MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 1-1-2016: 4 tỉnh thành cấp số định danh cá nhân điện tử

29-12-2015 - 20:43 PM | Xã hội

Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM là bốn tỉnh, thành thí điểm áp dụng cấp số định danh cá nhân đăng ký khai sinh từ đầu năm 2016.

Sáng 29-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn trực tuyến về cấp số định danh cá nhân khi thực hiện đăng ký khai sinh từ ngày 1-1-2016.

Bốn tỉnh, thành được tập huấn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Các điểm cầu trực tuyến được tổ chức tại tất cả các quận, huyện của các tỉnh, thành trên.

Đây cũng là bốn tỉnh, thành thí điểm áp dụng cấp số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh ngay từ đầu năm mới 2016.

Ông Nguyễn Công Khanh - cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp - chủ trì tập huấn khẳng định việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân sẽ thực hiện chính thức ngay từ đầu năm nên buộc các cán bộ tư pháp phải bảo đảm thao tác chính xác trên phần mềm dữ liệu quốc gia.

Theo quy trình, cán bộ tiếp nhận hồ sơ của người dân, kiểm tra đầy đủ theo quy định hiện hành. Từ đó, cán bộ chuyển dữ liệu về hệ thống phần mềm quốc gia để cấp số định danh. Tiếp đó cán bộ in giấy khai sinh có số định danh và trao cho người dân.

Ông Khanh khẳng định khi dữ liệu được truyền từ cán bộ hộ tịch về cho trung tâm thì chỉ chưa tới 60 giây hệ thống máy trung tâm sẽ cấp số định danh tự động cho người dân. Số định danh cá nhân đó sẽ trở thành số căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.

Số định danh cá nhân cùng với số căn cước công dân tạo thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử sẽ tạo ra thuận lợi cho việc thực hiện quyền của người dân liên quan đến hộ tịch và của Nhà nước trong quản lý dân cư.

Theo quy định Luật hộ tịch, thẩm quyền đăng ký khai sinh thuộc về UBND cấp xã nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi sinh sống của người cha hoặc mẹ.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam thì được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của công dân Việt Nam.

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Theo ông Khanh, đề án cơ sở dữ liệu về hộ tịch từ khi thực hiện thí điểm (đầu năm 2016) trải qua 3 giai đoạn. Đến năm 2020 cơ sở dữ liệu về hộ tịch quốc gia sẽ hoàn thiện và khai thác được tất cả các yêu cầu quản lý nhà nước liên quan đến hộ tịch theo hướng hiện đại.

 

Theo Ái Nhân

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên