VCCI lấy đâu ra con số 70% số doanh nghiệp không lãi?
Một trong những lý lẽ chính mà Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đưa ra để phản đối đề xuất tăng 16% lương tối thiểu của Tổng LĐLĐVN là do hiện có đến 70% số doanh nghiệp (DN) đang làm ăn thua lỗ.
- 25-08-2015Tăng lương tối thiểu 2016: Kiên quyết bảo vệ mức tăng 17%
- 24-08-2015Tăng lương tối thiểu 2016: Tiếp tục thảo luận mức tăng
- 14-08-2015Tăng lương tối thiểu vùng: Đừng cò kè với người lao động
- 12-08-2015Tăng lương tối thiểu nhỏ giọt: Công nhân sẽ chật vật hơn
Muốn biết doanh nghiệp lỗ-lãi, phải chờ đến tháng 3.2016
Phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) thảo luận về mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 vừa qua không đạt được kết quả, vì giữa đại diện người sử dụng lao động (NSDLĐ) là VCCI và đại diện người lao động (NLĐ) là Tổng LĐLĐVN vẫn không tìm được tiếng nói chung. Phía Tổng LĐLĐVN bảo lưu mức tăng bình quân 16,8%, trong khi đại diện NSDLĐ chỉ chấp nhận phương án tăng trên dưới 10%.
Lý lẽ mà VCCI đưa ra là hiện có đến gần 70% số DN đang kinh doanh không có lãi, việc tăng LTT không hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các DN, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, đẩy NLĐ đang có việc làm ở thành thị trở lại nông thôn, làm tiếp tục gia tăng tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội. VCCI theo đó kiến nghị chọn mức tăng 9-10%. Một đại diện của VCCI cho biết: “Chúng tôi lấy con số 70% số DN không có lãi từ kết quả nghiên cứu trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam do Ban Pháp chế, Viện Phát triển DN, VCCI. Con số DN lỗ hay lãi nằm ở Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính”.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Lao Động về thực hư con số 70% số DN đang không có lãi mà VCCI công bố, bà Lê Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ (Tổng cục Thuế), nơi nắm rõ nhất về thực trạng kinh doanh lỗ-lãi của các DN - bất ngờ cho biết: “Tôi không rõ con số này VCCI lấy ở đâu?”.
Trong khi đó, đại diện của Tổng cục Thuế cho biết, trước đây Tổng cục Thuế nắm được con số tổng hợp thu nhập (lãi) của từng DN thông qua tờ khai Thu nhập DN được nộp hàng quý. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2014, cơ quan thuế đã bỏ tờ khai nộp thuế thu nhập DN theo quý mà chỉ làm theo năm. Sau ngày 31.12.2015 DN mới làm quyết toán và hết tháng 3.2016 mới hết hạn nộp tờ khai quyết toán thuế.
Thế nên nếu muốn biết các DN làm ăn lỗ-lãi thế nào phải đợi đến hết 31.3.2016 mới có con số chính xác bao nhiêu DN khai lãi, khai lỗ. Như vậy, ngay cả Tổng cục Thuế cũng chưa biết được tình hình kinh doanh trong năm 2015 của các DN ra sao, vậy không rõ cơ sở nào mà VCCI công bố con số “70% số DN đang không có lãi”?
PV Báo Lao Động đặt câu hỏi nếu thực sự 70% số DN không có lãi như VCCI tuyên bố, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2015 sẽ ra sao? Bà Lê Thị Thủy cho biết: “Hiện tại chưa có con số cụ thể về thu thuế thu nhập DN. Cơ quan thuế hiện mới chỉ có báo cáo tổng hợp 6 tháng, con số này chỉ mang tính điều hành, không quá cặn kẽ từng sắc thuế, thường tính trên tổng số thuế thu, nếu có trừ chỉ trừ thuế thu từ dầu thô và thuế đất”.
Sẽ khó tăng lương với những doanh nghiệp quản lý yếu kém
Trong khi VCCI “nhăm nhăm” bảo vệ quyền của các chủ DN mà quên đi rằng nếu tăng 10% LTT cũng chỉ đáp ứng được trên 70% mức sống tối thiểu của NLĐ. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết: “Làm chính sách mà ngồi phòng máy lạnh sẽ không bao giờ thấy được cái khổ, quyền lợi chính đáng của công nhân”. “Hiện nay còn rất nhiều DN vẫn cố tình trây ỳ việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ” - ông Mai Đức Thắng - Phó ban Thu BHXH Việt Nam - cho biết.
Theo ông Thắng, việc tăng mức LTT đương nhiên sẽ tăng mức đóng BHXH đối với NLĐ, nhưng chỉ tăng với việc đóng BHXH lần đầu, bởi NLĐ ký hợp đồng lần đầu sẽ phải đóng BHXH theo mức tối thiểu mới. Còn những lao động đã và đang tham gia BHXH rồi sẽ không bị thay đổi. Việc tăng mức LTT sẽ giúp NLĐ nâng cao các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình vì khi mức đóng cao, các phúc lợi xã hội của họ sẽ được hưởng cao. Việc tăng mức LTT cho NLĐ sẽ giúp họ bớt khó khăn hơn trong cuộc sống, đồng thời cũng yêu cầu DN phải có trách nhiệm cao hơn với NLĐ.
Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho biết: “Lý lẽ của Tổng LĐLĐVN đưa ra để bảo vệ quyền lợi CNLĐ là đúng, vì đời sống của họ hiện rất khó khăn. Nếu nói tăng lương tối thiểu mà tất cả các DN không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ là chưa chính xác.
Vẫn có các DN quản trị tốt, kinh doanh tốt thì họ vẫn chống đỡ được, còn những DN quản lý yếu kém, thiếu chuyên nghiệp sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa cũng đang chật vật để tồn tại nên cũng cần có chính sách khuyến khích. Vì vậy, theo tôi, hai bên nên nhân nhượng để tìm được tiếng
nói chung”.
Lao động