MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh lọc công chức phải xóa bỏ xuề xòa, “gửi gắm”

28-04-2015 - 15:47 PM | Xã hội

Cái duy tình, dễ dãi, xuề xòa, các mối “quan hệ gửi gắm” trong tuyển chọn và đánh giá cán bộ công chức cần đẩy lùi triệt để mới giúp thanh lọc công chức không làm được việc

Có thể nói, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước.

Càng tinh giản càng phình to

Trước đó, hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XI tại Hà Nội vào tháng 1, cũng đưa ra bàn bạc và thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề tinh giản biến chế của bộ máy hành chính công.

Trong tháng 11 năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, bước đi đầu tiên để thực hiện lộ trình chiến lược cải cách hành chính của Chính phủ đến năm 2020. Theo đó, đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị loại khỏi biên chế và Chính phủ dự kiến chi khoảng 8.000 tỉ đồng để giải quyết chế độ. Những diễn biến dồn dập nêu trên cho thấy tính cấp thiết của việc tinh giản biên chế của hệ thống chính trị nước nhà hiện nay.

Được biết, trong vòng 10 năm lại đây, Chính phủ đã 4 lần thực hiện tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhưng có một thực tế đáng buồn là càng tinh giản biên chế thì bộ máy hành chính nhà nước càng phình to. Hiện tại, cả nước có đến 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng với đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới con số 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước, cao hơn nhiều so với số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước của Trung Quốc, chỉ chiếm 2,8%.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 8 khóa XIII mới đây, ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nêu số lượng cấp phó ở cấp bộ, ngang bộ đã mọc ra quá nhiều. Hằng năm, kế hoạch biên chế công chức của các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ luôn đề nghị tăng từ 9-11% so với biên chế công chức giao của năm trước. “Bộ máy hành chính nhà nước của ta công kềnh là vì ở ta chưa có cơ chế chịu trách nhiệm về chất lượng nhân sự một cách rõ ràng” – ông Bình nhận xét.

Phải đẩy lùi cái duy tình

Lâu nay, công tác đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều cơ quan, đơn vị thiếu trung thực, khách quan, không phản ánh đúng tình hình. Theo báo cáo, tổng hợp của Bộ Nội vụ, năm 2013 chỉ có 0,46% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Trong thực tế, số công chức, viên chức không được việc, sớm cắp ô đi, chiều cắp ô về…còn nhiều hơn thế; có số liệu báo cáo là 30%.

Cán bộ UBND quận Tân Bình - TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tấn Thạnh
Cán bộ UBND quận Tân Bình - TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Tấn Thạnh

Rõ ràng, bộ máy hành chính công của chúng ta quá cồng kềnh, nặng nề và hiệu quả thấp nên cần có kế hoạch, giải pháp tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, lấy chất lượng, hiệu quả làm đầu. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước trong tình hình hiện nay sẽ không đơn giản và không dễ dàng thực hiện được đúng lộ trình, bởi còn quá nhiều rào cản hữu hình và vô hình trong bộ máy, trong văn hóa, trong con người Việt.

Do vậy, theo chúng tôi, đã đến lúc Chính phủ và các cơ quan từ trung ương tới địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thanh lọc tổ chức bộ máy hành chính; từng bước nghiên cứu và ban hành cơ chế người đứng đầu chịu trách nhiệm về nhân sự để bịt các “lỗ hổng”, nhất là trong tuyển đầu vào, trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức thi tuyển chặt chẽ và tổ chức sát hạch chất lượng công việc của các nhân sự công bằng, khách quan. Làm đồng bộ, thường xuyên, đến nơi đến chốn từ trung ương tới địa phương, mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nơi nào, địa phương nào không làm hoặc làm đối phó, hình thức thì có hình thức xử lý, kỷ luật thật nặng, thật nghiêm.

Nói đi đôi với làm. Cái duy tình, dễ dãi, xuề xòa, các mối “ quan hệ” khác, trong tuyển chọn và đánh giá nhân sự, công chức, viên chức cần đẩy lùi triệt để, xây dựng quy trình tuyển dụng và giám sát, kiểm tra một cách chặt chẽ, minh bạch, thống nhất. Tiến đến, cơ quan, đơn vị nhà nước, năm nào cũng có tuyển mới (để chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt) và sẵn sàng sa thải, loại dần những cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc, dựa trên các tiêu chí, phân loại cán bộ cụ thể, công khai, giao toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị ấy.

Chỉ có vậy, mới xây dựng được một bộ máy hành chính, chính trị gọn nhẹ, làm việc minh bạch, năng động, hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Chỉ có vậy, lương bổng, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mới khấm khá lên.

Theo Đỗ Tấn Ngọc

PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên