toàn ở cấp thôn, xã, phường. Còn tại Lào Cai và có lẽ với nhiều địa phương khác do chưa có tiêu chí nào để xác định số lượng biên chế cho mỗi loại công việc địa phương mình.
Lý do đó được ông Phạm Văn Cường cho biết là do Quốc hội kỳ này họp mới thảo luận lần đầu về Luật Chính quyền địa phương. Luật này liên quan đến hành chính các cấp. Khi luật được thông qua sẽ áp dụng để tinh giản thế nào, bộ máy cấp tỉnh cần bao nhiêu biên chế, huyện - xã cần bao nhiêu con người.
“Tuy nhiên, phải qua năm 2015 thì Luật Chính quyền địa phương xong thì các địa phương mới bắt đầu triển khai từ năm 2016. Còn hiện nay, chúng tôi thực hiện theo chỉ tiêu giao của Chính phủ, gắn với đề án giải quyết việc làm. Biên chế hành chính Nhà nước gần như không tăng” – ông Phạm Văn Cường nói.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Cường, Lào Cai là vùng cao biên giới, nhu cầu cho giáo dục, đào tạo cũng như ngành y tế, nên hàng năm vẫn phải bố trí tăng biên chế cho giáo dục (giáo dục mầm non, tiểu học) và bác sĩ cho vùng sâu, vùng xa. Hiện nay có chỉ tiêu biên chế nhưng không có người đến. Đó là bất cập, có những nơi thừa nơi thiếu.
Còn đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định), thì băn khoăn: Bộ máy hành chính của mình, người thì nói là đủ, có nhà khoa học nói cứ 1 triệu dân thì có bao nhiêu người làm quản lý thì có người bảo từng đó chưa đủ. Nhưng cũng có người bảo bộ máy cồng kềnh. “Sắp xếp bộ máy để giảm số người ăn lương thì nguồn lực sẽ dôi ra. Thật sự mà nói chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy” – ông Nguyễn Quang Chiểu nói.
Tăng lương không thể “cào bằng”
Tăng lương, xin lấy một ví dụ từ đất nước Singapore. Họ đã kết hợp giữa việc tăng lương với nâng cao chất lượng cán bộ. Mức lương ấy đủ trả cho nhân viên ấy đủ nuôi bản thân và gia đình nhưng không có tích lũy. Người dân sẽ cùng chính quyền giám sát mọi hoạt động của cán bộ, vì gắn với đó là quyền lợi của vị công bộc đó. Một người làm trong bộ máy công quyền sẽ có một khoản lương hưu lên đến hàng trăm ngàn USD khi anh ta nghỉ hưu, nhưng nếu người đó trong quá trình làm việc bị phát hiện vi phạm thì sẽ bị cắt hết các nguồn thu này.
Thế nhưng thực tế chúng ta đang làm thì sao? Theo bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Cần phải đánh giá năng lực cán bộ để trả lương tương xứng cho họ. Thế nhưng việc đánh giá năng lực cán bộ công chức gọi là thi tuyển, cân đong đo đếm nhưng nói thật là chưa thật sát lắm. Tiêu chí đánh giá chỉ là một, còn người cán bộ ngoài trình độ năng lực ra còn cần phải có lương tâm với nghề nghiệp nữa. Cái đó mới là quan trọng. Phải đánh giá trên từng con người cụ thể để tránh việc cào bằng lương”.
Bà Nguyễn Thị Khá cho rằng, người làm tốt hai năm tăng lương và người làm trung bình thì phải ba năm tăng lương, không làm được việc không tăng lương chứ không phải cứ đến hẹn lại lên. Như vậy sẽ không phát huy được sự nỗ lực hết mình của những cán bộ có năng lực thực sự.
“Và nếu cứ để trình trạng dàn đều như vậy thì thực sự là lãng phí ngân sách. Nếu cứ để dàn trải thì ai cũng tới ngày lĩnh lương, lên lương là không công bằng” – bà Nguyễn Thị Khá nói.
Bà Nguyễn Thị Khá cũng cảnh báo rằng, nếu chúng ta không đánh giá một cách sát thực thì gánh nặng lương vẫn cào bằng, chia đều cho mọi người thì người đáng được nâng lương lại không được nâng, còn người không đáng cũng trong danh sách này.
Cùng bàn về tiêu chí đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành công việc, đại biểu Nguyễn Quang Chiểu cho rằng, nếu chúng ta ban hành Luật công vụ thì mới dễ, hiện nay chưa có luật thì không biết anh hoàn thành hay không hoàn thành, khó đánh giá. Ngay trong cơ quan, anh bảo hoàn thành nhưng tôi bảo chưa hoàn thành, tiêu chí chưa rõ ràng.
“Chúng ta phải có quy định, sự nghiệp thì phải tính vào giá, còn hành chính thì Nhà nước lo. Giá dịch vụ để lấy nguồn đó trả lương và ngân sách Nhà nước không phải trả. Hiện nay ngân sách Nhà nước vẫn phải lo cho cả số lượng người này, nếu bây giờ chúng ta sắp xếp lại, bố trí cho hợp lý sẽ thực hiện được” – ông Nguyễn Quang Chiểu nêu giải pháp./.
>>>Hà Nội: Mới rà soát, chưa cắt giảm 10.000 lao động hợp đồng