MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Nguy cơ bị “cấm cửa”

26-09-2014 - 08:15 AM | Xã hội

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra sáng 25.9, nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH được các đại biểu đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

“Nóng” nhất là nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, những hạn chế của công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Tỉ lệ thất nghiệp đúng chuẩn ILO?


Bộ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định, con số báo cáo tỉ lệ thất nghiệp (TN) 1,84% gây xôn xao dư luận vừa qua đã được bộ làm việc lại với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, con số này không sai, vì nếu áp dụng theo cách tính toán và các chỉ tiêu của ILO, không chỉ VN mà các nước trong khu vực cũng có tỉ lệ TN rất thấp.

Ở Campuchia tỉ lệ TN chỉ 2%, Thái Lan: 0,8%, Malaysia: 3,2%, Singapore: 3,1%. Tuy nhiên, tỉ lệ TN tại các nước đang phát triển không đồng bộ, thống nhất như cách tính của các nước phát triển”.

Cho rằng con số TN chỉ ở mức 1,84% là rất khó thuyết phục và khiến dư luận không đồng tình, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội - băn khoăn: Liệu chúng ta có nhất thiết phải áp dụng cách tính và các tiêu chí của ILO hay không? Có nên áp dụng một cách máy móc công thức của ILO, khi mà thị trường LĐVN có tới 67% số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Việc công bố số liệu áp dụng công thức một cách máy móc đương nhiên xã hội sẽ phản ứng.

Đối diện nhiều thách thức

Theo Bộ LĐTBXH, 8 tháng đầu năm 2014 cả nước tạo việc làm cho hơn 1 triệu LĐ, đạt 64,79% kế hoạch năm. Trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 963.000 người, đạt 63,65% kế hoạch; XKLĐ được 73.727 người, đạt 84,74% kế hoạch. Về công tác dạy nghề, 8 tháng đầu năm các trường nghề tuyển sinh được hơn 623.000 người, đạt 35% kế hoạch năm.

Công tác dạy nghề vừa không đạt chỉ tiêu số lượng, vừa không đảm bảo hiệu quả về chất lượng đào tạo. Cơ cấu ngành nghề, chất lượng giáo viên, đặc biệt là mảng đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa còn rất nhiều hạn chế, bất cập.

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN - lo ngại vì tỉ lệ học nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp. Trong khi cả nước có 165 trường cao đẳng nghề, 8 tháng đầu năm chỉ thu hút được 623.000 người là con số quá khiêm tốn. Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, công tác đào tạo nghề chưa đồng bộ giữa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực.

Có nơi người ta tổ chức dạy nghề sửa xe mà thiết bị thực hành của mấy chục năm về trước thì học không thể hành, vô cùng lãng phí. “Một xã miền núi phía bắc mở lớp dạy nghề sửa xe cho mấy chục người học, thử hỏi học xong họ hành nghề cả thì sẽ như thế nào?” - bà Khá băn khoăn.

Vấn đề về người lao động được mổ xẻ tại phiên họp của Ủy ban các vấn đề xã hội.

Hiệu quả của 4 trung tâm giới thiệu việc làm cấp vùng trong cả nước (trong đó 3 trung tâm đã đi vào hoạt động là Đồng Nai, Hải Dương, Đà Nẵng. Riêng trung tâm tại Cần Thơ đang xây dựng). Được đầu tư kinh phí lớn, xây dựng hoành tráng, nhưng các trung tâm này đã thực hiện chức năng của mình như thế nào, đến nay Bộ LĐTBXH đã thống kê chính thức về số người được giới thiệu và có việc làm ổn định nhờ các trung tâm này hay chưa? Câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền hứa sẽ báo cáo sau.

Về thị trường XKLĐ, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, bà Chuyền cho biết: “Sau khi ký Biên bản ghi nhớ đặc biệt (MOU), chúng ta cam kết với phía Hàn Quốc sau thời hạn 1 năm, nếu số LĐVN vi phạm hợp đồng cư trú bất hợp pháp không giảm xuống dưới 30% thì sẽ không ký lại hợp đồng bình thường.

Đến nay, bộ đã làm việc với 13 tỉnh, thành phố có đông LĐ đi làm việc ở Hàn Quốc để địa phương có phương án tuyên truyền, giải thích với các gia đình. Bộ cũng đã trình Chính phủ phương án ký quỹ, Chính phủ yêu cầu địa phương đôn đốc LĐ trở về.

Bộ cũng làm việc song phương với phía Hàn Quốc, nhưng dù nỗ lực rất nhiều, đến nay con số LĐVN cư trú bất hợp pháp vẫn là 38%. Hiện bộ đã cử cán bộ sang làm việc với từng văn phòng phụ trách LĐ bên Hàn Quốc để đôn đốc rốt ráo.

Chúng tôi cũng muốn thông tin cho người dân biết số LĐ đi Hàn Quốc về đúng thời hạn và được quay trở lại làm việc trong năm nay đã hơn 5.000 người. Nếu người dân không ủng hộ, phối hợp với bộ để giảm tỉ lệ người vi phạm thì nguy cơ bị “cấm cửa” thị trường Hàn Quốc là rất cao”.

>>>Lao động đi Hàn Quốc được vay vốn không thế chấp tới 100 triệu đồng

Theo Lê Phương

cucpth

Laodong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên