Thanh Hóa bù lỗ nếu sân bay Thọ Xuân không hiệu quả
Liên quan đến những vấn đề đầu tư sân bay Thọ Xuân, chủ tịch UBND Thanh Hóa cam kết sẽ bù lỗ nếu sân bay hoạt động không hiệu quả.
Ngày 8/7, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng có cuộc làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá về các vấn đề của ngành tại địa phương này. Một nội dung nóng hổi được đề cập là vấn đề đầu tư sân bay Thọ Xuân.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã khởi công xây dựng hệ thống hỗ trợ cất, hạ cánh chính xác (ILS) trong tháng 6 vừa qua, kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 11 năm nay; đang hoàn thiện phương án kiến trúc nhà ga để khởi công xây dựng trong quý IV/2014.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã hoàn thành lắp đặt đài VOR/DME và đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 7/2013.
Phía tỉnh Thanh Hoá cũng đang đôn đốc khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục lề, bụng đường lăn, sân đỗ; đã bàn giao phần đất dân sự khu vực xây dựng nhà ga cuối tháng 5/2014; hiện đang đầu tư dự án san lấp mặt bằng để bàn giao mặt bằng thi công nhà ga hành khách cho Tcty Cảng hàng không Việt Nam trong tháng 9 tới.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Lê Nam nêu quan điểm ủng hộ. Theo ông Nam, vấn đề đầu tư sân bay Thọ Xuân không nằm ở chuyện khoảng cách không xa giữa khu vực này với các sân bay sẵn có như Nội Bài (Hà Nội), Vinh (Nghệ An) mà cần nhìn vào hiệu quả đầu tư.
Ông Nam nhận định, sân bay Thọ Xuân đã được khai thác tốt ngay từ đầu khi không phải đầu tư nhiều (sân bay xây dựng trên nền sân bay quân sự Sao Vàng). Tỉnh Thanh Hoá với dân số gần 4 triệu người, theo ông Nam “xứng đáng có một sân bay”. Ông Nam cũng hi vọng sớm có tuyến bay từ Thọ Xuân đi Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và mong Bộ GTVT ủng hộ Thanh Hoá vấn đề này.
Đại diện Cục Hàng không Đinh Việt Thắng xác nhận, tình hình hoạt động của sân bay Thọ Xuân rất tốt, 4 tháng đầu năm 2014, hiệu suất khai thác tăng 40%.
Về vấn đề mở tuyến bay tới Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, ông Thắng nhận định đây là thị trường tiềm năng vì lượng người Thanh Hoá định cư tại 2 tỉnh thành này rất lớn. Theo dự kiến, sân bay có thể khai thác 5 chuyến bay đến Đà Nẵng mỗi tuần.
Đại diện hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đánh giá, đường bay đi TPHCM từ Thọ Xuân trong thời gian qua được xem là một trong những đường bay có tốc độ phát triển nhanh nhất, với tốc độ tăng liên tục đến 40%. Hãng sẽ báo cáo Bộ về kế khoạch mở tuyến Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột trong quý III, khi hệ thống hướng dẫn đường bay hoàn thành.
Phó Tổng GĐ VietJet Air cũng cho biết, hãng hàng không này đang nghiên cứu, thành lập đơn vị nghiên cứu thị trường và thiết bị để mở đường bay tại sân bay Thọ Xuân. Ông này đề nghị Bộ GTVT đầu tư thêm hệ thống đèn đêm tại sân bay vì VietJet Air bay đêm rất nhiều.
Bộ trưởng GTVT Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan học tập mô hình đầu tư sân bay Vinh. Khi tỉnh Nghệ An cam kết sẽ bù lỗ cho nhà đầu tư nếu khai thác không hiệu quả, các hãng hàng không, các đơn vị đã mạnh dạn đầu tư. Từ đó, cảng hết lỗ, mức tăng trưởng hiện tại lên tới 68%/năm (ngang với sân bay Đà Nẵng).
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định đã thực hiện đầy đủ, hoàn thành trách nhiệm của mình, sẽ tạo mọi điều kiện cho các hãng tham gia khai thác tại sân bay Thọ Xuân. “Chúng tôi cam kết cùng Vietnam Airlines là lỗ thì chúng tôi cùng gánh” - ông Chiến tán thành ngay gợi ý của Bộ trưởng Thăng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những mâu thuẫn trong chính sách đầu tư của sân bay Thọ Xuân.
Hiện nay công suất khai thác thực tế của sân bay Thọ Xuân là 100.000 hành khách/năm.
Theo quy mô thiết kế và khai thác nhà ga nhằm phục vụ các chuyến bay nội địa đến năm tính toán 2020, công suất tính toán 600.000 hành khách/năm (công suất khai thác thực tế có thể lên đến 1 triệu hành khách/năm).
Phương án mở rộng khi công suất tăng cao (dự kiến sau năm 2030) sẽ mở rộng nhà ga đạt diện tích 7.500m2, nâng công suất tính toán lên 1 triệu hành khách/năm (công suất khai thác thực tế 2 triệu hành khách/năm).
Có nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư dự án tính đến hiệu quả kinh tế là không khả thi do số lượng hành khách tại Cảng hàng không Thọ Xuân là quá thấp và mức độ tăng trưởng dự báo đến năm 2030 mới chỉ đạt mức 1 triệu hành khách/năm.
Câu chuyện đầu tư cho sân bay vốn nhận được nhiều ý kiến phản biện trong suốt thời gian qua bởi thực tế con số nợ công đang ngày một tăng lên và việc thắt chặt chi tiêu nhất là các dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang được đặt ra.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 vừa diễn ra, nhiều đại biểu cũng lên tiếng về vấn đề này và đồng thuận với Chính phủ về gói giải pháp trong những tháng còn lại năm 2014, trong đó “ tiếp tục siết chặt chi tiêu công, thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” trong giai đoạn hiện nay.
Trên thực tế, nói như đại biểu Quốc hội Lê Văn Học thì đang có tình trạng: lạm phát sân bay. Có những sân bay chỉ cách nhau 100km như sân bay Nội Bài - Cát Bi - Thanh Hóa.
Hiện chỉ riêng 14 tỉnh, thành miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có đến 9 sân bay. Nhiều địa phương khác cũng đang xin làm sân bay. Mật độ sân bay quá dày đặc nhưng hiệu quả khai thác rất thấp
Riêng khu vực Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh) có các sân bay đang hoạt động là Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình) và Phú Bài (Thừa Thiên - Huế).
“Chúng ta không thể dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch, gây lãng phí, hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội”, ông Lê Văn Học kết luận và đề nghị Chính phủ cần có sự điều chỉnh lại quy hoạch ngành hàng không.
>>>600 tỷ đồng xây dựng Cảng hàng không Thọ Xuân Thanh Hóa
Theo An Nhiên