MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thi tuyển lãnh đạo: Sẽ hết cửa 'chạy'

31-03-2015 - 14:43 PM | Xã hội

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn tin tưởng rằng đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo sẽ chống được tiêu cực chạy chức chạy quyền.

Một số địa phương, bộ ngành như Quảng Ninh, Bộ GTVT đã thí điểm thi tuyển các chức danh, thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý. Ông đánh giá thế nào về việc thí điểm này?

Đây là bước đầu thực hiện thí điểm để đổi mới phương thức tuyển chọn theo hướng mở rộng đối tượng đăng ký dự tuyển, mở rộng công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, góp phần thực hiện quyết định của Thủ tướng về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức.

Bộ Nội vụ luôn ủng hộ việc thực hiện thí điểm này. Vì thông qua thí điểm, có thể rút kinh nghiệm để hoàn thiện Đề án đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý.

Đề án của Bộ có đưa ra quy chuẩn chung cho thi tuyển để đảm bảo tính thống nhất không, thưa ông?

Việc thực hiện thí điểm vẫn phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ và cần phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ; cần được hướng dẫn thí điểm theo quy trình thống nhất về đối tượng, phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, nội dung, hình thức thi.

Thời gian qua, có tình trạng khác nhau trong quá trình tổ chức thi tuyển ở các bộ, ngành, địa phương về phạm vi, đối tượng đăng ký dự tuyển, nội dung thi, thành phần giám khảo...

Hiện nay, Đề án thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng đã được Thủ tướng đồng ý, Bộ Nội vụ đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Khi Đề án được phê  duyệt, đây sẽ là cơ sở để Bộ Nội vụ đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng cho phép hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo một quy trình thống nhất.

Công khai, thực tài

Dư luận lo ngại làm thế nào để việc thi tuyển đảm bảo cạnh tranh, công bằng, khách quan, tránh tình trạng chạy chọt, đưa người nhà lọt vào danh sách trúng tuyển?

Nguyên tắc công bằng, khách quan trong công tác bổ nhiệm luôn được quy định và thực hiện từ trước đến nay. Trong đó có việc đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền bổ nhiệm, thông qua sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của quần chúng và các tổ chức đoàn thể. Việc thí điểm thi tuyển không chỉ nhằm thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc này mà còn bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai, nguyên tắc thực tài.

Trong thí điểm, có nhiều nội dung được thực hiện để bảo đảm các nguyên tắc này, như việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhu cầu, chức danh cần tuyển; về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển. Hội đồng giám khảo được mở rộng gồm cả đại diện cấp ủy Đảng, đại diện lãnh đạo, các nhà quản lý có kinh nghiệm, các tổ chức đoàn thể... và phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ để đánh giá một cách khách quan, công bằng.

Hơn nữa, tại địa điểm thi, mọi người dân quan tâm đều có thể vào dự, như thế sẽ bảo đảm cả sự giám sát của nhân dân.

thi tuyển lãnh đạo, bộ nội vụ, chạy chức, Trần Anh Tuấn

6 ứng viên dự thi tuyển chức Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, tháng 8/2014

Như cách làm của Quảng Ninh, họ giao đề án cho các thí sinh chuẩn bị và thuyết trình trước ban giám khảo gồm Ban thường vụ, cơ quan có đối tượng thi tuyển, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức nhà nước và các nhà khoa học, chuyên gia. Ông thấy như vậy đã đảm bảo được tính khách quan, trung thực chưa?

Tôi tin rằng, cấp có thẩm quyền khi lựa chọn cũng đều đã cân nhắc, thận trọng để cử những người xứng đáng, đủ trách nhiệm làm giám khảo. Vừa qua, cách làm của Quảng Ninh, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT.. đều là kinh nghiệm quý, để nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hoàn thiện Đề án.

Thi tuyển không hạn chế ai

Tại hội nghị trực tuyến về cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức mới đây, một số bộ ngành, địa phương có đề xuất nên mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn để thu hút người tài hơn nữa, nhất là đối với những cán bộ trẻ có năng lực nhưng lại thiếu một số điều kiện về chính trị…?

Điều này tùy thuộc vào cấp ủy nơi thi tuyển. Nếu cấp ủy đồng ý thì bất cứ ai cũng tham gia thi tuyển được chứ không hạn chế người này người kia.

Có ý kiến cho rằng thi tuyển sẽ mở rộng thêm cánh cửa để thu hút người trẻ tham gia đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Chúng tôi thì nghĩ rằng, đấy mới là một khía cạnh, đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua kỳ thi còn tạo ra cơ hội như nhau đối với mọi người, không kể tuổi trẻ hoặc đã có tuổi, miễn là có đủ phẩm chất và năng lực.

Những người đã làm việc lâu năm trong cơ quan, có kinh nghiệm công tác, cũng có cơ hội để thể hiện tài năng của mình bên cạnh những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu thêm nội dung, hình thức thi như thế nào để có thể "đo lường" chính xác phẩm chất, năng lực lãnh đạo quản lý của người dự tuyển. Nếu chỉ trình bày chương trình hành động thôi chẳng hạn thì có lẽ cũng chưa thể đánh giá được toàn diện các tố chất của người đó.

Cũng cần bổ sung thêm cả cơ chế đào thải, miễn nhiệm đối với những người đã được bổ nhiệm nhưng không đáp ứng yêu cầu ở vị trí lãnh đạo, quản lý.

Vậy theo ông, có nên mở rộng các chức danh thi tuyển?

Tôi nghĩ nếu tổ chức thí điểm thì chỉ thực hiện thí điểm đối với một số chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Việc thí điểm thi tuyển chức danh nào là do các bộ, ngành, địa phương tự lựa chọn và quyết định theo thẩm quyền.

Sau một thời gian thí điểm, sẽ tổng kết thực tiễn để hoàn thiện phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tôi tin tưởng rằng, thông qua đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý sẽ góp phần  lựa chọn được những người xứng đáng, có đức, có tài bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo trong nền công vụ, phòng chống được tiêu cực mà dư luận lo ngại lâu nay về "chạy chức chạy quyền", hay “sống lâu lên lão làng”.

>>>Hà Nội nghiên cứu “thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo”

Theo Thu Hằng

PV

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên