MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến trình thương thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và sự tham gia của Việt Nam

07-01-2015 - 21:50 PM | Xã hội

Năm 2015 được các nhà đàm phán quốc tế coi là năm quyết định trong việc xây dựng Thỏa thuận khí hậu mới.

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Tiến trình thương thảo quốc tế về biến đổi khí hậu

Sự nóng lên toàn cầu được nhiều nhà khoa học coi là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Lượng khí nhà kính toàn cầu từ các hoạt động của con người đã gia tăng từ thời kỳ công nghiệp hóa, đặc biệt là từ năm 1970 trở lại đây. 

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC, 2014), tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm do con người gây ra (chủ yếu là CO2, CH4 và N2O) được qui đổi về đơn vị CO2 tương đương (CO2e) đã tăng từ 27 tỷ tấn (năm 1970) lên 33 tỷ tấn (năm 1980), 38 tỷ tấn (năm 1990), 40 tỷ tấn (năm 2000) và đạt mức 49 tỷ tấn năm 2010. Do vậy, làm giảm sự nóng lên toàn cầu phải được bắt đầu từ các hành động được kiểm soát của con người đối với lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động kinh tế-xã hội.

Hội nghị Biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên Hợp Quốc – một hội nghị hàng năm được tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (UNFCCC) - được coi là Hội nghị chính thức của các Bên tham gia Công ước (COP). Từ năm 2005, Hội nghị các bên tham gia Công ước cũng được coi là Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP). 

Các dấu mốc quan trọng trong tiến trình thương thảo quốc tế về BĐKH từ năm 1992 đến năm 2014 bao gồm: phê chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (năm 1992); thông qua Nghị định thư Kyoto tại COP 3 (năm 1997); đưa ra các quy định về thực thi Công ước và Nghị định thư trong Hiệp định Marrakesh tại COP 7 (năm 2001); thông qua Lộ trình Bali và Kế hoạch hành động Bali tại COP 13/CMP 3 (năm 2007); thiết lập Hiệp ước Copenhagen tại COP 15/CMP 5 (năm 2009); hình thành Thỏa thuận Cancun tại COP 16/CMP 6 (năm 2010); khởi xướng về một Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới sau năm 2020 tại COP 17/CMP 7 (năm 2011); sửa đổi Nghị định thư Kyoto cho thời kỳ cam kết thứ hai tại COP 18/CMP 8 (năm 2012); bàn luận các vấn đề cho một Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới tại COP 19/CMP 9 (năm 2013).

Năm 2014, Hội nghị COP20/CMP10, được tổ chức từ ngày 1-12/12/2014 tại Lima, Peru diễn ra trong bối cảnh IPCC vừa công bố Báo cáo tổng hợp dành cho các nhà hoạch định chính sách từ Báo cáo đánh giá lần thứ 5; Quỹ Khí hậu Xanh nhận được cam kết đóng góp 9,7 tỷ USD cho giai đoạn 2015-2018; Mỹ và Trung Quốc đưa ra Tuyên bố chung về ứng phó với BĐKH sau năm 2020; Cộng đồng Châu Âu cam kết giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2020-2030 và các nước ASEAN ký tuyên bố chung ASEAN-Mỹ về BĐKH. 

Thành công lớn nhất tại COP20/CMP10 là các quốc gia đã thống nhất được một số điểm cơ bản cho dự thảo Thỏa thuận khí hậu mới dự kiến sẽ được thông qua tại COP 21 được tổ chức vào năm 2015 tại Pari, Pháp. Những điểm cơ bản này nằm trong bản Lima Call for Climate Action (tạm dịch là Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu) với những nội dung chính: (i) thoả thuận khí hậu 2015 sẽ được áp dụng cho tất cả các nước với các trụ cột chính là giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, xây dựng và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực và minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ; 

(ii) tiếp tục duy trì nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và có xem xét đến hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia”; (iii) thuyết phục các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để thực hiện các hành động tham vọng về giảm nhẹ và thích ứng; (iv) tăng cường trao đổi thông tin giữa các quốc gia để bản dự thảo Thoả thuận khí hậu 2015 được hoàn thành trong tháng 5 năm 2015;

 (v) thống nhất một số nội dung của báo cáo “Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định” (INDC) và kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện INDC tại các nước có nhu cầu hỗ trợ; và (vi) khuyến khích các nước phê chuẩn và thực hiện sửa đổi Doha của Nghị định thư Kyoto, yêu cầu các nước phát triển tăng cường tham vọng giảm phát thải cho giai đoạn trước năm 2020 cũng như triển khai đánh giá kỹ thuật nhằm tìm kiếm các cơ hội giảm phát thải tiềm năng trong giai đoạn 2015-2020,...

Nhìn chung, sau hơn 20 năm, các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ trên tất cả các phương diện. Điều này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và tham vọng của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại BĐKH toàn cầu thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp quốc tế và quốc gia. 

Các kết quả quan trọng từ các cuộc đàm phán bao gồm: (i) tham vọng về giảm nhẹ BĐKH được tăng cường theo thời gian; (ii) thích ứng với BĐKH được ưu tiên như giảm nhẹ BĐKH; (iii) hỗ trợ các nước đang phát triển là vấn đề luôn được coi trọng trong các cuộc đàm phán về khí hậu; và (iv) các thể chế hỗ trợ cho giảm nhẹ và thích ứng ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là các thể chế về hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.

Mặc dù đã đạt được những thành quả ban đầu đáng khích lệ, nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học, các cuộc đàm phán về khí hậu vẫn chưa đạt được các mục tiêu mong muốn về giải quyết BĐKH, bởi vì lượng phát thải khí nhà kính vẫn không được ổn định theo mục tiêu của Công ước mà có xu hướng tăng. Những tiến bộ về giải quyết BĐKH trên toàn cầu được đánh giá là chậm chạp do còn khoảng cách lớn giữa những gì đã cam kết và những gì được thực hiện trên thực tiễn. 

Với nhận thức rằng, chiến lược phát triển phát thải ít các bon có vai trò then chốt đối với sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới và lượng khí nhà kính cần được kiểm soát để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ 21, một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới thống nhất, toàn diện, công bằng và hiệu quả áp dụng cho tất cả các quốc gia dự kiến được thông qua tại COP 21/CMP 11 vào năm 2015, có hiệu lực vào năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến mới trong cuộc chiến chống lại BĐKH toàn cầu.

Sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình thương thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và một số gợi ý chính sách

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của BĐKH đến sự phát triển bền vững của đất nước, Việt Nam đã có những cam kết và hành động mạnh mẽ nhằm ứng phó với những thách thức của BĐKH. 

Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào các quá trình đàm phán khí hậu quốc tế và xây dựng các chính sách về giảm nhẹ và thích ứng theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (năm 1994) và Nghị định thư Kyoto (năm 2002). Việt Nam đã trình Thông báo Quốc gia lần thứ nhất (năm 2003) và lần thứ hai (năm 2010) cho Ban thư ký của UNFCCC. 

Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Liên Hiệp Quốc, các nhà tài trợ song phương, các quỹ đa phương cũng như các tổ chức phi chính phủ để tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH. 

Gần đây nhất, tại COP 20/CMP 10, Việt Nam đã có những hoạt động tích cực và chủ động trong quá trình đàm phán nhằm chung tay cùng cộng đồng thế giới chống BĐKH. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã đệ trình Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR1) cho Ban thư ký UNFCCC về tình hình kiểm kê khí nhà kính của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức và tham gia các sự kiện bên lề; chia sẻ các kinh nghiệm và bài học thực tiễn về ứng phó với BĐKH với cộng đồng quốc tế, trong đó đáng chú ý là các kinh nghiệm về xây dựng Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định (INDC), thực hiện hoạt động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, và xây dựng và thực hiện chiến lược Tăng trưởng Xanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng có các cuộc trao đổi song phương với các các quốc gia và các tổ chức như Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, ASEAN, Ngân hàng Thế giới... nhằm huy động các nguồn lực cho ứng phó với BĐKH.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã ban hành nhiều luật, chiến lược, kế hoạch và chương trình có liên quan đến BĐKH như Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Tài nguyên nước (2012), Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010), Luật Đa dạng sinh học (2008), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), Chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững (2004), Chiến lược và Kế hoạch Quốc gia lần thứ hai về Quản lý và Giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2001-2020, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (2008), Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011), Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH (2012), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2012), Nghị quyết số 24 ngày 03/06/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh (2014).

Trước mắt, năm 2015 được các nhà đàm phán quốc tế coi là năm quyết định trong việc xây dựng Thỏa thuận khí hậu mới. Nếu Thỏa thuận mới được thông qua vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020, bên cạnh việc thích ứng với những tác động bất lợi của BĐKH, Việt Nam có nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết và điều này ít nhiều sẽ gây khó khăn cho một nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, Thỏa thuận khí hậu mới có xem xét đến nhu cầu và nguyện vọng của các nước đang phát triển như Việt Nam đóng vai trò quan trọng. 

Trong năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các nhà tài trợ, các bộ/ngành liên quan để triển khai xây dựng INDC của Việt Nam (dự kiến hoàn thành vào tháng 5 năm 2015); nghiên cứu các Quyết định của COP 20 để triển khai một cách phù hợp tại Việt Nam; kiện toàn thành viên Ban công tác đàm phán về BĐKH và chuẩn bị tốt năng lực đàm phán để Việt Nam có thể tham gia thảo luận xây dựng Thỏa thuận khí hậu 2015 nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của Việt Nam cũng như có những đóng góp phù hợp với các quy định của UNFCCC.

Trong dài hạn, Việt Nam cần tích cựcchủ động hơn nữa trong việc ứng phó với BĐKH trên cả 2 phương diện: giảm nhẹ và thích ứng. Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH và là nước có đóng góp ít vào lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, Việt Nam nên đặt ưu tiên vào thích ứng thông qua tăng cường thực hiện các biện pháp thích ứng với BĐKH như: lồng ghép thích ứng với BĐKH vào công tác lập kế hoạch phát triển cấp quốc gia/ngành/địa phương, tăng cường các biện pháp thích ứng theo ngành, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế bền vững và chuyển đổi việc làm theo hướng ít bị tổn thương hơn trước các tác động của BĐKH

Bên cạnh đó, với sự tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh trong thời gian tới, Việt Nam được dự đoán sẽ trải qua thời kỳ tăng trưởng tiêu dùng và phát thải khí nhà kính cao trong những thập kỷ tới. Hướng tới một nền kinh tế phát thải ít các bon và hưởng ứng các hành động giảm nhẹ phù hợp điều kiện quốc gia là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam và cần tập trung vào: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, đổi mới công nghệ và chính sách năng lượng, tăng cường các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tài chính các bon và huy động các nguồn lực cho Tăng trưởng xanh.

Thay cho lời kết: Thách thức ở hiện tại và sau này là thúc đẩy các hành động về khí hậu càng nhanh càng tốt không chỉ ở bên trong mà còn ở bên ngoài các cuộc đàm phán chính thức về BĐKH. Ở cấp độ quốc tế, một Thỏa thuận khí hậu toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý gặp phải những rào cản mà được cho là không một cuộc đàm phán quốc tế nào từ trước đến nay có thể giải quyết được. Phối hợp các hành động ứng phó với BĐKH từ tất cả các quốc gia trong bối cảnh mà các tác động dài hạn của BĐKH là không chắc chắn và thay đổi theo khu vực địa lý, mức độ phát triển và sự tăng trưởng dân số ở các quốc gia là khác nhau, mối quan tâm và ưu tiên của các quốc gia cũng khác nhau luôn là những thách thức rất lớn. 

Mặc dù BĐKH là một vấn đề rất phức tạp và giải quyết nó không đơn giản, hợp tác quốc tế vẫn sẽ là cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Do vậy, quá trình này cần được tiếp tục và những thành tựu ban đầu theo hướng này sẽ là những bước đi cần thiết của con đường còn khó khăn hơn ở phía trước.

GS.TS.Trần Thọ Đạt và TS. Vũ Thị Hoài Thu

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên