MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham ô 2 tỉ đồng, ba người lãnh 15-20 năm tù

15-09-2015 - 22:52 PM | Xã hội

Sau hai ngày xét xử, chiều 15-9, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án đối với Nguyễn Thị Khai (nguyên trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước), Nguyễn Thị Bích Liễu (kế toán) và Lê Thị Bích Huyền (thủ quỹ) về tội tham ô tài sản.

Cụ thể, bị cáo Khai nhận mức án 20 năm tù và hoàn trả trên 986 triệu đồng, bị cáo Liễu 15 năm tù và hoàn trả trên 97 triệu đồng, bị cáo Huyền nhận 15 năm tù và hoàn trả trên 1 tỉ đồng.

HĐXX nhận định bị cáo Khai đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn yêu cầu cấp dưới thực hiện các chỉ đạo của mình. Tại tòa cũng như lúc điều tra, bị cáo Khai không thành thật khai báo, không nhận tội, nên cần nhận mức án cao hơn các bị cáo khác.

Trước đó, vụ án đã hoãn hai lần xét xử, lần thứ nhất vào ngày 8-4 với lý do bổ sung chứng cứ, lần thứ hai vào ngày 25-8 khi viện kiểm sát, bị cáo cũng như các luật sư bào chữa yêu cầu triệu tập thêm những người làm chứng khác.

Theo cáo trạng, từ năm 2007-2012, Khai nhiều lần mượn tiền quỹ phòng LĐ-TB&XH. Và để che giấu hành vi mượn tiền quỹ sử dụng trong thời gian dài, Khai và thuộc cấp thực hiện việc chi xuất không theo nguyên tắc tài chính - kế toán, không kiểm tra đối chiếu giữa chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ từ nguồn chi cho các đối tượng chính sách hằng tháng.

Trong thời gian này, ba bị cáo không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc quản lý tiền mặt tại phòng LĐ-TB&XH. Từ năm 2007, không mở sổ theo dõi tiền mặt của từng nguồn kinh phí có tại đơn vị định kỳ hằng tháng, quý, năm để kiểm tra đối chiếu giữa chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ. Không mở sổ sách theo dõi nguồn thu, chi, vận động đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa trong năm 2009.

Ngoài ra bị cáo Huyền rút tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng để nhập quỹ phòng LĐ-TB&XH với tổng số tiền trên 1,2 tỉ đồng nhưng sau đó chi cho các đối tượng trên 155,7 triệu đồng, số còn lại không chi cho các đối tượng được thụ hưởng.

Cả ba bị cáo còn lập hồ sơ khống để quyết toán kinh phí theo nghị định 49/2010/NĐ-CP, gồm hai phiếu chi tổng số tiền trên 1,156 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Khai và thuộc cấp còn lập danh sách các đối tượng được hưởng và giả chữ ký nhận để lập báo cáo đề nghị quyết toán toàn bộ số tiền 1,2 tỉ đồng.

Sau khi quyết toán xong, Khai đem danh sách giả đó về nhà tiêu hủy.

Riêng đối với nguồn kinh phí cứu tế xã hội trong năm 2012, Khai đã lấy tên các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, đưa cho Liễu lập 196 phiếu chi khống (Khai là người ký nhận tiền), quyết toán 97,7 triệu đồng.

Tính đến ngày bị bắt, tổng số tiền ba bị cáo làm thiệt hại cho Nhà nước là trên 2,085 tỉ đồng.

 

Theo HIỀN TRẦN

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên