Xung quanh đề xuất tăng xử phạt đối với vi phạm giao thông
Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh đề xuất tăng mức xử phạt đối với vi phạm về an toàn giao thông...
- 21-09-2012Nâng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ
- 04-04-2012Sẽ phạt vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng
- 14-05-2010TPHCM,Hà Nội: "chốt" lại ranh giới xử phạt vi phạm giao thông
Ngay từ đầu năm mới, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã có đề xuất trình Chính phủ về việc tăng mức xử phạt đối với các chủ phương tiện giao thông vi phạm.
Như chúng tôi đã đề cập, ngoài việc đề xuất tăng mức phạt tiền, cơ quan này thậm chí còn đề xuất việc tịch thu phương tiện, kể cả với ô tô và xe máy, trong trường hợp người vi phạm không chịu nộp phạt hoặc vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Trao đổi với báo chí chiều 4/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết mục đích của việc tăng mức xử phạt là để tăng tính răn đe trên tinh thần tính mạng con người là trên hết.
Theo ông Hùng, các quy định hiện hành về xử phạt chưa đủ sức răn đe, thực tế cho thấy vi phạm vẫn xảy ra tràn lan trên nhiều tuyến đường cao tốc, trong đó có nhiều hành vi có tính chất nguy hiểm, không những gây ảnh hưởng đến bản thân người vi phạm, mà còn đe dọa an toàn giao thông đối với những người khác, đối với cả hệ thống giao thông.
Chính vì vậy Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đề xuất hình thức xử phạt nặng là tịch thu phương tiện vi phạm ở một số hành vi nguy hiểm để ngăn ngừa những hành vi này. “Mục đích của hình thức xử phạt nặng là để giáo dục, răn đe người dân, tạo cho người dân ý thức “không vi phạm giao thông”, ngăn ngừa những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm”, ông nói.
Sau khi đề xuất của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia được công bố, trên các mạng xã hội đã xuất hiện một số ý kiến về tính pháp lý của quy định này. Nhiều ý kiến cho rằng với người điều khiển phương tiện vi phạm luật, một số nước có thể phạt tiền nặng hoặc phạt tù, nhưng việc tịch thu tài sản là việc khác.
Trước ý kiến này, phía Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho rằng hiện nay luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rất rõ hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm. Căn cứ vào quy định hiện hành của pháp luật, cơ quan này mới đưa ra đề xuất trên.
Tuy nhiên, ở góc độ những cán bộ trực tiếp thực thi pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng tính khả thi của đề xuất “tịch thu phương tiện” là không cao.
Trao đổi nhanh với chúng tôi, Thiếu tá Bùi Đức Thuận, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho rằng ông đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia trong việc tăng mức xử phạt để giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, đối với quy định tịch thu phương tiện, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện nộp phạt là không hợp lý. Theo phân tích của ông Thuận, theo quy định trong điều 86 của Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì nếu người vi phạm không chấp hành quy định xử phạt thì cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Cưỡng chế có thể được thực hiện theo nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có thể là bị khấu trừ một phần thu nhập, bị kê biên một số tài sản có giá trị tương đương số tiền bị xử phạt để bán đấu giá.
Vì vi phạm luật giao thông cũng là vi phạm hành chính nên khi người vi phạm không chịu nộp phạt thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành chứ không thể hiểu đơn giản là nếu vi phạm mà không nộp phạt là tịch thu ngay phương tiện.
Ông Thuận cũng cho rằng để việc giảm tai nạn giao thông được hiệu quả, bên cạnh việc tăng mức xử phạt, cần thiết phải tiến hành tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về những nội dung mới này.
Đồng tình với quan điểm này, Thiếu tá Lê Hồng Thái, Trạm trưởng Trạm cảnh sát giao thông Quảng Xương (Thanh Hóa) cho rằng ông đồng tình với tăng mức xử phạt, vì nếu để mức xử phạt “bình bình” như lâu nay thì trên thực tế ý thức tuân thủ của người dân chưa cao, còn nhiều vi phạm.
Tuy nhiên, việc tăng mức xử phạt tăng lên tối đa là 80 triệu với tổ chức và 40 triệu đối với cá nhân thì cần thiết phải xem lại quy định vì trong luật hiện hành chỉ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về giao thông cao nhất là 40 triệu đông. Nếu tăng quá mức này, theo ông Thái, nhất thiết phải thay đổi từ luật gốc mới đảm bảo tính pháp lý.
Trong khi đó, đối với đề xuất tịch thu phương tiện, theo ông Thái nếu đã là vi phạm nặng thì tước giấy phép lái xe, thu kiểm định, đăng ký thì coi như phương tiện đã không thể hoạt động được. Còn nếu đưa ra sử dụng thì sẽ bị tạm giữ nên việc tịch thu cũng có thể là không hợp lý. “Tôi nghĩ cái này cần nghiên cứu kỹ thêm trước khi áp dụng”, ông Thái nói.
Trao đổi với báo chí về đề xuất mới này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Hồng Thái và Đồng nghiệp thậm chí cho rằng đề xuất này vi phạm Hiến pháp 2013 và các Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ.
Luật sư này cho rằng khoản 2 Điều 169 Bộ Luật dân sự có quy định về bảo vệ quyền sở hữu rõ như sau: “Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”.
Ông Thái cũng cho biết, ngay cả trong Hiến pháp 2013 cũng quy định rõ ràng về quyền sở hữu của công dân, theo đó không ai có quyền tước đạt tài sản người khác và Luật Dân sự cũng chính là cụ thể từ Hiến pháp ra. Hiện tại, đề xuất của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia vẫn đang được Chính phủ xem xét trước khi có quyết định chính thức.
>>>Giám đốc công an Hà Nội đề xuất tăng tiền phạt vi phạm giao thông
Theo Yến Thanh