MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Theo đuổi giấc mơ lọc - hóa dầu

03-02-2014 - 19:43 PM | Xã hội

Càng gần thời điểm trình duyệt dự án khả thi (dự kiến vào tháng 5.2014), thông tin về tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (THLHD Nhơn Hội) dường như càng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

Giữa chốn ba quân thiên hạ, giới chức Bình Định không còn hào sảng phát ngôn như trước. Nghe đâu, đã có lời khuyên từ một số người nhiều ảnh hưởng rằng "làm hay hơn nói giỏi" và rằng, hãy nhường câu chuyện "sư nói sư phải" cho các chuyên gia...

Dẫu kín hay hở thì có vẻ như việc quy hoạch Nhơn Hội cho mạng lưới dầu khí quốc gia đã được đặt vào tình thế khó bề đảo ngược. Trả lời đại biểu Quốc hội ở kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đây là dự án do Chính phủ Thái Lan giới thiệu. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - thăm Bình Định đầu tháng 12 vừa qua, bên cạnh việc căn dặn "lấy nông nghiệp nuôi công nghiệp" - đã hối thúc địa phương, ngay từ bây giờ nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao như là cách đón đầu thời cơ lọc-hóa dầu đang cận kề phía trước.

Quyết tâm như núi

Hóa dầu là nỗi khát khao không phải chỉ mới hôm qua của các thế hệ lãnh đạo Bình Định. Nó đặc biệt náo nức khi con dân đất võ "trông Bắc, trông Nam" đã thấy sừng sững hiện lên một Dung Quất sục sôi náo nhiệt, hay một Vũng Rô tất bật chạy tới chạy lui. Nhớ hồi Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội mới ra đời, có doanh nghiệp Nga dọc đường khảo sát cơ hội đầu tư chỉ mới thì thào năm câu ba sợi thì ngay tức khắc, thông cáo chính thức đã vồ vập như là dự án đang triển khai tỉ nọ tỉ kia.

Trước khi Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) nhập cuộc, dự án công suất 6 triệu tấn/năm từ một đối tác Thái khác cũng được đưa ra cân nhắc. Có thể nói, cùng với sự hình thành của KKT Nhơn Hội, viễn cảnh lọc hóa dầu (LHD) gần như chưa lúc nào vuột khỏi tầm mắt các nhà quản lý địa phương.

Nhưng, phải đến PTT thì cuộc hôn phối giữa LHD với nắng gió bán đảo Phương Mai mới thành câu chuyện tốn hao giấy mực. Ủng hộ và chống, đấy gần như là hai chiều chủ đạo bao trùm dự án chưa kịp tượng hình này trong năm 2013. Nếu như Bình Định coi cơ hội do PTT mang lại như cánh cửa lớn nhất từ trước đến nay giúp khắc chế thách thức tụt hậu, thì cũng có những thực thể đầy quyền năng của nền kinh tế săm soi nó như là một mối nguy cơ

. Thời điểm Bộ Công thương được ủy nhiệm tập hợp ý kiến trình Chính phủ, từng có bộ, ngành... "thủ thế" bằng cách im lặng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, địa chỉ mà PTT dự kiến "bắt tay cùng thắng" thậm chí chẳng cần "tế nhị" như thế. PVN, bằng thông điệp gửi qua truyền thông và nhất là bằng công văn số 566/DKVN-CBDK cho thấy ý chí quyết liệt trong việc ngăn chặn cố gắng khai sinh THLHD Nhơn Hội. Từ chỗ xem quy hoạch như "cây gậy" nhất thành bất biến, PVN nhắc nhớ tới sứ mệnh độc tôn của mình đối với "mục tiêu đến 2025 hoàn thành và vận hành 3 trung tâm lọc hóa dầu tại Việt Nam".


"Ngoài công tác đầu tư xây dựng, PVN có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của NMLD Dung Quất và Liên hợp LHD Nghi Sơn cũng như thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết với các dự án này. PVN cho rằng việc bổ sung Dự án NMLHD Nhơn Hội sẽ tác động đến cán cân năng lượng, dư thừa nguồn cung tại thị trường nội địa, trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu sản phẩm từ LHLHD Nghi Sơn của PVN, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại NMLD Dung Quất và LHLHD Nghi Sơn"...

Và đề nghị Bộ Công thương xem xét tính khả thi của dự án, tránh tình trạng một số dự án NMLD tại Việt Nam mặc dù được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai do khó khăn về vốn và năng lực các bên tham gia như NMLD Cần Thơ, NMLD Nam Vân Phong".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, lý do không chấp nhận cạnh tranh của PVN có thể xuất phát từ nhu cầu bảo hộ lợi ích doanh nghiệp. Năng lực, hiệu quả đầu tư của PTT là câu hỏi cần được giải đáp nhưng đó là bài toán giữa chủ nhà với nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần chấp nhận cạnh tranh. TS Trần Du Lịch kêu gọi: "Phải từ bỏ lối tư duy tự cung tự cấp, kiểu phân chia thị trường theo đơn vị hành chính. Đã đến lúc Việt Nam đi vào thị trường toàn cầu, sản phẩm làm ra không chỉ loay hoay trang trải nhu cầu nội tiêu".

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, khi được hỏi, đã ý nhị: "PVN không gửi văn bản cho chúng tôi. Tuy nhiên, LHD Nhơn Hội là dự án lớn, cần được tiếp cận trên cơ sở lợi ích quốc gia. Tôi có niềm tin sâu sắc rằng quyết tâm của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan và lãnh đạo Bình Định sẽ nhận được sự chia sẻ tích cực từ người dân cả nước; sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ cũng như các bộ ngành hữu quan".

Ông Lộc nói thêm về mức độ khả tín của dự án: "Từ 2011 đến nay, chúng tôi làm việc hàng tuần, hàng tháng với nhà đầu tư. Cam kết của PTT được xác nhận ở cấp cao nhất. Nếu không quyết tâm và thực sự nghiêm túc, họ đâu chịu đổ vào đây cả núi công sức, tiền của".

Phó Tổng giám đốc PTT Sukrit Surabotsopon giải thích lý do: "Kế hoạch xây dựng một dự án như vậy đã thành hình trong chiến lược tập đoàn cách đây 5 năm. Ban đầu chúng tôi dự kiến đặt nó ở Thái Lan. Tuy nhiên, trong bối cảnh ASEAN sẽ thành cộng đồng kinh tế thống nhất từ 2015, một cơ sở hướng tới xuất khẩu sao không xây dựng gần thị trường hơn để tiết kiệm chi phí vận chuyển, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ? Với vai trò là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, Quy Nhơn - Nhơn Hội chính là địa chỉ chúng tôi tìm kiếm"

Thẳng tiến

Cuộc họp báo hồi tháng 8.2013 là dấu mốc đưa thông tin về dự án đi xa hơn những đồn đoán hậu trường. Một công đôi việc, bởi cũng ở đây, kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn đã được PTT công bố. Không ngạc nhiên khi báo cáo nghiên cứu khả thi được trao tay cho những tên tuổi hàng đầu thế giới: Mc Kinsey & Company (Hoa Kỳ) - tư vấn chiến lược/quản lý dự án; Foster Wheeler (Đức) - tư vấn kỹ thuật; HIS - tư vấn thương mại. "Quý vị sẽ biết nhà tư vấn tài chính vào cuối năm nay.

Chúng tôi có 9 tháng lập dự án khả thi chi tiết. Nếu được phê duyệt, PTT lập tức chuyển sang giai đoạn hoàn tất thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), thiết kế chi tiết - mua sắm - xây dựng (EPC). Đầu 2020, dự án sẽ cho ra dòng sản phẩm đầu tiên. Nhờ sử dụng công nghệ hiện đại và ưu thế tích hợp lọc - hóa dầu ngay từ đầu, chúng tôi hy vọng tạo ra sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh với các trung tâm LHD ở Hàn Quốc, Singapore"- ông Sukrit Surabotsopon thông báo trong lần đầu ra mắt công chúng.


Dự án quy mô toàn cầu mà PTT kiên trì theo đuổi có hình hài ra sao? Trước hết, nó hứa hẹn xác lập một kỷ lục đầu tư gây nhiều nghi hoặc: 25 - 30 tỉ USD. Theo đề xuất ban đầu, Nhơn Hội là mô hình tích hợp ở mức độ cao giữa lọc và hóa dầu, giúp tối ưu hóa khả năng khai thác công nghệ. Dự án có công suất 660.000 thùng dầu/ngày, tương đương 33 triệu tấn/năm. THLHD Nhơn Hội dự kiến có 2 nhánh sản phẩm chính, gồm 325.500 thùng dầu/ngày cùng 6,5 triệu tấn Olefins và 3,5 triệu tấn dầu hóa dẻo/năm.

Sử dụng dầu thô từ 3 nguồn cung cấp chính là Trung Đông, Châu Phi, Nam/Trung Mỹ, dự án ngoài phần tiêu thụ nội địa, sẽ hướng sự quan tâm của mình đến các thị trường đang lên ở Châu Á. Trả lời câu hỏi về khả năng thu xếp tài chính, đại diện chủ đầu tư cho biết: "Khó khăn không phải là tiền ở đâu mà khả năng cạnh tranh như thế nào. Cty tư vấn chúng tôi có quan hệ với 70% khách hàng lớn thế giới. Chúng tôi xây dựng năng lực cạnh tranh chứ không đi tìm ưu đãi hay là sự chống lưng".

Guồng máy đang chạy đều. Phía Bình Định ngoài việc dọn sẵn 2.000 ha đất sạch ở khu công nghiệp, khu phi thuế quan KKT Nhơn Hội; chuẩn bị môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật; thúc đẩy liên kết đào tạo giữa Đại học Quy Nhơn với Đại học Prince of Songkla (Thái Lan), giữa Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành của GS Trần Thanh Vân với các cơ sở đào tạo lớn của cả nước... PTT cũng sốt sắng không kém: Báo cáo dự án lên Bộ Năng lượng Thái Lan nhằm tranh thủ ủng hộ từ Chính phủ nước này; tiếp xúc, mời gọi đối tác chiến lược từ Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông...

Đầu tháng 11.2013, Rosneft (tập đoàn dầu khí lớn của Nga, mỗi năm chế biến tới 250 triệu tấn dầu, lợi nhuận gần 3 tỉ USD) đã tìm đến Quy Nhơn thảo luận cơ hội đầu tư. Đại diện Rosneft, ông Igor Soglayev, cho rằng dự án THLHD Nhơn Hội là hoàn toàn khả thi và Rosneft thực sự mong muốn làm một trong những đối tác chiến lược của PTT. Điều các nhà đầu tư Nga còn chờ đợi là sự minh bạch về chính sách ưu đãi và mức độ cải thiện nhiều hơn về hạ tầng kinh tế - xã hội.

Trên thực địa, Foster Wheeler đang phối hợp với Royal Haskoning (Hà Lan) tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, thủy hải văn khu vực triển khai dự án. Toàn bộ công đoạn khảo sát, phân tích địa hình, địa chất hoàn thành trong tháng 1.2014. "Tiến trình lập dự án khả thi đang triển khai. Giờ chưa phải thời điểm thích hợp để đánh giá. Hãy xem nhà tư vấn thuyết phục Chính phủ Việt Nam và chủ đầu tư ra sao, tác động của dự án đến tổng thể kinh tế - xã hội cả nước như thế nào" - TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn dự án khuyến cáo.

Theo Đỗ Anh Quân

cucpth

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên