MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam tiếp tục đề nghị LHQ lưu hành các văn bản phản đối Trung Quốc

04-07-2014 - 22:13 PM | Xã hội

Đây là lần thứ tư Việt Nam gửi thư lên LHQ đề nghị lưu hành các tài liệu liên quan đến vấn đề này.

Phái đoàn Việt Nam tại LHQ tiếp tục gửi thư lên Tổng thư Ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị LHQ lưu hành hai văn bản nêu rõ về lập trường của Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo này. Đây là lần thứ tư Việt Nam gửi thư lên LHQ đề nghị lưu hành các tài liệu liên quan đến vấn đề này.

Trong tài liệu thứ nhất liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, Việt Nam đã nhấn mạnh “Nước CHXHCN Việt Nam bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như trên phương diện pháp lý, các luận cứ của Trung Quốc nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5 và ngày 9/6/2014 gửi lên LHQ. Tài liệu nêu rõ: Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Tài liệu cũng chỉ rõ, để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã điều hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc chủ động liên tục đâm va, bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Thậm chí còn đâm chìm tàu cá của Việt Nam.

Các hành vi của Trung Quốc không chỉ vi phạm quy định cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với những người đi biển. Văn bản trên cho biết tất cả các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ.

Đặc biệt trong tài liệu Việt Nam vừa gửi lên LHQ, Việt Nam đã bác bỏ toàn bộ cả trên thực tế cũng như pháp lý yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa mà nước này đã nêu trong thư và tài liệu gửi lên LHQ ngày 9/6 vừa qua. Việt Nam khẳng định các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Trong tài liệu thứ hai này, Bộ Ngoại giao nước ta đã chỉ rõ các tư liệu lịch sử không thống nhất với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa; khẳng định những tài liệu Trung Quốc dẫn chiếu nhằm chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được Trung Quốc diễn giải một cách tùy tiện.

Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Việt Nam cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy quần đảo Hoàng Sa không được giao cho Trung Quốc tại các Hội nghị quốc tế trước và sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. 

Tài liệu cũng nêu rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này.

Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, Việt Nam khẳng định rõ rằng, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Văn bản thứ hai còn khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Tài liệu về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển của Việt Nam và tài liệu khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với quần Hoàng Sa sẽ được lưu hành là những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ khóa 68.


>>>Tàu Trung Quốc đâm hỏng tàu kiểm ngư Việt Nam


Theo Trần Hà

cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên