MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Xét xử Dương Chí Dũng: "Sai phạm của các bị cáo là do Pháp luật chưa thống nhất"

24-04-2014 - 10:05 AM | Xã hội

Theo luật sư, trách nhiệm của HĐXX và luật sư là vấn đề buộc tội đúng pháp luật, có căn cứ khoa học chứ không phải chỉ dựa trên lời khai của các bị cáo.

11h05, LS Nguyễn Văn Chiến nêu quan điểm: trách nhiệm của HĐXX và luật sư là vấn đề buộc tội đúng pháp luật, có căn cứ khoa học chứ không phải chỉ dựa trên lời khai của các bị cáo. Các bị cáo khai nhận hành vi không phải là khai nhận tội. Bản án sơ thẩm đã cáo buộc sai lầm về lý luận khoa học lịch sử, sai về khái niệm đã được xác định rõ (ụ nổi, tàu) và mâu thuẫn với chính nó.


10h45, LS Hà Thị Thúy Quỳnh bào chữa sai phạm của các bị cáo là do pháp luật Việt Nam chưa thống nhất (luật Hàng Hải và công ước quốc tế). Hoàn cảnh gia đình của các bị cáo cũng rất khó khăn và éo le. LS mong 3 bị cáo hải quan không phải vì cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng hay cuộc đấu tranh nào về kinh tế mà bị đánh giá một cách nghiêm khắc như vậy, nên xem xét từ góc nhìn động cơ để giảm nhẹ hình phạt.


LS Trần Hồng Phúc, Nguyễn Văn Chiến, Hà Thị Thúy Quỳnh bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện.

LS Trần Hồng Phúc nêu quan điểm rằng chưa đủ căn cứ để xác định các bị cáo này chịu trách nhiệm dân sự.

Đối với các bị cáo hải quan, LS cho rằng quan điểm luận tội của VKS là “mặc dù cả 3 bị cáo biết ụ nổi 83M không phải là tàu biển không đủ quy định nhập khẩu nhưng đã tạo điều kiện cho các Dũng, Phúc nhập khẩu về gây hậu quả nghiêm trọng” là không chính xác.

Việc quy kết các bị cáo chỉ tập trung vào việc vi phạm hay không các quy định trong lĩnh vực hải quan. Rà soát lại các quy định này, luật sư thấy các bị cáo này không vi phạm quy trình và nghiệp vụ hải quan.

Tàu có phải ụ hay không là vấn đề mấu chốt. Nếu ụ là tàu thì các bị cáo này phạm tội, còn nếu không thì không được áp dụng NĐ 49 lên hành vi của các bị cáo. LS Phúc dẫn ra các chứng cứ theo Luật Hàng hải, công ước HS và lời khai của các chuyên gia trong lĩnh vực Hàng hải để chứng minh ụ không phải là tàu. Khi chưa kết luận được thì không có căn cứ để quy kết trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

Mục đích của Vinalines khi nhập ụ về là để “sửa chữa đưa vào sử dụng” nên việc hải quan thông quan khi ụ nổi han gỉ, hư hỏng hay không thì cũng không liên quan đến thiệt hại của Vinalines, không thể quy kết là hành vi tiếp tay.

------------
10h00

LS Lê Minh Công bào chữa cho Mai Văn Khang thống nhất với các LS là cần xem xét lại giá trị ụ nổi như thế nào, trên cơ sở đó mới định hình được thiệt hại để định tội cho các bị cáo. Khang cũng không có tư cách cụ thể gì trong đoàn khảo sát và được mọi người trong đoàn tự hiểu là phiên dịch.

LS Đào Hữu Đăng bào chữa cho Lê Văn Dương trình bày quan điểm để làm căn cứ cho việc xem xét giảm hình phạt và bồi thường của Dương

Theo luật sư, trong kết luận làm trái có 4 nhóm hành vi, bản thân Dương chỉ liên quan đến nhóm 2 và hành vi là khảo sát mua bán ụ nổi.

Quan trọng hơn cả, có một sự thật là Vinalines đã quyết định mua ụ nổi từ trước khi cử đoàn khảo sát đi sang Nga, việc thỏa thuận mua bán thậm chí là giá cả đã được hoàn tất từ khi đoàn vẫn còn ở bên Nga, không cần chờ đến bản báo cáo khảo sát, báo cáo của đăng kiểm viên. Đó chỉ là hình thức, không có tính chất quyết định dẫn đến việc mua ụ nổi. Vì vậy đề nghị tòa xem xét đánh giá lại giá trị các bản báo cáo này. LS kết luận: Dương chỉ là nạn nhân của một âm mưu đã có sẵn từ trước!

Công văn 3266 ngày 21/12/2013 do Trịnh Ngọc Giao cục trưởng cục đăng kiểm Việt Nam ký, cử Lê Văn Dương đi làm nhiệm vụ là thực hiện chức năng giám định kỹ thuật theo yêu cầu của khách hàng. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào những nội dung mà khách hàng yêu cầu và đăng kiểm viên phải trao đổi cùng khách hàng, nên không thể lấy việc Dương trao đổi với các đối tượng để quy kết tội cho Dương.

Trong báo cáo giám định, Dương đã thận trọng ghi một barem thế nào là tốt, xấu để khách hàng có thể tự đánh giá. Trong thời gian kiểm tra chỉ 1 buổi chiều, không có thêm công cụ gì khác thì luật sư đánh giá là ngoài khả năng kỹ thuật của một giám định viên.

Như vậy, kết luận lại, biên bản báo cáo giám định của Lê Văn Dương không phải là báo cáo quyết định cho việc mua ụ nổi. Dũng và Phúc thậm chí còn không hề đọc biên bản này. Đề nghị quý tòa đánh giá giá trị thực tế báo cáo của Lê Văn Dương có tác động như thế nào đến quyết định mua ụ, từ đó định tội cho hợp lý.

Trong số tiền mua ụ nổi (9tr USD) có 2,3 triệu USD được xác định là không thiệt hại nên không quy trách nhiệm dân sự cho Dương. Số tiền 1,66 triệu USD được xác định là tham ô thuộc về các bị cáo tham ô. Còn 4,3 triệu USD là thiệt hại trực tiếp do việc mua bán ụ nổi nhưng hiện giờ vẫn còn đang xem xét và được đánh giá là có hành vi nâng giá, có thể liên quan đến một âm mưu khác.

Lật ngược lại, nếu Vinalines hoạt động hiệu quả thì Dương không được lợi ích kinh tế nào, vậy tại sao khi Vinalines thiệt hại thì lại buộc Dương chịu trách nhiệm liên đới?

--------------

8h45, Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều (đoàn Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Mai Văn Khang


Mai Văn Khang bị tuyên tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là cùng Trần Hải Sơn ký nháy báo cáo khảo sát… Khang bị tuyên phạt 7 năm tù và đền bù 12 tỷ đồng.

LS nêu lại những lý do kháng cáo: Khang không tham gia soạn thảo báo cáo mà chỉ là người phiên dịch, nên ký nháy vào báo cáo lập sẵn của Sơn, không nhận được lợi ích kinh tế nào và không nhận chỉ đạo của Dũng, Phúc. Khang đã bị điều chuyển công tác trước khi Ban lãnh đạo Vinalines ký kết hợp đồng mua bán ụ.

LS không đồng tình với ý kiến của VKS khi bác bỏ đơn kháng cáo của bị cáo Khang. Các căn cứ LS đưa ra:

- Vai trò của Khang trong ban quản lý, đoàn khảo sát: hoàn toàn là nhận nhiệm vụ tham gia thay cho ông trưởng ban (do một số lý do không đi được), Khang không có chức vụ gì, chỉ là phiên dịch. Khang đã bị điều chuyển công tác khỏi Ban quản lý trước khi Ban lãnh đạo Vinalines ký kết hợp đồng mua bán ụ.

- Khang không nhận chỉ đạo trực tiếp nào từ lãnh đạo Vinalines, phản ánh đúng nội dung hồ sơ pháp lý và kỹ thuật, phản ánh vào báo cáo một cách thực tế từ việc dịch thuật, việc ký nháy không hề là “tiếp nhận ý chí của lãnh đạo”. Quy kết này trong bản án là không đúng.

- Bị cáo Khang không tham gia, bàn bạc sửa đổi gì liên quan đến nội dung báo cáo khảo sát. Không có tài liệu nào chứng minh việc Khang có tham gia những hành vi này.

- Giá trị của bản khảo sát mà Khang ký nháy, được cơ quan điều tra xác định là căn cứ trực tiếp để Vinalines quyết định mua ụ - quy kết này không đúng, vì theo NĐ 49, quyết định mua ụ theo báo cáo của đăng kiểm Việt Nam hoặc cơ quan giám định độc lập nước ngoài.

- Toàn văn của bản giám định của cơ quan điều tra khi đề cập đến trách nhiệm của Ban quản lý DA là phải chịu trách nhiệm liên đới trong phê duyệt việc mua ụ nổi, không chịu trách nhiệm trong việc đi khảo sát hay báo cáo kết quả chuyến đi. Như vậy, kết luận giám định đã loại bỏ vai trò của Ban quản lý khỏi việc trình, phê duyệt việc mua ụ nổi.

- Việc gọi ụ là “đống sắt vụ” trong kết luận giám định của cơ quan điều tra (khiến cho báo chí gọi theo) là điều cần phải xem xét. Sự thật về “đống sắt vụn” là từ lời khai của Phúc mà Phúc thì không trực tiếp khảo sát ụ nổi, không có kinh nghiệm trong việc tiếp xúc đánh giá các thiết bị hàng hải. Không có căn cứ để đánh giá ụ đã cũ nát không sử dụng được, là đống sắt vụn. Việc ụ đã chìm xuống để hạ thủy được tàu cá cho thấy là ụ có hoạt động.

- Đề nghị áp dụng thêm một tình tiết giảm nhẹ: cha bị cáo có huy chương kháng chiến. Tại cấp sơ thẩm đã áp dụng tình tiết tăng nặng cho các bị cáo là “gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định tội, định khung hình phạt nên không được coi là tình tiết tăng nặng.

Vậy đề nghị loại bỏ tình tiết tăng nặng, bổ sung tình tiết giảm nhẹ, chấp nhận đơn kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm dân sự cho bị cáo.



--------------
Ngày 24/04/2014, phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm diễn ra ngày thứ 3.

8h00, HĐXX bắt đầu làm việc.

Luật sư tiếp tục biện luận bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo


Luật sư Nguyễn Đình Hưng – bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trần Hải Sơn mở đầu phần tranh luận tại phiên tòa.

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Đình Hưng, cần làm rõ mục đích tư lợi, động cơ trong hành vi của các bị cáo đó là Tham ô tài sản nên gây ra hành vi Cố ý làm trái hay Cố ý làm trái để gây ra tội Tham ô tài sản.

Luật sư Hưng biện luận, số tiền mua ụ nổi đã thoát khỏi Vinalines rồi thì không còn là của Vinalines nữa. Vì vậy việc cầm tiền ở đây trong hành vi làm trái chứ không phải là tham ô. Luật sư Hưng cũng cho rằng, vụ án còn thiếu tài liệu để chứng minh tội Tham ô tài sản của các bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Chiều cho rằng Vinalines mua đắt nhưng ụ nổi vẫn còn, tức là vẫn có giá trị. Tiền Vinalines bỏ ra nhưng vẫn còn giá trị. Không đủ căn cứ để nói Vinalines mất tiền, để xác định thiệt hại của Vinalines và kết tội các bị cáo.

"Chúng tôi cũng không thấy hồ sơ vụ án đề cập đến những tình tiết đặc biệt giảm tội cho bị cáo Chiều. Chúng tôi xin đưa ra ý kiến:

- Hoàn toàn đủ cơ sở để giảm mức án cho Chiều với tội cố ý làm trái
- Xem xét hủy án sơ thẩm liên quan đến tội tham ô và hủy hồ sơ để điều tra lại
- Xem xét quá trình về dân sự liên quan đến những thiệt hại của Vinalines

Hải Minh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên