MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM: “Cò” lộng hành- Bệnh viện bất lực?

07-12-2014 - 10:22 AM | Xã hội

Tình trạng "cò" bệnh viện đã khiến người dân bức xúc, bệnh viện thì đứng ngồi không yên vì phải mang tiếng xấu với xã hội.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở TP HCM trong thời gian qua đã nảy sinh hiện tượng "cò" bệnh viện. Người dân vừa mất tiền, mất thời gian, lại mang thêm nỗi lo vào người, mà bệnh thì không khỏi. Bệnh viện thì lo lắng vì phải mang tiếng xấu với xã hội. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra trong những năm qua, nhưng vẫn không thể triệt tiêu được hiện tượng "cò".

Vừa chân ướt chân ráo đến cổng Trung tâm y khoa Medic ở quận 10 để làm các xét nghiệm tầm soát ung thư, vợ chồng ông Lê Văn Dưỡng, quê ở Tiền Giang đã bị một nhóm người cản lại và đề nghị được lấy số thứ tự giúp. Với tâm lý muốn mau chóng làm cho xong các xét nghiệm để kịp chuyến xe chiều về quê, ông Dưỡng bấm bụng đưa 150.000 đồng cho "cò", nhưng sau khi thực hiện xong 1 xét nghiệm thì “cò” đã lặn mất tăm.

Vợ chồng ông Lê Văn Dưỡng là một trong số rất nhiều người bị mất tiền oan vì "cò" bệnh viện. Từ nhiều năm nay, các bệnh viện lớn tại TP HCM như: Bệnh viện Đại học Y dược, Ung bướu, Da liễu… gần như sống chung với tình trạng "cò" bệnh viện. Lợi dụng tâm lý của người bệnh muốn được khám nhanh, "cò" bệnh viện dụ dỗ người bệnh để mình giúp lấy số thứ tự sớm hoặc hứa hẹn có quen biết bác sĩ để được khám nhanh. Đổi lại, người bệnh phải đưa tiền cò ít nhất là 150.000-500.000 đồng. 

Tuy nhiên, đa phần những cò bệnh viện này đều dẫn người bệnh đến những phòng khám tư bên cạnh bệnh viện, còn nếu khám ở bệnh viện thì cũng không thể rút ngắn được thời gian khám chữa bệnh. Người bệnh vừa mất tiền, mất thời gian vừa rước thêm nỗi lo lắng vào người.

Thậm chí, có người còn mất cả giấy tờ khi giao cho “cò” bệnh viện. Bà Trần Thị Lệ, quê ở Cà Mau đưa chồng đi khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM chứng kiến: “Có một chị đưa giấy tờ cho “cò” rồi mất luôn. Vừa mới tới cổng đã bị “cò” chặn lại, kêu mua sổ rồi khám ngoài giờ. Nhưng tôi không đồng ý, mà vào thẳng bệnh viện tự mua sổ khám”.

Tình trạng "cò" bệnh viện đã khiến người dân bức xúc, bệnh viện thì đứng ngồi không yên vì phải mang tiếng xấu với xã hội. Các bệnh viện đã đưa ra nhiều biện pháp chống "cò" như: dán cảnh báo ngoài cổng bệnh viện, dùng loa phát thanh liên tục trong giờ khám chữa bệnh, gắn camera quan sát…

Bệnh viện Ung bướu TP HCM còn dán cả hình những đối tượng "cò" ở quầy đăng kí khám bệnh để cảnh báo cho người dân. Còn Bệnh viện Da liễu thành phố thì in luôn cảnh báo người dân không được nghe theo lời lôi kéo của “cò” ở ngay trong sổ khám bệnh. Tuy vậy, tình trạng “cò” bệnh viện vẫn không được giải quyết triệt để. Chỉ cần người bệnh đến trước cổng bệnh viện thì “cò” đã ra chặn xe để mời gọi sang khám ở các phòng mạch tư kế bên.

Thậm chí, các bảo vệ tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM vì cảnh báo cho người bệnh mà bị các đối tượng này chửi bới và đánh dằn mặt. Một nhân viên bảo vệ (xin được giấu tên) của bệnh viện này cho biết: “Bị đánh dằn mặt thôi. Nhưng mới đây “cò” còn vào bệnh viện rạch nát yên xe nhân viên bệnh viện. Do lực lượng bảo vệ còn mỏng (buổi tối chỉ có khoảng 5 người), không kiểm soát được tình hình”.

Việc xử lý "cò" bệnh viện hiện nay đã trở nên ngoài tầm với của bệnh viện. Những đối tượng lôi kéo người bệnh đa phần chỉ hoạt động bên ngoài cổng bệnh viện nên để xử lý những đối tượng này phải cần sự vào cuộc của lực lượng công an và dân phòng. Hiện tại, các bệnh viện cho biết đã kí kết quy chế phối hợp với công an quận để đảm bảo an ninh bệnh viện, trong đó có giải quyết tình trạng “cò”. 

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế này dường như cũng chỉ thực hiện cho có lệ. Khoảng 1 tháng hoặc 3 tháng thì mới có một chiến dịch rầm rộ lập lại an ninh trật tự. Tuy vậy, sau khi kết thúc chiến dịch và lực lượng công an rút đi thì mọi chuyện lại như cũ.

Theo kỹ sư Võ Duy Thức, Phó trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viên Ung bướu TP HCM mặc dù đã có quy chế phối hợp nhưng không thể ký hợp đồng bảo vệ an ninh trước cổng bệnh viện được, vì công an nói đó là trách nhiệm của họ. Buổi sáng công an cử người đứng trước cổng bệnh viện, khi thấy công an các đối tượng lảng đi chỗ khác và khi công an về thì tiếp tục tập trung lại.

Thực tế cho thấy, để xử lý các đối tượng dụ dỗ, lường gạt người bệnh không phải là chuyện đơn giản. Bởi những quy định pháp luật hiện hành không đề cập đến việc xử phạt các đối tượng gọi là “cò”, nên cơ quan công an chỉ có thể xử phạt hành chính các đối tượng này vì hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc lấn chiếm lòng lề đường. Đồng thời, các đối tượng "cò" hoạt động mạnh nhất chủ yếu vào lúc 3-4h sáng, là thời điểm người dân từ các tỉnh vừa mới xuống xe để khám chữa bệnh nên cũng khó có sự can thiệp của lực lượng công an địa phương.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết: “Chúng tôi có hợp đồng với địa phương nhưng để giải quyết vấn đề “cò” thì cũng có mức độ. Chắc vì công an cũng nhiều việc?!. Đề nghị Sở Y tế và địa phương cùng hỗ trợ với bệnh viện một cách thường xuyên để hạn chế mức thấp nhất tình trạng này, còn triệt để thì phải có thời gian nữa”.

Tình trạng "cò" bệnh viện chỉ có thể mất hẳn nếu như các bệnh viện giải quyết được tình trạng quá tải. Nhưng đây là việc không thể làm trong một sớm một chiều. Do đó, trước mắt, cần có những biện pháp mạnh hơn với các đối tượng cò bệnh viện để bảo vệ an toàn cho người dân và lấy lại hình ảnh thân thiện của các bệnh viện./.

Theo Hiếu Hiền

cucpth

VOV Online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên