Việt Nam thứ 37/139 về mức độ kết nối toàn cầu
Một nửa số người dùng Facebook có ít nhất một người bạn nước ngoài trong năm 2015...
- 25-02-2016Chờ TPP để xuất hàng đi Mỹ
- 25-02-2016Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế trước khi ký kết Hiệp định TPP
- 27-01-2016Hải Phòng sẽ là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới
- 01-01-2016Kết nối cơ chế một cửa ASEAN: Cơ hội xuất khẩu hàng Việt Nam
Sự kết nối luôn đem lại cho các cá nhân cũng như các nền kinh tế nhiều lợi ích. Đó là lý do vì sao mà các quốc gia ngày nay luôn tìm cách để tăng cường sự kết nối với phần còn lại của thế giới.
Công ty tư vấn McKinsey&Co. vừa công bố một bản báo cáo dài 144 trang về kết nối toàn cầu, trong đó có một xếp hạng các quốc gia về mức độ kết nối.
Theo hãng tin Bloomberg, bản báo cáo nhận định rằng, khi một quốc gia càng có mức độ kết nối cao với thế giới, thì nền kinh tế càng hưởng lợi nhiều. Sự kết nối này không chỉ dừng ở các hoạt động thương mại và tài chính, còn là sự kết nối về con người - thể hiện qua số người nhập cư ở mỗi quốc gia - và dòng dữ liệu chảy qua biên giới quốc gia đó.
Dựa trên tất cả các yếu tố này, McKinsey đã xếp hạng 139 quốc gia về độ kết nối với thế giới. Dẫn đầu xếp hạng là đảo quốc nhỏ bé Singapore, tiếp theo là Hà Lan - một trong những trung tâm kỹ thuật số của châu Âu. Trong top 5 còn có Mỹ, Đức, và Ireland.
5 quốc gia còn lại trong top 10 là Anh, Trung Quốc, Pháp, Bỉ, và Saudi Arabia.
“Đội sổ” xếp hạng là đảo quốc Seychelles và quốc gia châu Phi Sierra Leone.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và sở hữu nhiều thương hiệu toàn cầu, chỉ đứng thứ 24. Vị trí thấp đáng ngạc nhiên này của Nhật Bản xuất phát từ việc nước này hạn chế người nhập cư.
Việt Nam đứng thứ 37 trong xếp hạng, sau Na Uy và trước Lebanon.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Singapore (1), Malaysia (20), và Thái Lan (22), đồng thời được xếp hạng cao hơn Indonesia (51), Philippines (54), Cambodia (92), và Lào (100).
Báo cáo nhận định nền kinh tế thế giới nói chung hưởng lợi từ dòng chảy khoảng 7,8 nghìn tỷ USD hàng hóa, dịch vụ, vốn và dữ liệu qua biên giới các quốc gia trên toàn cầu trong năm 2014.
“Những quốc gia mở cửa cho các dòng chảy toàn cầu sẽ tăng được GDP của mình”, chuyên gia Susan Lund của McKinsey nhận định.
Theo báo cáo, những nhận định cho rằng toàn cầu hóa đã “chết” là hoàn toàn chủ quan.
Đúng là thương mại toàn cầu đã tăng chậm lại đáng kể, các dòng chảy vốn toàn cầu đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh gần 12 nghìn tỷ USD vào năm 2007, trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, sự truyền dẫn dữ liệu trên khắp thế giới lại đang tăng với tốc độ bùng nổ. Một nửa số người dùng Facebook có ít nhất một người bạn nước ngoài trong năm 2015, tăng từ mức chỉ 16% vào năm 2012.
Facebook ước tính trên mạng này hiện có khoảng 50 triệu công ty vừa và nhỏ, gần gấp đôi so với năm 2013. Trung bình, 30% lượng người theo dõi các công ty này trên Facebook là từ các quốc gia khác.
“Chúng ta đang bước và một kỷ nguyên mới và khác biệt của toàn cầu hóa”, bà Lund nói. “Và đặc điểm của kỷ nguyên toàn cầu hòa này là các dòng chảy dữ liệu và kỹ thuật số”.
VNEconomy