Thấy gì từ danh sách sơ bộ các bộ trưởng lên “ghế nóng”?
Với mỗi kỳ họp Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động được nhiều cử tri quan tâm nhất, ngay từ khâu chọn người lên “ghế nóng”.
- 19-11-2014Chất vấn Bộ trưởng LĐTB-XH về tình trạng thất nghiệp, nợ đọng bảo hiểm
- 18-11-2014Tăng lương và biên chế - Hứa hẹn làm "nóng" phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ
- 22-09-2014Sẽ chất vấn Bộ trưởng TN-MT và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Kỳ họp này, thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn chỉ là hai ngày rưỡi, từ sáng 11/6 đến trưa 13/6, ít hơn kỳ họp thứ 8 nửa ngày.
Thời gian này chỉ đủ cho khoảng 4 vị bộ trưởng đăng đàn, và chọn ai vẫn sẽ là câu hỏi không dễ có câu trả lời.
Ba tiêu chí
Một quy trình chi tiết về chọn người chất vấn chưa bao giờ là thông tin dễ tiếp cận. Song ghi chép, tổng hợp qua nhiều kỳ họp gần đây thì có thể hình dung (có thể chưa thực sự đầy đủ) theo các bước như dưới đây.
Đầu mỗi kỳ họp Quốc hội, các vị đại biểu đều được yêu cầu gửi sớm chất vấn bằng văn bản về đoàn thư ký kỳ họp.
Từ các chất vấn này và trên cơ sở thảo luận về kinh tế xã hội, ý kiến kiến nghị của cử tri và tình tình thực tế, đoàn thư ký kỳ họp sẽ tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung chất vấn và danh sách trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn bạc, thống nhất, đoàn thư ký kỳ họp sẽ gửi phiếu xin ý kiến về dự kiến danh sách người trả lời chất vấn và nội dung chất vấn tới các vị đại biểu.
Danh sách này thường đưa danh tính 5 vị bộ trưởng, trưởng ngành, và sẽ đề nghị đại biểu chọn 4 vị đăng đàn trực tiếp.
Kết quả thăm dò sẽ là một trong những cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cuối cùng, sau khi đạt được sự thống nhất với Thủ tướng về chương trình chất vấn.
Ở các kỳ họp trước, khi gửi phiếu thăm dò, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường nêu ba tiêu chí để dự kiến người trả lời chất vấn.
Một là người phụ trách lĩnh vực có những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm; hoặc có vấn đề đã được chất vấn nhưng trong thực tế chỉ đạo, điều hành, chuyển biến còn chậm.
Hai, trong những kỳ họp gần đây có đại biểu Quốc hội chất vấn, nhưng chưa được trực tiếp trả lời chất vấn.
Và ba là “đảm bảo hài hòa” giữa các lĩnh vực.
Danh sách sơ bộ
Đối chiếu với những tiêu chí này thì có vẻ như đề xuất ban đầu của đoàn thư ký kỳ họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp này đã đáp ứng được phần nào, khi danh sách 5 vị bộ trưởng được chọn gồm bộ trưởng các bộ: Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong số này, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa đăng đàn tại kỳ họp thứ 8, nhưng ông luôn là người nhận được nhiều chất vấn bằng văn bản nhất của đại biểu Quốc hội.
Lĩnh vực mà ông phụ trách cũng đang rất nóng với khó khăn trong tiêu thụ nông sản, những thách thức của hội nhập…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang dẫn đầu về số lần nên “ghế nóng”, nhưng tam nông đã, đang là mối quan tâm lớn khi nền nông nghiệp đang đối mặt với thách thức to lớn.
Vị “tư lệnh” ngành khoa học và công nghệ thì chưa lần nào được lên “ghế nóng”, dù cũng đã đôi lần vào danh sách dự kiến.
Hai vị còn lại đều đã có cơ hội trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội song lĩnh vực mà họ phụ trách vẫn còn rất nhiều vấn đề khiến đại biểu và cử tri băn khoăn, lo lắng.
Tất nhiên, đó mới chỉ là dự tính sơ bộ bước đầu, và chưa hẳn cả 5 vị này sẽ đều có tên trong phiếu thăm dò.
Một số vị đại biểu cũng cho biết họ muốn chất vấn các thành viên Chính phủ khác, và muốn một cách làm khác trong việc chọn người chất vấn.
Để đại biểu “chấm”?
"Theo tôi, phiếu thăm dò nên để danh sách toàn bộ các vị mà luật quy định phải trả lời chất vấn trước Quốc hội, sau đó đại biểu “chấm” ai nhiều nhất thì chọn người đó", Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, bà Trương Thị Huệ bày tỏ quan điểm.
Cách làm này là khách quan nhất và thực sự dân chủ, đại biểu Huệ nhấn mạnh.
Vẫn theo đại biểu Huệ thì chọn người để chất vấn trực tiếp dựa trên số chất vấn bằng văn bản mà vị đó nhận được là không hợp lý, vì một khi đã gửi phiếu chất vấn rồi thì đại biểu sẽ không nêu lại ở phiên chất vấn trực tiếp nữa.
Đại biểu là đại diện cho dân, nên đương nhiên sẽ chọn vấn đề cử tri đang bức xúc để chất vấn, và nhiều đại biểu chọn có nghĩa là vấn đề đó đáng để đem ra chất vấn, bà Huệ lập luận.
Để đại biểu lựa chọn từ danh sách tất cả các vị bộ trưởng, trưởng ngành cũng là quan điểm của một số vị đại biểu khác, từ những kỳ họp trước.
Tuy nhiên, với sự khởi động như đã nói trên, thì có vẻ như quy trình chọn người chất vấn vẫn sẽ chưa có nhiều thay đổi trong kỳ họp này.