MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Trung Quốc thăm Việt Nam từ ngày 13/10

13-10-2013 - 15:52 PM | Xã hội

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13-15/10/2013.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc kể từ khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới và có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường, củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Là một nước láng giềng của Việt Nam với diện tích 9,6 triệu km2 và dân số hiện nay 1,34 tỷ người, sau 30 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội: GDP tăng trưởng bình quân hàng năm 9,8%, năm 2008 đạt 30.067 tỷ Nhân dân tệ (hơn 4.400 tỷ USD), vượt Đức lên vị trí thứ 3 thế giới; ngoại thương Trung Quốc từ 20,6 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới năm 1978 vươn lên thứ 3 thế giới vào năm 2004.

Năm 2010, Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với GDP tăng 10,3%, đạt 5879,1 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2013, GDP của Trung Quốc đạt 24.800,9 tỷ Nhân dân tệ; kim ngạch thương mại 125.100 tỷ Nhân dân tệ. Trung Quốc đã lần lượt vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, vượt Mỹ trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới, vượt Iran trở thành nước sản xuất dầu mỏ thứ 4 thế giới và năm 2010, vượt Mỹ trở thành nhà chế tạo lớn nhất thế giới.

Về đối ngoại, Trung Quốc khẳng định kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình. Với khu vực, Trung Quốc đặt trọng tâm vào các nước láng giềng, đẩy mạnh chính sách “Mục lân, an lân, phú lân” (hữu nghị với láng giềng, yên ổn với láng giềng và làm giàu với các nước láng giềng).

Hiện nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc và ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt-Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đến nay, hai nước đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Trao đổi đoàn ở trung ương và địa phương ngày càng tăng, hàng năm hai bên trao đổi trên 200 đoàn, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước. Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng.

Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được đẩy mạnh với việc hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác. Quan hệ giữa các địa phương hai bên cũng được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm...

Giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước cũng được tăng cường thông qua các cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên, liên hoan hữu nghị nhân dân...

Về hợp tác kinh tế, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Trung đạt 41,2 tỷ USD; trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD, đều tăng so với 2011. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã và đang có những chuyển biến tích cực.

Từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp xuất sang trung Quốc có xu hướng tăng dần, vượt qua nhóm hàng truyền thống nông lâm thủy sản. Tám tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt 31,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 8,44 tỷ USD.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã dành nhiều thời gian trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kim ngạch song phương đi đôi với cải thiện cán cân thương mại. Hai bên đã ký “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016."

Quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước có bước phát triển mới, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Đến hết tháng 8/2013, Trung Quốc có 934 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt 4,79 tỷ USD, đứng thứ 13 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong những năm qua, Trung Quốc không ngừng tăng qui mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam.

Đến nay, Trung Quốc đã cho Việt Nam vay 1,6 tỷ USD ưu đãi tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt, hóa chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại dùng vào việc tổ chức các đoàn khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội ở Trung Quốc, giao lưu thanh thiếu niên, đầu tư trang thiết bị cho một số bệnh viện tại Việt Nam.. .

Việc trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa-thể thao trong những năm qua cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Trung Quốc cung cấp và duy trì 130 học bổng dài hạn và 10 học bổng thực tập sinh ngắn hạn cho Việt Nam.

Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng. Trung Quốc có trên 3.500 học sinh đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành tiếng Việt, du lịch và kinh doanh.

Hai bên đang tích cực triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015. Về hợp tác du lịch, Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch lớn nhất của Việt Nam. Những năm gần đây, hàng năm có khoảng 1 triệu du khách Việt Nam thăm Trung Quốc.

Vấn đề biên giới lãnh thổ luôn được hai nước quan tâm. Sau khi bình thường hóa quan hệ, năm 1993, hai bên đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển (Biển Đông).

Đến nay, hai bên đã ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền (1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000); Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000); Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004).

Cuối năm 2008, hai bên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đúng thời hạn lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Hai bên đã công bố Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu. Hai bên đang tiến hành đàm phán để sớm ký Hiệp định về quy chế về tàu thuyền qua lại tự do tại cửa sông Bắc Luân và Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc.

Hai Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ) được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi dần đi vào nề nếp, hạn chế tối đa các xung đột có thể nảy sinh.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần trao đổi về vấn đề Biển Đông. Trong khuôn khổ đa phương, ASEAN, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc...

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trao đổi các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Cùng đi với Thủ tướng Lý Khắc Cường có: ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao; Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển Cải cách Nhà nước Từ Thiệu Sử; Bộ trưởng Bộ Thương mại Cao Hổ Thành; Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Bành Thanh Hoa; Phó Tổng Thư ký Quốc vụ viện Tiêu Tiệp; Trưởng Ban Nghiên cứu Quốc vụ viện Ninh Cát Triết; Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội Khổng Huyễn Hựu; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lưu Chấn Dân;

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Dị Cương; Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thạch Cương.


Theo Đỗ Quyên

thunm

Vietnamplus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên