MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ em

28-10-2014 - 15:50 PM | Xã hội

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết vẫn giữ giấy khai sinh nhưng không để nó trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân.

Thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành không nên bỏ cấp giấy khai sinh với lý do giấy khai sinh có giá trị pháp lý trong suốt cuộc đời, làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng cần cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Bởi hầu hết các nước trên thế giới vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Giấy khai sinh còn có giá trị toàn cầu, có nghĩa nếu mang giấy khai sinh ra nước ngoài thì vẫn có giá trị. Trong khi đó, căn cước công dân chỉ có giá trị đối với công dân Việt Nam ở trong nước.

PV: Luật Căn cước vẫn cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi. Còn Luật Hộ tịch vẫn muốn duy trì giấy khai sinh. Vậy quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Quan điểm của Chính phủ đề nghị trong Luật Hộ tịch vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Còn trong Luật Căn cước công dân có cấp căn cước cho trẻ em sau khi cấp giấy khai sinh. Hai dự án luật này có điểm giống nhau ở chỗ là đều bảo đảm quyền đăng ký khai sinh của trẻ em.

Quan điểm đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự án Luật Hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra dựa trên các căn cứ sau:

Thứ nhất, việc cấp giấy khai sinh để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em, có thể là công dân Việt Nam, có thể là công dân là người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam, đây là thông lệ quốc tế. Hầu hết các nước trên thế giới vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ em.

Thứ hai, đối với Việt Nam, giấy khai sinh đã trở thành truyền thống, được duy trì đến ngày hôm nay. Giấy khai sinh còn có giá trị toàn cầu, có nghĩa rằng nếu mang giấy khai sinh ra nước ngoài thì vẫn có giá trị. Trong khi đó, căn cước công dân không có giá trị toàn cầu, mà chỉ có giá trị đối với công dân Việt Nam ở trong nước, là giấy thông hành đi lại trong nước.

Trong dự thảo có mở ra hướng đi lại trong cộng đồng ASEAN, nhưng cũng chỉ trong cộng đồng hẹp, không có tính chất toàn cầu. 

Ngoài ra, căn cước công dân không thể hiện được nhân dạng của trẻ em trước đủ 14 tuổi. Vì vậy, nó không phù hợp với định nghĩa thế nào là căn cước ở trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em từ lúc sinh ra, đến 14 tuổi lại thay đổi chắc sẽ tốn kém hơn bởi sản xuất ra 1 căn cước công dân tốn kém hơn 1 giấy khai sinh như hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ rất nhất quán trong việc đề nghị với UBTVQH xem xét hai dự án luật.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: Chiến Thắng)

PV: Thưa Bộ trưởng, vậy phương án cuối cùng có giữ lại giấy khai sinh hay không hay cấp thẻ căn cước công dân? Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch hiện đang có sự vênh nhau ở vấn đề này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Vẫn giữ Giấy khai sinh nhưng sẽ làm thế nào để nó không trở thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Thực ra giấy khai sinh cho trẻ em trước khi đủ 14 tuổi cũng là giấy thông hành, trẻ em trước 14 tuổi không ai yêu cầu giấy tờ gì khác ngoài giấy khai sinh.

Có thẻ căn cước công dân rồi thì lúc đó pháp luật không quy định người ta trình thẻ căn cước công dân lại phải trình thêm giấy khai sinh nữa. Hiện nay ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất thành ra có rất nhiều sự trùng lắp về thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai rất nhiều.

PV: Theo Bộ trưởng, hai hệ thống cơ sở dữ liệu đó có cách nào để liên kết, hỗ trợ nhau để giảm tốn kém hay không? 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Điều này là đương nhiên bởi trong hai dự án luật đã quy định rõ. Đối với một con người khi được sinh ra thì cái đầu tiên là giấy khai sinh, hệ thống đăng ký hộ tịch có chức năng theo dõi con người ta cho tới khi chết. Cơ sở dữ liệu hộ tịch này sẽ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm cung cấp những trường thông tin. Về cơ bản dự án Luật Hộ tịch và dự án Luật Căn cước công dân có mối liên hệ với nhau, như vậy sẽ làm giảm tốn kém.

PV: Theo như giải thích của Bộ trưởng thì Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch là hai tệp thông tin, chỉ có một phần chung, vậy ai quản lý những tệp thông tin đó? 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Trong cơ sở dữ liệu dân cư sẽ phân ra đâu là cơ sở dữ liệu căn cước công dân như dấu vân tay, nhóm máu. Từ đó, có thể phát triển thêm một nhánh bên Bộ Tư pháp là cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch. Còn cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thì ghi nhận những biến động về hộ tịch của một con người. Vì vậy, ví dụ muốn thay tên đệm thì phải đến cơ quan hộ tịch để thay đổi trên giấy tờ, sau đó dữ liệu được cập nhập lên hệ thống điện tử dự liệu hộ tịch quốc gia.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết về chi phí làm thẻ căn cước ra sao?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi không biết được chi phí hết bao nhiêu tiền bởi đây là nguồn vốn ODA của Hungary với chi phí 10 triệu Euro. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể xã hội hoá được. Ví dụ như một doanh nghiệp có thể đóng góp để xây dựng dữ liệu, sau đó có thể thu phí những ai muốn truy cập, ở đây là truy cập trong phạm vi cho phép, không phải là những bí mật cá nhân. Về mặt chi phí, kể cả chương trình này có tốn kém bao nhiêu đi nữa nhưng mà nó là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân thì nó hoàn toàn xứng đáng với chi phí bỏ ra.

>>>Thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi có thể thay thế giấy khai sinh

Theo Thanh Hà

VOV


Dòng sự kiện KỲ HỌP THỨ 8 - QUỐC HỘI KHÓA XIII

 

MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý 




NGÀY 27/10


>>> Không có luật, toà vẫn phải xử án


>>> Bao giờ đến thời điểm “thích hợp” để tăng lương?


>>> Sân bay Long Thành - cần bản lĩnh của đại biểu


>>>Tuần này, Quốc hội đánh giá tái cơ cấu trong đầu tư công, hệ thống ngân hàng


NGÀY 25/10


>>> Tuần đầu kỳ họp thứ 8 Quốc hội: Khởi đầu của nhiều vấn đề thiết thực



NGÀY 24/10


>>> Bảo đảm quyền có chỗ ở của công dân theo Hiến pháp


>>>Đồng ý cho người nước ngoài sở hữu nhà



NGÀY 23/10

>>> Một số thông tin đáng chú ý của phiên họp Quốc hội ngày 23/10


>>> Quốc hội xem xét phê chuẩn Công ước chống tra tấn của LHQ


>>>Đi tù vẫn phải được hưởng lương hưu


>>>Vẫn có cách để tăng lương


>>>>THÔNG TIN VỀ KỲ HỌP CÁC NGÀY 20, 21, 22/10











cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên