Vì sao Thông tư 20 vừa có hiệu lực đã phải dừng?
Lại thêm một thông tư mới ban hành phải tạm ngưng do thiếu tính khả thi. Đó là thông tư số 20/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành ngày 15/7, có hiệu lực từ 1/9.
Trong phiên họp Chính phủ ngày 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo dừng thực hiện thông tư này với lưu ý “phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp, quy định phải có tính thực tiễn, có tính khả thi”.
Mục đích của thông tư 20/TT-BKHCN thực ra, cũng khá rõ ràng: Để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu tràn lan máy móc, công nghệ cũ từ nước khác.
Thực tế, vừa qua, đã có những quốc gia như Trung Quốc, đã đình chỉ hàng ngàn nhà máy công nghiệp có thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Hàng vạn tấn thiết bị, máy móc đó lại tìm cách chảy sang nước khác với giá rất rẻ.
Chính phủ, Bộ KH&CN đã ban hành thông báo để cảnh báo tình trạng nhập khẩu những loại máy móc, công nghệ như vậy vào Việt Nam để tránh nguy cơ Việt Nam thành bãi rác công nghệ của nước khác. Tuy nhiên, những văn bản đó chưa đủ mạnh để ngăn chặn. Nên việc ra đời của thông tư 20, có tính pháp quy mạnh hơn, là điều dễ hiểu.
Mục đích tốt nhưng các làm dở thì không giúp đạt được yêu cầu. Điểm bất hợp lý lớn nhất trong thông tư 20 (khoản 1, điều 6) là quy định: các dây chuyền máy móc đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam với điều kiện: thời gian sử dụng chưa quá 5 năm; có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên...
Quy định trên ngay lập tức gặp phải phản ứng khá gay gắt từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, và từ các bộ, ngành khác. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản ngay lập tức đã gửi công văn tới Bộ KH&CN cho rằng: Thông tư 20 có thể gây cản trở phát triển kinh tế do có nhiều điểm chưa rõ ràng, hiệu lực thi hành gấp chỉ sau 1 tháng kể từ khi ban hành khiến doanh nghiệp không có đủ thời gian chuẩn bị, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Bộ Công thương cũng cho rằng,“Quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến giao thương của hai nước mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh” vì thực tế, nhiều máy móc, thiết bị của Nhật tuy đã qua sử dụng 5 năm hoặc chất lượng chỉ còn bằng 70% so với ban đầu nhưng vẫn rất tốt, thậm chí tốt hơn nhiều máy móc, công nghệ mới của nước khác như Trung Quốc…
Có những dây chuyền hiện đại, tuy đã sử dụng nhưng còn rất mới nhưng có doanh nghiệp khó khăn, phải dừng hoạt động do khủng hoảng, được bán sang Việt Nam mà cấm nhập là điều bất hợp lý.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, ông không thích việc cứ có ý kiến là bảo phải sửa nhưng qua trao đổi trực tiếp với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, ông tin rằng thông tư này thực sự gây vướng mắc. Nhất là việc buộc doanh nghiệp phải giám định máy móc, thiết bị trước khi thông quan sẽ làm nảy sinh hàng loạt thủ tục mới.
Việc không nghiên cứu kỹ, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp- đối tượng chịu tác động của văn bản quy phạm trước khi ban hành thông tư 20 có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến việc văn bản này vừa ban hành đã phải đình chỉ.
Không ai nghi ngờ về mục đích đúng đắn của thông tư nhưng quy định thế nào để thực hiệnđược, tuy rất khó nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ, với trách nhiệm cao nhất của mình phải tìm ra và một trong những điều cần làm, là phải đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, tìm ra giải pháp tốt nhất.
Một khi có giải pháp hợp lý, thực tiễn thì Bộ không lo gì, văn bản mới ra, đã bị Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thực hiện. Quan trọng hơn là phải tìm ra cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tìm mua những dây chuyền, công nghệ hiện đại để tăng sức cạnh tranh, chứ không phải là ban hành chính sách có tính hạn chế, cấm đoán.
Theo Hà Anh