Trọng tài quốc tế bác yêu cầu khởi kiện Chính phủ Việt Nam
Trọng tài quốc tế đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Michael McKenzie (công dân Hoa Kỳ) đối với Chính phủ Việt Nam về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Chiều4/3, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát đi thông báo về Phán quyết của Hội đồng Trọng tài Quốc tế đối với yêu cầu khởi kiện của ông Michael McKenzie đối với Chính phủ Việt Nam, mà trực tiếp là UBND tỉnh Bình Thuận vì lý do vi phạm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ (năm 2000).
Theo ông McKenzie, căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp ngày 4/11/2004, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện việc giao khu đất tại huyện Bắc Bình thuộc tỉnh Bình Thuận cho Công ty South Fork (là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam) để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận không thực hiện việc giao đất mà lại cấp giấy phép cho một công ty khác tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản trong một phần của khu đất dự kiến giao cho dự án South Fork mà ông McKenzie không được biết đến. Do vậy, ông này cho rằng sai phạm của UBND tỉnh Bình Thuận dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam vi phạm cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, cụ thể là đã tước đoạt bất hợp pháp khoản đầu tư, vi phạm các tiêu chuẩn đối xử công bằng, thỏa đáng và quy định về minh bạch tại Hiệp định, yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bồi thường các thiệt hại do những hành vi vi phạm nói trên (lên tới hơn 3,7 tỷ USD).
Trong khi giải quyết vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi và giải thích với ông McKenzie về các quyền và nghĩa vụ của ông và Công ty South Fork theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng ông McKenzie không chấp nhận.
Ngày 18/11/2010, ông Michael McKenzie đã khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Trọng tài quốc tế về dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại tỉnh Bình Thuận với lý lẽ trên.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp làm đại diện pháp lý cho Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia giải quyết vụ kiện tại Trọng tài quốc tế.
Tháng 7 năm ngoái, Hội đồng Trọng tài Quốc tế đã tổ chức phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại Hong Kong. Trong lập luận của mình, đại diện Việt Nam thể hiện quan điểm: Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền xem xét bất kỳ yêu cầu khởi kiện nào của ông McKenzie do ông McKenzie đã thiếu trung thực, thiếu thiện chí ngay từ khi làm thủ tục xin phép đầu tư tại Việt Nam, khoản đầu tư của ông McKenzie không được bảo hộ theo Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ; các yêu cầu khởi kiện của ông là không có cơ sở; các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật và không vi phạm bất kỳ quy định nào của Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.
Tới tháng 12/2013, Hội đồng Trọng tài đã ra Phán quyết chấp nhận các lập luận của Việt Nam, khẳng định Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này; bác bỏ tất cả các yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie; buộc ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện, trong đó có các chi phí của Hội đồng Trọng tài, chi phí thuê luật sư quốc tế và tham gia phiên họp giải quyết vụ việc tại Hong Kong.
Bộ Tư pháp cho biết đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Còn nếu tính từ năm 2010 đến 2013 thì Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương giải quyết 17 vụ tranh chấp quốc tế có liên quan đến Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ Tư pháp khẳng định phán quyết của Hội đồng Trọng tài Quốc tế về vụ kiện trên phản ánh trung thực, khách quan những gì mà Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đầu tư, kinh doanh một cách hợp pháp tại Việt Nam theo pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam sẵn sàng thảo luận với nhàđầu tư để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc hay những bất đồng, tranh chấp có thể xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận các đòi hỏi, yêu cầu hay khiếu kiện vô căn cứ của nhà đầu tư và sẵn sàng tham gia xử lý những vấn đề pháp lý, tranh tụng quốc tế để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của quốc gia.
Theo Quốc Thanh