MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH

16-01-2016 - 18:15 PM | Xã hội

Sáng nay (16/1), UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội...

Tại buổi làm việc sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, theo chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp phiên mở rộng để thẩm tra dự thảo Nghị quyết theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tham dự phiên họp có đại diện của Thường trực Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội, Bộ Nội vụ, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Sau khi nghe đại diện Ban thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN trình bày báo cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung quy định chi tiết một số quy định của Luật bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND (gọi tắt là Luật bầu cử) về việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu QH, ứng cử Hội đồng nhân dân như dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, về thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri, Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát, xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri ở nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu QH và ứng cử đại biểu HĐND để phù hợp hơn với cơ cấu tổ chức và tính chất hoạt động của từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời thuận tiện hơn cho việc áp dụng.

Đối với số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú, dự thảo nghị quyết quy định cụ thể số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú đối với nơi có dưới 100 cử tri, nơi có từ 100 đến 200 cử tri và đối với nơi có trên 200 cử tri trở lên.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cần thiết trong bối cảnh tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa nhưng công tác tổ chức lấy ý kiến cần thiết thực, tránh hình thức, lãng phí và quan trọng là phải bảo đảm phù hợp với tiến độ và thời gian chuẩn bị bầu cử đã được Luật quy định.

Mặt khác, việc phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự hội nghị cũng là yêu cầu khá cao, nhất là đối với những nơi có số lượng cử tri lớn. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành để có hướng dẫn linh hoạt, mềm dẻo hơn, phù hợp với tình hình thực tế ở nông thôn, miền núi, hải đảo…

Về việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Luật bầu cử giao trách nhiệm cho UBTV Quốc hội hướng dẫn hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu QH, ứng cử đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung. Vì vậy, Nghị quyết của UBTV Quốc hội cần cụ thể hóa nội dung này mà không dẫn chiếu ngược trở lại quy định của Luật bầu cử hay giao tiếp cho cơ quan khác thực hiện việc quy định chi tiết.

Hơn nữa, do Luật quy định thời gian để thực hiện việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung ngắn hơn rất nhiều so với trong các cuộc bầu cử thường lệ nên đảm bảo yêu cầu về thời gian, các bước, công đoạn trong hiệp thương, giới thiệu người ứng cử cần được rút gọn và đơn giản hóa hơn.

Do đó, việc dự thảo Nghị quyết yêu cầu công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử phải được tổ chức và thực hiện đúng, đầy đủ theo các bước quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương V của Luật bầu cử là không khả thi và khó có thể đảm bảo tiến độ như Luật định.

Quy định phải có 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự hội nghị là khá cao

Tham dự phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Văn Pha đã tiếp thu và giải trình thêm một số ý kiến của dự thảo về thẩm quyền chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri.

Theo ông Pha, hiện có ý kiến đề nghị rà soát, xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm chủ trì và triệu tập hội nghị cử tri ở nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu QH và ứng cử đại biểu HĐND.

Về vấn đề này, Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng, nội dung quy định tại khoản 1, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết được quy định chi tiết trên cơ sở rà soát kỹ quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có kế thừa nghị quyết liên tịch giữa UBTV Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN. Quy định như dự thảo là hoàn toàn phù hợp với quy định của luật.

Về số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri ở nơi công tác và nơi cư trú đối với nơi có dưới 100 cử tri, nơi có từ 100-200 cử tri và đối với nơi có trên 200 cử tri trở lên.

Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQVN cho biết, đa số ý kiến cho rằng, công tác tổ chức lấy ý kiến cần thiết thực, tránh hình thức và quan trọng là phải phù bảo đảm phù hợp với tiến độ và thời gian chuẩn bị bầu cử đã được Luật quy định.

Mặt khác, việc phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc trên 50% tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham dự hội nghị cũng là yêu cầu khá cao, nhất là đối với những nơi có số lượng cử tri lớn.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng tình như dự thảo và cho rằng việc thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri đối với người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND là cần thiết trong bối cảnh tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Có ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định rõ từng trường hợp cụ thể đối với những hội nghị có nhiều người ứng cử, hội nghị có nhiều người đồng thời là địa biểu QH, đại biểu HĐND, hội nghị có nhiều người đồng thời ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng, thực tiễn theo dõi hoạt động của địa phương trong các cuộc bầu cử vừa qua, với những hội nghị cử tri có nhiều người ứng cử như trên, việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến vẫn diễn ra bình thường. Địa phương thường chia thành hội nghị cử tri đối với người ứng cử ĐBQH riêng, hội nghị cử tri đối với người ứng cử HĐND riêng.

Tại hội nghị, cử tri phát biểu lần lượt đối với từng người ứng cử, thư ký hội nghị tổng hợp đầy đủ, có biên bản riêng với từng người. Việc tổ chức này vẫn đảm bảo thời gian, tiến độ của quy trình hiệp thương và không gặp vướng mắc.

Ví dụ, tại kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, tại phường Ô Chợ Dừa, có 26 người ứng cử đại biểu QH và nhiều người ứng cử đại biểu HĐND 3 cấp cư trú trên địa bàn phường. Tuy nhiên, Ban Thường trực UBMTTQVN phường Ô Chợ Dừa đã phối hợp với UBND cùng cấp chủ trì, tổ chức các hội nghị cử tri đúng tiến độ theo quy định. Vì vậy, đề nghị không nên có hướng dẫn riêng về nội dung này….

Sau phần phát biểu nêu ý kiến thẩm tra và tiếp thu ý kiến, giải trình của các đơn vị liên quan, UBTVQH đã thảo luận về một số vấn đề của dự thảo Nghị quyết. Sau đó, UBTVQH đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Theo Tuấn Minh

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên