MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ sập hầm thủy điện: Truy trách nhiệm thế nào?

24-12-2014 - 11:16 AM | Xã hội

Bộ Xây dựng yêu cầu đình chỉ thi công công trình, phong tỏa hiện trường và hồ sơ của công trình để phục vụ việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

Liên quan đến vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt, hôm nay (24/12), báo Kinh doanh và Pháp luật dẫn lời ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) - Công ty mẹ của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội (chủ dự án thủy điện Đạ Dâng), cho biết, bản thân ông Thăng đã lên tiếng xin lỗi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và người dân vì đã để xảy ra sự cố.

Lý giải cho việc đường hầm dẫn nước dài 720m nhưng có sự thay đổi liên tục giữa các nhà thầu thi công, ông Thăng cho biết, vì khu vực này địa chất yếu, nhiều đơn vị thi công không xử lý được. Cách đây 10 tháng, đường hầm này đã đào thông được 600m. Đến khi Công ty Cổ phần Sông Đà 505 đảm nhiệm việc gia cố, đổ bê tông thì xảy ra tai nạn.

“Tất nhiên, thi công phải đưa máy móc vào, và việc này cũng gây rung động. Hơn nữa, thời gian này trời mưa kéo dài hơn 1 tháng, nước và đất chảy ra từ các khe của phần chắn cũng là một trong những nguyên nhân làm sập hầm. Không ai lường được địa chất phức tạp như vậy”, ông Thăng giải thích.

Còn đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước trước thời điểm hầm thủy điện Đạ Dâng đổ sập, báo Tiền Phong dẫn lời ông Nguyễn Hữu Tâm, GĐ Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: Theo quy định, thủy điện Đạ Dâng là công trình công nghiệp, lại về lĩnh vực điện nên quản lý ngành thuộc ngành Công Thương.

Chủ đầu tư phải báo cáo toàn bộ dự án, các đơn vị tham gia và các vấn đề liên quan lên Sở Công Thương để báo cáo tỉnh và tỉnh báo cáo Bộ Công Thương. Khi có báo cáo, tỉnh mới giao cho đơn vị nào chủ trì xử lý hậu sự cố.

“Chất lượng và thi công là Bộ Công Thương và Sở Xây dựng. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nhà nước chỉ là hướng dẫn thực hiện và kiểm tra khi có sự cố. Còn việc giám sát thì chủ đầu tư đã thuê đơn vị giám sát thi công, làm sao cơ quan quản lý nhà nước đi giám sát được”, ông Tâm nói về trách nhiệm của Sở Xây dựng.

Ông Tâm còn cho rằng, muốn biết rõ phân công trách nhiệm thế nào hãy xem điều 41, 42, 43 Nghị định 15/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Trước đó, báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ về giải quyết sự cố sập hầm dẫn nước công trình thủy điện Đa Dâng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã kiến nghị việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm. Cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu trước hết cần đình chỉ việc thi công công trình này, phong tỏa hiện trường và hồ sơ của công trình để phục vụ việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố.

Về việc tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tham gia hoạt động xây dựng công trình này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

>>>Vụ sập hầm: Chủ đầu tư và công an tỉnh nói gì?

Theo PV

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên