Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả…
Trong hơn 3.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, cử tri mong mỏi Quốc hội nghiên cứu sửa đổi các quy định theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn tội tham nhũng để răn đe, phòng ngừa.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh phải thẳng thắn thừa nhận tuy có phát hiện được một số vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chất lượng rất thấp, chỉ hơn mười mấy phần trăm.
Nguyên nhân do khối tài sản ấy không phải do người trực tiếp tham nhũng đứng tên mà thường “ẩn”, đứng tên bởi những người xung quanh như vợ, chồng, con cái, anh chị em. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, nhất là công tác kê khai tài sản, thu nhập cũng chưa thực sự minh bạch.
** Theo đại biểu làm thế nào để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả trong thời gian tới?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Phát hiện, phòng ngừa tham nhũng là việc làm cực kỳ khó khăn vì đối tượng tham nhũng, có điều kiện tham nhũng chủ yếu tập trung ở những người có quyền lực, hiểu luật pháp nên dễ “lách luật”, đồng thời có nhiều mối quan hệ để dễ lấp liếm việc tham nhũng của mình.
Để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả, theo tôi, khi kê khai tài sản không chỉ người thuộc đối tượng kê khai phải kê khai tài sản mà những người thân như vợ hoặc chồng, con của người đó cũng phải kê khai. Có như vậy, chúng ta mới có thể biết tài sản đó đi đâu, nằm ở chỗ nào.
Đặc biệt, tài sản tham nhũng còn có một khoản “bôi trơn” ở một số cá nhân, tổ chức. Đây là vấn đề rất khó, nhưng chúng ta phải có giải pháp với những chế tài cụ thể để điều tra, thu hồi bằng được.
** Ở ta vẫn giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt vậy làm sao có thể kiểm soát được tài sản, thưa ông?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Đúng là nếu chúng ta thanh toán bằng tiền mặt thì Nhà nước không thể kiểm soát được, dẫn đến khó ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Giải pháp cho vấn đề này là câu hỏi các cơ quan chức năng phải trả lời.
Tuy nhiên, trước mắt cần hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, rồi tiến tới tất cả các giao dịch phải được thực hiện thông qua ngân hàng.
** Tại kỳ họp 7, ông chất vấn nạn tham nhũng “vặt” đang diễn ra phổ biến, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân. Đến nay, nạn tham nhũng “vặt” đã giảm chưa, thưa ông?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Tôi thấy tình trạng tham nhũng vặt không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đối với các cấp công quyền ở cơ sở, người dân nếu không có phong bì bị gây khó dễ, đi lại nhiều lần; cán bộ công chức đến cơ quan tranh thủ thời gian làm việc một chút rồi giải quyết việc riêng, dùng xe công đi thăm quan… Đó là tham nhũng “vặt”.
Nhìn từng vụ, hậu quả không lớn, nhưng nếu cộng cả nước, cả bộ máy nhà nước thì vô cùng lớn. Nếu chúng ta giải quyết được thì vừa tạo lòng tin trong nhân nhân, vừa ngăn chặn được những vụ tham nhũng lớn hơn.
** Vậy theo ông làm thế nào để công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới đạt hiệu quả như kỳ vọng của người dân?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Theo tôi cần phải có những chế tài thật mạnh. Trước hết, không để những người giữ chức vụ quyền hạn liên quan đến vấn đề kinh tế được giữ chức vụ lâu mà phải luân chuyển. Thứ hai, trước khi vào những ngành đó, cán bộ phải kê khai tài sản thật sự minh bạch và công khai. Thứ 3 khi phát hiện có hành vi tham nhũng phải xử lý thật mạnh, phải thu hồi được tài sản tham nhũng, kể cả những người đã về hưu, nghỉ công tác, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phải mở các kênh để nhân dân, cử tri tham gia phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên phải có những biện pháp để bảo vệ, động viên những người dám tố cáo tham nhũng. Có như thế chúng ta mới phòng, chống tham nhũng hiệu quả
** Xin cám ơn ông!